“Đại gia chân đất” giàu lên nhờ vận may, cách tiêu tiền như để “thỏa mãn cơn đói giàu sang”, và hệ quả của những tháng ngày vung tiền như rác ấy là của thiên trả địa, tiền bạc tỷ không cánh mà bay, “đại gia chân đất” lại trở về với “cái máng lợn” cũ…
Phong “đại gia” đốt tiền vào bài bạc
Con đường dẫn vào nhà Phong “đại gia” ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang u ám như chính số phận của con người này. Băng qua những chiếc cầu tạm gập ghềnh, những trục đường đất nham nhở hở toác, nhậy nhụa sau cơn mưa chiều khiến chúng tôi ái ngại. Và nếu như không có sự chỉ đường tận tình, thì có lẽ trong mường tượng của mình, chúng tôi cũng không thể hình dung nổi, chàng trai một thời được tôn xưng “đại gia” ở cái ấp nghèo Hòa Nghĩa lại sống trong chỗ heo hút đến vậy.
Thời “oanh liệt” với Phong là cả một chặng đường dài sống trong sự vương giả. Những ký ức của gã trai lực điền là cả một trang dài trong cuộc đời. Mới chỉ cách đây 6 năm thôi, cả làng quê huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bỗng xôn xao, bàn tán hết lời khi thấy Phong đột nhiên trúng loạt 36 tờ vé số. Câu chuyện ầm ĩ này nhanh chóng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Và Phong, chàng trai lúc ấy mới tròn 34 tuổi nghiễm nhiên được tôn làm “đại gia” khi sở hữu 4 tỷ đồng “lộc trời”.
Trong 6 năm trước, khi có tiền, “lên đời” ở tầm cao hơn, Phong sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng về thành phố Mỹ Tho sắm ngay chiếc xe SH đập hộp, về chạy lượn lờ khắp làng trên xóm dưới cho dân làng….choáng.
Hàng ngày, Phong lê la hết quán cà phê này đến quán cà phê khác, cứ vểnh mặt lên ngồi trong quán, đợi mấy người đi bán vé số dạo đến mời chào là vung đống tiền ra mua cả xấp. Số vé số ấy, Phong thừa nhận chẳng thể nhớ nổi mình đã “hốt” hết bao nhiêu tiền, mà chỉ mường tượng ra cảnh, cứ đến giờ có kết quả là lôi ra ngồi dò cả mấy tiếng đồng hồ để tìm vận may. Nếu không trúng vé nào thì hôm đấy coi như xui và Phong lôi đám bạn cùng quê tìm đến quán nhậu.
Thời “oanh liệt” ấy, Phong hay tìm đến vũ trường để cho túi tiền “bớt căng”.
Có tiền, Phong “đại gia” bắt đầu nghĩ đến chuyện lấy vợ. Người phụ nữ hiện tại đang sinh sống với anh ta thua chồng gần 20 tuổi. Những tưởng có vợ, Phong sẽ chắt bóp chi tiêu, giao tiền vợ quản lý, ngờ đâu bản tính ham chơi vẫn hiện hữu, anh ta vẫn kiểm soát, giữ tiền ăn chơi như thói quen cũ.
Vì thế, mới có giai thoại về Phong ở đây được người dân ví von bằng câu nói khá hóm hỉnh: “Phong “đại gia” may mà nhà chưa mất”. Hỏi một vài người vì sao có câu nói ấy, chúng tôi được biết: “Lúc nhiều tiền, có đêm nó đánh bài mất cả tiền tỉ mà đâu có xót. Tiền nhậu, tiền mua vé số, tiền ăn chơi, có ngày phải lên đến vài chục triệu đồng. Dù có là tiền tấn thì cũng hết huống chi mấy tỉ. May mà nó có khôn, cắt được cái nhà tá túc, nếu không thì giờ nó chắc phải vạ vật đâu đó quá”.
Chuyện ăn chơi của Phong “đại gia” ở làng quê Hòa Nghĩa ai cũng tường tận và nuối tiếc thở dài. Bởi, khi đã có tiền tỷ, Phong chẳng màng tới chuyện giữ vốn liếng làm ăn, mà suốt ngày chỉ tham gia bù khú với đám bạn nhậu và tìm vận may quanh những tờ vé số đầy may rủi. Vậy nhưng, dù có nướng cả đống tiền vào đó, các con số may mắn vẫn lẩn tránh. Chỉ trong thời gian gần hai năm, từ một “đại gia”, Phong bỗng chốc trở về với cuộc sống bần hàn.
Chỉ trong thời gian gần hai năm, từ một “đại gia”, Phong bỗng chốc trở về với cuộc sống bần hàn.
Đại gia chăn bò tiêu tiền như nước
Người dân miệt ven thành phố mới ở Bình Dương vẫn kể cho nhau nghe chuyện Tư Mọi làm nghề chăn bò thuê, trúng ba tờ độc đắc và trở thành đại gia.
Vốn vợ chồng Tư Mọi không con, lang thang từ Bình Định vào Bình Dương làm cái nghề chăn bò thuê cho một gia đình ở đây cũng chừng hơn mười năm. Vợ chồng ông cất được cái lều tạm bợ ở mảnh đất của chủ bỏ không, cạnh những cái chuồng bò. Vì xót thương hoàn cảnh tội nghiệp của bà bán vé số ế ẩm lúc chiều mà Tư Mọi mua 3 tờ vé số, ai ngờ trúng độc đắc. Chỉ vài ngày sau, người ta thấy vợ chồng ông lên đời, mua đứt luôn căn nhà của chủ.
Ban đầu, vợ chồng Tư Mọi xách túi tiền lên Sài Gòn mua bảy chiếc SH, gần trăm triệu mỗi chiếc, rồi thuê xe tải chở nguyên kiện về tận nhà. Tất nhiên, vợ chồng Tư Mọi đâu xài hết, mà tặng các đồng nghiệp chăn bò thuê một thời và láng giềng thân thiết mỗi người một chiếc. Thời gian ngắn sau sau làng trên xóm dưới xôn xao Tư Mọi sắm ô tô sang cả tỷ rưỡi, kéo ào ào đến xem. Gần 2 năm sau khi trúng 3 tờ độc đắc, dân địa phương chứng kiến cảnh gia đình Tư Mọi tan tác. Sau đó, Tư Mọi cũng bán luôn căn nhà rồi không ai biết đi đâu.
Đại gia đột tử vì bồ trẻ ôm “giai” trong nhà
“Trúng” tiền tỉ giải tỏa, rồi bỏ vợ, cặp gái đẹp, ăn chơi sát ván, bị lừa đến trắng tay là câu chuyện của nhiều đại gia bất động sản ở ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi (tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, bi thương nhất là trường hợp ông P.Q.D, 52 tuổi (ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi) đã có vợ và 4 con; là nông dân chuyên trồng cao su, sau khi bị một cô gái miền Tây bội tình… đã đột tử. Trước khi chết, ông D. “đốt” nhiều tỉ đồng tiền đền bù, rồi bán sạch nhà cửa nên giờ đây, vợ con ông sống vất vưởng khắp nơi.
Cô gái mà ông D. cặp bồ chỉ mới 18 tuổi, bán cà phê. Sau khi nhận tiền giải tỏa, cô ta bắt ông mua sắm toàn hàng hiệu, xây nhà ở quê. Khi nhà xây xong cho người đẹp, ông cạn tiền vì mua sắm nội thất, ăn chơi bạt mạng. Một ngày nọ, ông thình lình phát hiện cô bồ trẻ đang ôm ấp một thanh niên ở “tổ ấm” của mình. Khi ông D. lớn tiếng thì người thanh niên đứng lên vỗ ngực xưng là chồng cô gái và đuổi ông ra khỏi nhà. Bị bại tình, ông quay về ấp Phú Nghị, buồn bực, rượu chè triền miên, rồi đột ngột chết vào năm ngoái.
“Trúng” tiền tỉ giải tỏa, rồi bỏ vợ, cặp gái đẹp, ăn chơi sát ván, bị lừa đến trắng tay là câu chuyện của nhiều đại gia bất động sản ở ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi (tỉnh Bình Dương). (Ảnh minh họa).
Mê gái theo “phong trào”, từ tỷ phú thành… lơ xe
Tính số tiền đền bù đất cao su và đất nền, ông X. (40 tuổi, Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bình Dương) đứng đầu danh sách đại gia trong vùng.
Vì trót mê một cô gái quê Sóc Trăng làm chủ quán cà phê ôm, chỉ trong ít năm cung phụng người đẹp, cả chục tỷ đồng tiền đền bù đất của ông đã thành mây khói. Cũng giống như những “bạn đại gia” khác trong vùng, ông X. bị cô bồ trẻ làm mê muội, bắt xây nhà cửa đề huề ở miền Tây, rồi sau đó diễn bài “đội mũ phớt” cho đại gia trắng tay.
Sau khi bị “chân dài cuỗm hết tiền, ông X. phải đi làm lơ xe, đứa con mới lớn không đủ tiền ăn học, gia đình bần hàn hơn xưa.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường
2014-10-14 14:32:22
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dai-gia-chan-dat-vung-tien-nhu-rac-va-cai-mang-lon-a152827.html