Laptop hiện đang có “sức hút” lớn với đạo chích, mặt khác, đây cũng là mặt hàng công nghệ mà các linh kiện dễ bị hàng “lởm”, tái chế nếu đem đi sửa chữa. Dưới đây là những cảnh báo và cách khắc phục cho chiếc laptop thân yêu của bạn khỏi “hiểm họa”
Cảnh báo pin laptop giả và tái chế
Tại Việt Nam, nhiều người đã nhập một lượng lớn cell cũ từ Trung Quốc để tự tái chế pin cho máy tính xách tay. Đi kèm theo đó là một lượng vỏ được đặt sẵn theo mẫu như chính hãng để lắp và bán ra thị trường.
Theo khảo sát trên thị trường, pin máy tính xách tay loại 6 cell (các viên pin nhỏ cấu thành nên một thành phần lưu trữ năng lượng cho laptop, loại cell phổ biến hiện nay có hình dáng tròn như pin tiểu AA) hiện được bán với giá từ 50 đến 70 USD. Loại 8 đến 12 cell có giá từ 80 đến 120 USD, thấp hơn nhiều so với các showroom hay trung tâm chăm sóc khách hàng chính hãng.
Có người sau khi mua pin mới cho chiếc laptop Dell 5100 phát hiện pin chỉ chạy được hơn 2 tiếng đồng hồ dù trước đó đã được sạc đầy. Trong khi đó, pin của máy lúc mới mua có thể hoạt động đến hơn 4 giờ. Theo anh Nguyễn Trung Vỹ, chủ cửa hàng laptop tại quận Tân Bình, TP HCM, hầu như pin laptop được bán tại Việt Nam được nhào nặn, chắp vá, tân trang từ đồ cũ.
Đa phần pin laptop bán tại Việt Nam được nhập lậu từ Trung Quốc thông qua các cửa hàng thu mua nhỏ lẻ. Loại pin này sử dụng lượng lớn cell cũ phục hồi bằng cách sạc nhồi hoặc thay vào những cell đã không còn dùng được sau đó được lắp vào những lớp vỏ đã tút lại như mới và đưa ra thị trường. Loại này chỉ dùng tạm được trong thời gian vài tháng là hỏng.
Pin giả được đóng hộp (full box) như hàng mới và có chế độ bảo hành một đổi một trong vòng 6-12 tháng (bảo hành tại cửa hàng bán). Pin của nhiều thương hiệu như Dell, HP, Sony, IBM, Lenovo… từ đời cũ đến mới nhất đều có thể tìm thấy tại các cửa hàng chuyên bán sản phẩm này trên cả nước.
Chính vì đặc điểm full box, vỏ ngoài được gia công giống như thật nên nhiều người vẫn tưởng những pin này là sản phẩm do chính hãng sản xuất và được các nhà phân phối nhập về bán. Người tiêu dùng thì vẫn chọn hàng rẻ. Tuy nhiên sau khi mua về sử dụng ít ngày thì mới thấy chất lượng kém.
Pin không phải chính hãng thường không đáp ứng được các yêu cầu về thông số kỹ thuật như cường độ dòng điện, điện thế… do vậy có thể làm giảm tuổi thọ, gây hư hỏng, cháy nổ cho máy, thiệt hại kinh tế cũng như dữ liệu cho người dùng.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại xạc (adapter) là hàng nhái. Bộ xạc chất lượng kém, cung cấp nguồn không ổn định cũng làm giảm tuổi thọ của pin thậm chí có thể làm hỏng mạch xạc trên máy.
Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm này tại những nơi uy tín. Khi lựa chọn pin laptop, cần hỏi rõ chủ hàng về thời lượng sử dụng tối đa của pin. Bên cạnh đó, người mua không nên bị hấp dẫn bởi giá rẻ nếu địa chỉ mua hàng không uy tín.
Tại Việt Nam, nhiều người đã nhập một lượng lớn cell cũ từ Trung Quốc để tự tái chế pin cho máy tính xách tay. Đi kèm theo đó là một lượng vỏ được đặt sẵn theo mẫu như chính hãng để lắp và bán ra thị trường. (Ảnh minh họa).
Đạo chích rất thích ‘cầm nhầm’ laptop
Vào khoảng đầu tháng 10, người dân Hà Nội xôn xao sự việc một cô gái trẻ ngang nhiên vào các chung cư “cuỗm laptop.
Chị Phạm Thị Bích T. (39 tuổi, thường trú tại Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội) mới mua được một căn hộ tại chung cư 29T1 Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội), chiều ngày 29/9 vừa qua, chị T. và con gái đang chơi ở trong phòng ngủ của con. Một lát sau chị T. quay lại phòng làm việc thì phát hiện chiếc máy tính xách tay hiệu Sony Vaio màu hồng của mình đã không cánh mà bay. Chị T. vội xuống báo với quản lý chung cư, và đề nghị được xem lại hình ảnh từ chiếc camera của tòa nhà.
Chị T. phát hiện vào khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, có một phụ nữ khoảng 20-25 tuổi, người gầy dáng cao, mặc áo phông màu vàng, quần sooc ngắn, tóc búi củ hành đã lẻn vào nhà chị T. Do cửa không khóa, đối tượng đã nhanh tay thó chiếc máy tính của chị, và quay ra thang máy một cách đàng hoàng.
Trước đó, tại khu chung cư cao cấp Sky City ở 88 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ mất trộm. Qua camera ghi lại được ở tòa nhà, tên đạo chích có rất nhiều đặc điểm giống với kẻ trộm ở chung cư Hoàng Đạo Thúy.
Ngày 25/9/2014, anh Lê Hùng D. trú tại phòng B802 chung cư Sky City có đơn trình báo lên cơ quan công an về việc ngày 21/9/2014 tại nhà anh xảy ra một vụ mất trộm. Buổi trưa hôm ấy, chỉ có mẹ anh D. ở nhà chơi với con anh. Thừa lúc sơ hở, kẻ gian đã lẻn vào nhà cuỗm đi một chiếc laptop đắt tiền.
Theo những hình ảnh từ camera do Ban Quản lý tòa nhà Sky City cung cấp, khoảng 12 giờ trưa một tên đạo chích đã lẻn vào nhà anh D. trộm chiếc laptop. Có thể nhận ra đó là một phụ nữ khoảng 25 tuổi, mặc áo phông màu vàng, quần bò, tóc búi củ hành. Đối tượng này đã đi theo thang máy ở sảnh 1-B mò lên tăm tia các tầng B6-7-8. Sau khi ngó nghiêng, đối tượng thấy phòng B802 không khóa cửa liền lẻn vào. Lợi dụng lúc chủ nhà sơ hở, cô gái này đã cuỗm chiếc laptop Macbook rồi tẩu thoát.
Cô gái bị chị T. cho rằng đã đột nhập vào nhà chị trộm cắp.
Giống như các loại đồ công nghệ đắt tiền khác, việc mất cắp hay “đánh mất” laptop là điều không còn hiếm xảy ra. Với “sức hút” của sản phẩm công nghệ cao này, chỉ cần chủ nhân hơi lơ đãng một chút thì khả năng “laptop đổi chủ” là cực kỳ dễ dàng và nhanh chóng. Nếu là một người đãng trí, làm sao để bảo vệ chiếc laptop của bạn khỏi nguy cơ mất cắp? Hãy tham khảo những cách dưới đây:
Trong khi đi xe, tuyệt đối tránh việc để cặp đựng lap trên… giỏ hay phần trống giữa yên và tay lái (đối với xe ga). Nguyên nhân mà người dùng để cặp trên giỏ xe là… cho nhẹ và tiện. Tuy nhiên đây là một hành động điên rồ, cực kỳ nguy hiểm nhưng lại là thói quen của nhiều người đặc biệt là những người đi xe đạp. Việc làm này sẽ khiến bạn nhanh chóng trở thành con mồi của những kẻ giật đồ.
Thêm nữa, cũng không nên đeo cặp đựng lap ở một bên vai. Tương tư như trường hợp để ở giỏ xe, đeo cặp ở một bên vai sẽ khiến cho bạn (và chiếc lap) sẽ rơi vào tầm ngắm của kẻ gian. Hơn nữa, việc đeo cặp ở một bên vai như vậy sẽ tạo ra nguy cơ bạn làm rơi cặp xuống đất trong các tình huống khó kiểm soát.
Hãy để laptop một cách kín đáo (tốt nhất là ở phía trước và có dây đeo gắn vào người).
Khi laptop hết pin, không nên sạc laptop của bạn ở những nơi công cộng. Còn nếu bắt buộc thì bạn hãy chịu khó bỏ thời gian ngồi canh chừng laptop trong suốt quá trình sạc.
Hãy khóa chiếc laptop của bạn với một vật cố định (như bàn chẳng hạn). Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho laptop của bạn nếu như bạn phải ra khỏi chỗ để máy tính. Chiếc khóa này rất khó để “hack” trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, giá của các loại khóa này rất rẻ và xứng đáng với số tiền ra để mua cho bạn.
Ngoài ra, nếu lo ngại sự bất tiện của chiếc khóa các bạn có thể chọn loại thiết bị báo động. Loại thiết bị này hoạt động theo nguyên tắc nếu hai phần (một ở trên người, một ở trên máy cách xa nhau quá sẽ tự động báo động cho người dùng). Tuy nhiên, giá cả của nó thì không hề rẻ và mức độ phổ biến cũng không cao.
Đạo chích rất thích ‘cầm nhầm’ laptop.
Cảnh báo bẫy lừa laptop ở Sài Gòn
Trên báo Tri Thức Trực Tuyến có đăng tải thông tin về một bạn đọc ở TP.HCM bị dính “bẫy lừa”.
Bạn đọc là sinh viên kể, ngày 24/6, vào khoảng 8h30 tối, anh đạp xe từ trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM về phòng. Đoạn đường vừa qua Nguyễn Kim rẽ qua đường số 6, nối Võ Văn Ngân và Hoàng Diệu 2, quận 9, anh gặp một thanh niên mặc áo khoác màu tối, chạy Air Blade đen bạc, ăn mặc lịch sự, giọng nói miền Trung khó nghe chủ động bắt chuyện. Lúc đầu, anh tưởng người lạ hỏi đường nên nán lại nghe cho rõ, khi anh biết người ta nhờ vả đã lắc đầu từ chối.
Người đàn ông gặp anh bảo, anh ta ghé Nguyễn Kim giao đồ (10 cục pin laptop các loại và 3 bộ xích ô tô khá to). Tuy nhiên, có sếp lớn ở đó nên anh ngại giáp mặt, muốn nhờ người mang vào cho một chị ở tầng 2, quầy 6. Sau đó, anh ta lấy điện thoại gọi và nói là số hàng giao đến có giá 19,5 triệu đồng. Không chỉ nhờ giao đồ đạc giá trị, người này còn nói chàng sinh viên đưa ba lô cho anh giữ. Khi bị từ chối, anh ta giở trò khiêu khích: “Đồ đạc của anh mười mấy triệu mà anh không ngại, mày ngại gì. Tới lúc đi làm, mày cũng gặp trường hợp thế này thôi. Mày là thanh niên, mày ngại gì?”.
Chàng sinh viên tiếp tục từ chối 2 lần nữa, anh ta đều gọi cho người phụ nữ ở tòa nhà Nguyễn Kim xác nhận uy tín. Người đàn bà đó nói giọng Bắc và khẳng định: “Chị trước giờ đảm bảo uy tín, em cứ lên tầng 2, Nguyễn Kim rồi chị ra đón. Chị chuẩn bị hóa đơn với tiền bạc cả rồi”.
Bạn đọc bị lừa nói thêm, người thanh niên sau đó rút chìa khóa xe, khóa luôn ổ khóa, dúi vào tay anh đồ đạc và nài nỉ. Lúc đó, anh không tin tưởng lắm nhưng do khá mệt mỏi, người này lại nói nhiều, anh không bình tĩnh để từ chối dứt khoát. Thế là anh đã đưa ba lô có laptop cho gã, đạp xe đi. Khi anh vừa ra khúc ngã 3 đã đạp xe vòng lại định từ chối, thấy người này vẫn ở đó chờ nên anh mềm lòng, quay đi. Đến Nguyễn Kim, lòng bình tĩnh hơn, anh quyết tâm quay lại trả đồ, hy vọng kịp nhưng người kia đã chạy mất.
Sau một lúc chạy khắp đường số 6 không thấy người cần tìm, anh gọi lại số điện thoại, người đàn bà kia vẫn nghe máy và nói: “Em cứ lên tầng 2 Nguyễn Kim”. Thế nhưng, khi anh đến nơi hỏi nhân viên, ở đó không có quầy số 6. Anh biết mình đã bị lừa nên ôm pin laptop cũ và mấy cái xích đó về.
Bài học rút ra là: Không nên tin tưởng giao tài sản, laptop của mình cho đối tượng lạ mặt.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường
2014-10-23 14:32:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/canh-bao-nong-cho-nguoi-dung-laptop-a153958.html