Khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển nhưng đạo đức con người cũng vì thế mà ngày càng xuống dốc, yêu thương đang dần dần bị thay thế bằng bạo lực.
Năm 1993, nhà văn Toni Morrison nhận giải Nobel văn học. Trong bài diễn văn của mình, bà đã kể câu chuyện về một bà tiên tri mù.
Một hôm, có đám trẻ cầm một con chim đến trước mặt bà. Chúng nhìn bà bằng đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: “Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: Con chim chúng ta đang cầm trong tay sống hay chết”.
Bà tiên tri mù đã không trả lời. Bà ngước mặt về phía xa và nhìn thấy tương lai những đứa trẻ cùng một phần tương lai thế giới thông qua chúng, một tương lai của sợ hãi và đe dọa.
Lòng bà đau đớn vì biết rằng: Nếu bà nói con chim còn sống thì ngay lập tức chúng sẽ bóp chết con chim bé bỏng đang sợ hãi kia. Số phận mong manh ấy phụ thuộc vào tình yêu thương của những đứa trẻ, cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào lòng yêu thương của con người.
Câu hỏi của bọn trẻ sinh ra từ sự vô cảm, chúng minh chứng một cách hãi hùng về thế giới, nơi con người bắt đầu xa dần khỏi yêu thương để tìm đến bạo lực. Sức mạnh không được kết tinh bằng tấm lòng khoan dung nương đỡ nhau mà lại đến từ hận thù và thỏa mãn ham muốn.
Sẽ có người nói rằng cái nhìn ấy quá bi quan, cuộc đời còn có những mảng màu hồng rất bình lặng.
Dĩ nhiên mảng hồng cuộc sống ấy luôn tồn tại nhưng điều đáng nói là chúng đang dần bị thay thế bằng màu đen. Đó là sự thật mà phần lớn nhân loại không dám nhìn thẳng để đối diện.
Hãy nhìn ra thế giới để thấy
Một Nhà nước Hồi giáo (ISIS) cực đoan chuyên bắt cóc, hãm hiếp, cướp bóc, tra tấn hoành hành tại các nước Trung Đông lấy đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.
Cuộc chiến trên dải Gaza, nội chiến Ukraine, Syria đôi khi khiến những ngôi trường loang vết máu.
Bạo lực tại Tân Cương trước sự áp bức của chính quyền cùng những tranh đấu nội bộ người lãnh đạo dẫn đến những cuộc thanh toán bằng dao và những vụ đánh bom liều chết.
Và nhìn gần hơn một chút, ngay tại đất nước này
Những con yêu râu xanh mất hết tính người công khai lạm dụng trẻ em.
Băng đảng cướp bóc bất chấp tất cả chém xối xả vào nạn nhân để lấy cho được thứ tài sản không thuộc về mình, nhằm thỏa mãn cơn nghiện đang hoành hành trí óc.
Vô số đôi yêu nhau sẵn sàng lấy mạng bạn tình để thỏa mãn cái tôi và ham muốn.
Một nhóm người công khai xúm vào đánh đập cho đến chết một sinh viên ngoại quốc.
Trường học là nơi chứng kiến cảnh nữ sinh trong tà áo dài sẵn sàng lao vào nhau để cấu xé và bôi nhọ nhân phẩm thông qua sự phổ biến của mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ.
Mẹ nhẫn tâm hành hạ con, vợ đánh chồng, trò mắng chửi thầy. Tất cả tạo nên sự hỗn loạn.
Nếu lùi về nhìn lại ngôi nhà của chính mình, biết đâu ai đó sẽ giật mình chứng kiến niềm đam mê của trẻ với những trò game online súng ống trên lưng và đao kiếm đầy mình. Hay đôi khi là yêu cầu tưởng chừng không có gì trầm trọng:
– Mẹ phải trả cho con 100.000 đ thì con mới quét nhà.
- Con trông bà nội cả sáng nay trong bệnh viện, bố phải trả công con đấy.
- Ngày nào bố cũng phải cho con tiền, con mới đi học.
- Nếu bố mẹ còn tiếp tục nói con, con sẽ không về nhà nữa.
Không ít bậc cha mẹ vui vẻ chấp hành những đòi hỏi vô lý ấy. Đây chính là thái độ dung túng cho những thói hư tật xấu bắt đầu manh nha. Rồi đến một ngày nào đó, chúng sẽ đứng trước xã hội một cách ngạo mạn, hống hách và độc ác cất tiếng đòi hỏi và đe dọa bằng bạo lực. Và nếu dục vọng không được thỏa mãn, chúng sẽ tàn phá xã hội một cách không thương tiếc. Mọi thứ giản đơn nhưng lại chính là mầm mống của lối sống lệch lạc, đánh mất những giá trị và nhân cách con người.
Lối thoát
Từ sự việc trên, có thể nhìn nhận rằng chính thái độ dễ dãi và hời hợt là nguồn nuôi dưỡng thói hư tật xấu. Nhưng nếu nhìn rộng hơn một chút thì sự dễ dãi ấy xuất phát từ việc con người thiếu đi những chuẩn mực đạo đức chân chính.
Không có mục tiêu, con người sẽ lạc lối. Thiếu đi những chuẩn mực đó, con người dễ dàng buông thả bản thân vì ai cũng biết xuống bao giờ cũng dễ hơn lên. Điều đáng sợ hơn sẽ diễn ra khi chuẩn mực đạo đức chân chính bị thay bằng lý tưởng cá nhân dẫn động bởi sự tham lam.
Vậy chuẩn mực đạo đức chân chính ấy đến từ đâu?
Từ gia đình khi cha mẹ không thể là mẫu mực để con noi theo? Trong trường học, nơi những bài giảng đạo đức khô khan hời hợt không thể đi sâu vào tâm trí học trò? Hay tìm trong đền chùa, chốn linh thiêng bị biến thành chỗ tấp nập bán mua?
Thật khó tìm được câu trả lời, bởi lẽ con người đã lạc lối quá lâu và quên mất đường về bản ngã. Nhưng có lẽ cơ hội vẫn còn cho những ai thật sự muốn trở về.
Bài có lấy một số tư liệu từ henrylongnguyen.com
Theo tinhhoa.net