Sạch như quan- ngoan như dân?
Wednesday, September 24, 2014 6:20
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
NGUYỄN QUANG THẠCH
Có lẽ khi tôi đưa ra những kỳ vọng dưới đây sẽ có nhiều độc giả không đồng tình vì sự có mặt một thành ngữ khác đã nằm sâu trong tiềm thức của chúng ta “dân gian, quan tham” hoặc “quan tham, dân gian” sẽ trở thành một phản xạ tức thời phản bác lại ý kiến này.5 câu chuyện ở những giai đoạn lịch sử và đặc tính xã hội khác nhau, nhưng trong giai đoạn nào cũng có những hiền mẫu và hiền tử như Tể tướng Nguyễn Quán Nho, Tổng đốc Hoàng Diệu, cụ Nguyễn Gia Thâu, bạn Khuê hay anh Hùng, thì thành ngữ “sạch như quan, ngoan như dân” không có lý do gì không được phổ biến trên đất nước ta sau 30 năm nữa.
Tôi không phủ nhận đúc kết của người xưa nhưng tại sao chúng ta cứ theo người xưa mãi, bởi lẽ có những thứ cổ hủ và phi giáo dục trong quá khứ đã bị đào thải theo biến thiên của thời gian. Hiện tại chúng đang sinh sống và xây dựng xã hội mới, tại sao chúng ta không suy nghĩ khác đi và hướng theo những điều mà chúng ta muốn thấy và phù hợp với văn minh chung của xã hội loại người?
Xin mạo muội đưa ra những thành ngữ mới: “Sạch như quan, ngoan như dân”; “ngoan dân- sạch quan”; “sạch quan- ngoan dân” và kỳ vọng rằng trong vòng 30 năm nữa nó sẽ trở thành những thành ngữ trong đời sống xã hội. Lúc đó, trong các bài giảng về đạo đức, về minh bạch sẽ có những phần như thế này:
“Trước những năm 20 của thế kỷ này, tham nhũng đã trở thành phổ biến trong đời sống và câu nói dân gian, quan tham luôn được dùng để biện minh cho thói ăn cắp của những kẻ có chức có quyền. Nhưng hiện nay xã hội chúng ta đã thừa nhận- sạch như quan, ngoan như dân. Rằng đó không còn là chuyện …khoa học viễn tưởng.
Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đang được sống trong một xã hội công bằng và văn minh thực sự,hiểu rõ hệ lụy của tính thiếu trung thực và hành vi tham nhũng xấu xa làm đất nước ta chậm tiến trong thời kỳ quá dài. Chúng ta vĩnh viễn không bao giờ chấp nhận sự dối trá, tham nhũng tái xuất hiện trongđời sống xã hội…”.
Tôi muốn chứng minh mong muốn của tôi có thể thành hiện thực vì thực tế ở mọi thời kỳ đã có những quan sạch và dân ngoan.
Dân ngoan sinh quan sạch
Câu chuyện thứ nhất: Thời Lê-Trịnh, ông Nguyễn Quán Nho, người làng Dương Hòa, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, làm quan từ 1659 đến 1702. Chuyện rằng “trong thời làm quan ở Ninh Bình, vì việc công bận bịu Nguyễn Quán Nho không về thăm mẹ được nên nhân ngày Tết mới gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ già chiếc áo lụa và sai lính đem về.
Mẹ ông giở ra thấy tấm áo quý chưa từng được mặc, nhưng lại tỏ ra không vui vì nghĩ đây là của bất chính. Bà nói: “Bổng lộc của quan là dầu mỡ của dân hay sao”?. Rồi bà đốt tấm áo, gói nắm tro gửi lại cho quan nghè. Khi mở ra, Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ, và suốt đời ông đã sống thanh liêm, không bòn rút của dân lành” (1).
Người ta thường nói “nghèo sinh hèn” mà hèn thì dễ sinh trộm cắp, dối trá và khi cần có thể gây tội ác. Trong thực tế, có những con người nghèo hèn, khi giàu có bản chất này vẫn rất khó thay đổi.
Từ lâu theo quan sát, tìm hiểu, thấy rằng nếu những người xuất thân nghèo khổ và nhiều thế hệ không được học hành nhưng bây giờ được làm quan và giàu có, thì hầu hết họ đều ích kỷ, kệch kỡm và thiếu lòng nhân ái.
Chả thế, ở quê tôi người ta đã đúc kết “nho gia sa sút vẫn hơn tá điền mới nổi”. Cái hơn ở đây là cốt cách của con người chứ không phải vật chất.
Quan sát và tìm hiểu thân thế một số vị quan chức tham nhũng, mới thấy một điều bất ngờ này: Vì sự nghèo truyền kiếp của họ mà yếu tố tự ti, mặc cảm về bố mẹ, ông bà tổ tiên đã tác động đến đời sống tâm lý họ rất mạnh.
Ở góc cạnh xã hội và nhân văn, nếu quan sát và tìm hiểu thân thế một số vị quan chức tham nhũng, mới thấy một điều bất ngờ này: Vì sự nghèo truyền kiếp của họ mà yếu tố tự ti, mặc cảm về bố mẹ, ông bà tổ tiên đã tác động đến đời sống tâm lý họ rất mạnh.
Họ phải tham nhũng và cướp đoạt để làm giầu, xóa đi cái mặc cảm nghèo hèn thân phận đã đành, mà còn để thế hệ kế kiếp của gia đình, dòng họ của họ không dẫm lại bước chân của ông cha đã chịu đựng trong hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trước đây.
Nhưng trường hợp ông quan Nguyễn Quán Nho và hiền mẫu của ông, xuất xứ vô cùng nghèo khổ lại cho chúng ta thấy cái kết có hình ảnh ngược lại. Khi ông mất, dân quê ông khóc thương ông: “Chàng về Vạn Vạc chàng ơi. Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng”. Câu chuyện của Nguyễn Quán Nho và hiền mẫu của ông đã giúp tôi có một cách nghĩ khác về yếu tố xuất thân và nhân cách con người.
Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động, bằng một cơ chế quản lý và nền tảng pháp luật nghiêm minh, công bằng. Để thành ngữ “sạch như quan, ngoan như dân” đi vào đời sống và tâm thức xã hội, nếu chúng ta muốn dân tộc Việt Nam được tôn trọng. Lá cờ minh bạch và nhân văn của Việt Nam phấp phới bay trên hành tinh trong thế kỷ này và mãi mãi.
Câu chuyện thứ 2: Một câu chuyện khác là về Tổng đốc Hà Ninh- cụ Hoàng Diệu(1829 – 1882), vị quan thanh liêm và ái quốc, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882 và hiền mẫu của ông.
Bút ký của nhà văn Sơn Nam có đoạn “Đi thăm mộ Hoàng Diệu, (nghe) lúc làm quan, có lần ông gửi về cho mẹ một vóc lụa. Bà mẹ không nhận, gửi trả lại cho con, kèm theo một nhánh dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của dân” (2).
Bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có đoạn: “Tôi có đi thăm mộ cụ Hoàng Diệu ở giữa cánh đồng Xuân Đài. Mộ không bề thế như tôi tưởng, còn quá nhỏ so với lăng mộ của những viên quan lớn vô tích sự trong triều đình Huế mà tôi vẫn thường thấy. Mộ của cụ là một nắm vôi khô nằm vùi giữa đồng cỏ voi, xa khu dân cư.”.
Và: “…Hồi nhỏ nhà nghèo, mẹ chăn tằm dệt lụa nuôi con ăn học. Hoàng Diệu lớn lên bằng tuổi trẻ gian khổ ở làng quê, buổi sáng sớm đi học chỉ súc miệng và nhịn đói, trưa về ăn một chén bắp nấu đậu, đến tối cả nhà chia mỗi người một bát cơm. Ngày nghe tin chồng tuẫn tiết, bà Hoàng Diệu đang cuốc cỏ lá de, ngất xỉu ngay trên bờ ruộng… Làm quan Tổng đốc mà nhà còn nghèo đến thế, huống là nhà dân..” (3).
Tể tướng Nguyễn Quán Nho, Tổng đốc Hoàng Diệu đều đã từng là người dân cần cù chăm chỉ và có những hiền mẫu là dân ngoan. Trước khi làm quan đều là những người nghèo và khi đã làm quan họ vẫn sống thanh bần. Hai người mẹ của hai bậc hiền nhân nêu trên là bằng chứng cho thấy rằng dân ngoan sinh quan sạch và quan sạch ắt có dân ngoan.
Thầy tử tế ắt trò nhân cách
Câu chuyện thứ 3: Là một con người, tôi được biết đến trong truyện “Cha tôi” của cuốn “Người” (của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và họa sỹ Lê Thiết Cương). Tôi đã đọc truyện “Cha tôi” trên dưới 10 lần nhưng lần nào cũng xúc động và không cầm nổi nước mắt.
Có lẽ vì 2 nhân vật Cha và Mẹ trong câu truyện giống như một hình ảnh đối trọng với xã hội hiện tại về nhân cách và giá trị sống, những cái mà số đông người Việt chúng ta đang sống hiện rất thiếu. Thành thật, câu chuyện “Cha tôi” đã thúc giục tôi viết bài này.
Xin được trích dẫn một vài đoạn: “…Sau mấy chục năm đi làm Cách mạng, cha tôi về hưu với một tài sản mà thời nay không ai có thể tưởng tượng nổi: Không đất cát, không nhà cửa, không tài khoản mà chỉ có một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ được mua phân phối và một chiếc tủ gỗ được cơ quan tặng.
Chiếc tủ đựng quần áo đánh véc-ni vàng như bôi nghệ. 3 năm sau chiếc tủ ấy sụp xuống vì mọt. Trong thời gian còn làm việc, cha tôi được phân 1 căn hộ. Nhưng ông đã không nhận. Cha tôi đề nghị cơ quan dành căn hộ đó cho 1 đôi vợ chồng cùng cơ quan lấy nhau đã nhiều năm nhưng vẫn không có nhà ở. Cha tôi ngủ mấy chục năm trên một chiếc giường một ngay trong phòng làm việc của mình với chiếc quạt tai voi mà anh cả tôi mua từ Liên Xô về để biếu ông.
…. Có một thời gian, cha tôi làm hậu cần cho cơ quan. Một lần ông về vùng hồ Tuy Lai, huyện Mỹ Đức mua 2 sọt cá quả để liên hoan tổng kết năm của cơ quan. Ông tạt qua nhà. Ông muốn lấy 1 con cá cho con. Đó là những năm tháng đói khổ. Cha tôi sục tay vào 2 sọt cá để tìm một con cá bé nhất. Nhưng ông đã không tìm được.
Không phải ông không tìm được 1 con cá bé nhất mà là ông không tìm được bất cứ lý do nào để lấy 1con cá của tập thể. Cuối cùng cha tôi lại che kín 2 sọt cá quả và ra đi. Mẹ tôi nhìn theo cha tôi và khóc. Mẹ tôi khóc vì thương cha tôi và vì thương những đứa con đói rét của bà. Mỗi lần nhớ về câu chuyện ấy lòng tôi lại tái tê.
Không phải vì anh em tôi không được ăn con cá bé nhất trong 2 sọt cá mà tái tê bởi bây giờ tôi khó lòng mà tìm được 1 hình ảnh nào giống cha tôi và nhiều người cùng thế hệ cha tôi thuở ấy nữa…”. (4)
Ông cụ Thâu trong câu truyện đã thắng chính mình, đó là sự giằng xé giữa lòng yêu thương gia đình mình và sự trung thực lẫn trách nhiệm với tập thể. Khi một con người chiến thắng được chính mình trong hoàn cảnh dễ bị đánh ngã nhất, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào con người đó sẽ không bao giờ bị sa ngã.
Dân ngoan sinh quan sạch và quan sạch ắt có dân ngoan. Ảnh minh họa
Câu chuyện thứ 4: Có 1 nhân viên quản lý dự án tên là Khuê làm cho một PMU của Bộ GTVT. Mặc dầu làm việc cho PMU nhưng Khuê đã thường xuyên trả lại phong bì cho nhà thầu. Nhiều lần khước từ phong bì của lãnh đạo cơ quan; trả lại phong bì tết của 1 tư vấn Nhật Bản khi tất cả mọi người trong cơ quan đều cười vui đón nhận.
Những người cho Khuê là hâm thì chẳng bao giờ kiếm được mức lương sạch từ 500 USD trở lên mà chỉ lo đục khoét từ xăng ô tô đến hóa đơn tiếp khách. Rồi cài người vào hợp đồng tư vấn để kiếm chác. 1 công dân như Khuê thì nhà nước không cần phải có cảnh sát hoặc lập ra cơ quan phòng chống tham nhũng, vì cậu ấy coi liêm sỉ và tự trọng dân tộc lớn hơn tiền.
Câu chuyện thứ 5: Tôi đi về thăm con ở Thiệu Hóa- Thanh Hóa. Xuống xe ở Ngã ba Chè lúc 8.30 tối ngày 23/12/2010, tôi bắt xe ôm đi về chợ Hậu Hiền với giá 15.000 đồng. Trên đường đi mới biết anh xe ôm tên Hùng là 1 thầy giáo dạy văn cấp 3.
Trước đây dạy ở tỉnh Bình Thuận, vợ chồng ly dị, anh đã đưa con gái 3 tuổi về quê và đang dạy hợp đồng cho 1 trường cấp 3 ở thành phố Thanh Hóa. Thu nhập đi dạy của anh chỉ được khoảng 1.000.000 đồng/ tháng, vậy nên mỗi sáng anh tranh thủ chở khách đi từ Ngã ba Chè xuống thành phố với giá 10.000 (bằng giá xe buýt) để có thêm tiền mua xăng.
Ban đêm, anh lại tranh thủ đi xe ôm để kiếm thêm 500.000 đồng mua sữa cho con gái. Tôi đưa anh 20.000 đồng và bảo không lấy tiền trả lại nữa (anh tìm tiền lẻ trả lại nhưng không có). Nhưng 20 phút sau, anh gõ cửa nhà bố mẹ vợ tôi và đưa lại cho tôi 5.000 đồng. Hành động ấy đã làm cho tôi vô cùng xúc động, vì trong xã hội chúng ta, có những thầy giáo như thế thì không lo thiếu học trò có nhân cách.
5 câu chuyện ở những giai đoạn lịch sử và đặc tính xã hội khác nhau, nhưng trong giai đoạn nào cũng có những hiền mẫu và hiền tử như Tể tướng Nguyễn Quán Nho, Tổng đốc Hoàng Diệu, cụ Nguyễn Gia Thâu, bạn Khuê hay anh Hùng, thì thành ngữ “sạch như quan, ngoan như dân” không có lý do gì không được phổ biến trên đất nước ta sau 30 năm nữa.
Hàng triệu triệu bà mẹ hiền Việt Nam đã sinh ra những người con lương thiện và dũng cảm đánh đuổi xâm lăng thì không có lý do để hàng triệu bà mẹ chúng ta hiện nay không sinh những đứa con và giáo dục con họ trở thành những công dân không tham nhũng.
Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động, bằng một cơ chế quản lý và nền tảng pháp luật nghiêm minh, công bằng. Để thành ngữ “sạch như quan, ngoan như dân” đi vào đời sống và tâm thức xã hội, nếu chúng ta muốn dân tộc Việt Nam được tôn trọng. Lá cờ minh bạch và nhân văn của Việt Nam phấp phới bay trên hành tinh trong thế kỷ này và mãi mãi.
—-
Tham khảo:
1. Nguyễn Quán Nho- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2. Hoàng Diệu-Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
3. Hoàng Diệu-Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
4. Truyện “Cha tôi” trong cuốn Người của Lê Thiết Cương và Nguyễn Quang Thiều.
Theo TuanVietNam.net
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us