NEWPORT BEACH, California.—Tiến sỹ Alan Ross Hugenot đã trải qua nhiều thập kỷ suy nghĩ về những ẩn đố của ngành vật lý, cùng với sự huyền bí của ý thức của con người.
Hugenot lấy bằng tiến sĩ khoa học ngành cơ khí, đã có một sự nghiệp thành công trong ngành kỹ thuật biển, và ông đã từng phục vụ trong hội đồng thiết lập tiêu chuẩn đóng tàu của Hoa Kỳ. Ông học ngành vật lý và cơ khí tại Học viện Công nghệ Oregon.
“Tôi làm những việc trong đó có áp dụng vât lý Newton để đóng các con tàu,” ông nói, “nhưng trong công việc tôi đã học được nhiều hơn thế. Có cả một cái thế giới khác mà năm giác quan của chúng ta không thể cảm nhận được.” Ông đã có một bài nói chuyện về tính khoa học của cuộc sống sau khi chết tại Hội Thảo năm 2014 của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Cận tử (International Association for Near-Death Studies-IANDS) tại Newport Beach, California, vào ngày 29 tháng 8.
Trong cuộc hành trình khám phá các lý thuyết khoa học liên quan đến thế giới khác, Hugenot đã tự hỏi liệu ý thức của loài người cũng như các “linh hồn” của người chết có tồn tại dưới dạng vật chất tối hoặc năng lượng tối hay không. Ông đã suy nghĩ về ảnh hưởng của ý thức chúng ta đến các thực thể vật lý.
Hugenot đã kể lại một trải nghiệm cận tử của chính bản thân ông vào những năm 1970 và trong quá trình đó ông đã tiếp xúc với một phần của thế giới bên kia. Ông cảm thấy nó “mang tính thực tại hơn so với thế giới này.”
Những vấn đề này không chỉ được thúc đẩy bởi sự tò mò ham học hỏi tri thức của Hugenot; mà chúng thực sự dựa vào một trải nghiệm sâu sắc mà đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan của ông.
Hugenot đã tổng kết một số lý thuyết trong lĩnh vực vật lý, qua đó diễn giải khả năng tồn tại của một loại ý thức độc lập với não bộ cũng như sự tồn tại của một cuộc sống sau khi chết trong chiều không gian khác. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu (phụ thuộc vào số tiền tài trợ bổ sung) để chứng minh giả thiết này. Ông cũng nhận thức được một số khó khăn khi cố gắng chứng minh những ý tưởng này trong cái khung của khoa học truyền thống.
Khả năng ý thức của bạn tồn tại trong một ‘đám mây’
(Ảnh khái niệm về đám mây từ Shutterstock)
Hugenot nói rằng ý thức con người có thể hoạt động như dữ liệu mà chúng ta lưu trữ trong hệ thống lưu trữ đám mây (cloud). Dữ liệu đó có thể được tiếp cận từ nhiều thiết bị khác nhau, như chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay máy tính để bàn.
Hugenot giả thiết rằng, trong một trải nghiệm cận tử, bộ não có lẽ là đang chạy trốn khỏi một hoàn cảnh nguy hiểm. Giống như chúng ta có thể “tắt công tắc và chuyển sang dùng máy tính khác,” ông nói.
“Sự liên kết ý thức thì nằm ở bên trong đầu tôi, nhưng vị trí hình thành ý thức thì nằm ở đâu? Nó nằm ngoài cơ thể tôi. Bởi vì vị trí bên trong hay bên ngoài chỉ là một loại ảo giác mà thôi.”
Không gian là không tồn tại, hay ít nhất không phải theo cách chúng ta thường hiểu, ông nói trong khi trích dẫn định luật phi định xứ (non-locality theorem) của tiến sĩ John Bell. “[Đây là một] cái rất khó để nắm bắt; vì chúng ta thích cái không gian của chúng ta,” ông đùa.
Tính chất phi định xứ đề cập đến khả năng thấu hiểu lẫn nhau tức thì của hai vật thể, ngay cả khi chúng bị phân cách bởi khoảng cách xa. Nó liên quan đến hiện tượng của sự liên đới: hạt A và hạt B tương tác với nhau, rồi sau đó gắn liền với nhau một cách khó hiểu. Khi hạt A trải qua một sự thay đổi, thì hạt B cũng trải qua cùng sự thay đổi đó; như vậy, trong rất nhiều phương diện, A và B đã mất đi tính chất độc lập của chúng và biểu hiện như một thực thể đơn nhất.
Định luật của Bell đã được chứng minh bởi rất nhiều các nhà khoa học trong những năm qua và là một hướng đi chủ đạo của ngành cơ học lượng tử. Những giả thiết của Hugenot về sự tồn tại cùng lúc của ý thức tồn tại bên trong và bên ngoài cơ thể người đã được xây dựng dựa trên định lý này, nhưng nó vẫn nằm ngoài bộ khung lý luận của giới khoa học chủ lưu.
Cuộc sống sau khi chết có tồn tại dưới dạng vật chất tối, hay có lẽ ở không gian khác?
Điều các nhà khoa học đã quan sát được chỉ giới hạn trong khoảng 4% vũ trụ chúng ta. Năng lượng tối và vật chất tối chiếm khoảng 96% còn lại.Các nhà khoa học không biết năng lượng tối và vật chất tối thật ra là cái gì, vì sự tồn tại của nó chỉ được nhận biết do các ảnh hưởng của nó lên các vật chất có thể quan sát được.
Hugenot nói: “96% khoảng không vũ trụ hiện vẫn chưa được khám phá này … cho chúng ta rất nhiều khoảng trống để cả ý thức và cuộc sống sau khi chết có thể tồn tại bên trong.”
Có lẽ ý thức tồn tại ở trường không gian khác, Hugenot nói. Lý thuyết dây đã được thảo luận rất nhiều trong giới vật lý chủ lưu, cho rằng có tồn tại các trường không gian khác vượt xa khái niệm không gian vũ trụ bốn chiều.
Lý thuyết dây nhìn vũ trụ như một thế giới cấu thành bởi các dây dao động cực mỏng. Các dây được cho là hình chiếu từ một vũ trụ chiều thấp hơn, đó là một vũ trụ đơn giản hơn, phẳng hơn, và không có trọng lực.
Tại sao ma có thể đi xuyên tường, và bạn cũng có thể làm vậy
(Ảnh khái niệm của một “cánh cửa dẫn đến thiên đường: từ Shutterstock)
Hugenot nói rằng việc đi vào các chiều không gian khác có thể chỉ là vấn đề của niềm tin. Có lẽ cơ thể của chúng ta có thể đi xuyên qua tường nếu chúng ta thật sự tin rằng chúng ta có thể.
“Toàn bộ linh hồn tôi tin vào sự tồn tại của không gian 3 chiều, nên tôi sẽ không thể đi xuyên tường,” ông nói. Ông nhìn vào một số thử nghiệm mà đã cho thấy sức mạnh tiềm tàng trong ý chí của con người có khả năng tác động đến các thực thể vật lý hiện hữu.
Ánh sáng có thể là hạt hay là sóng-điều đó phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn
Dường như ý thức có thể có một một tác động vật lý lên vật chất. Thí nghiệm Khe Young nổi tiếng (đã được giải thích một cách đơn giản trên video ở trên) đã làm kinh hãi các nhà vật lý học khi nó cho thấy photon (các hạt ánh sáng) hoạt động khác biệt khi chúng được ai đó quan sát so với khi không được bất kỳ ai quan sát.
Về cơ bản, người quan sát có thể làm cho photon có dạng hạt hay dạng sóng chỉ bằng cách đo đạc; chúng không cố định ở một hình dạng như chúng ta tưởng tượng.
Các hạt tồn tại dưới dạng điện thế, Hugenot nói, và người quan sát quyết định hình dạng của chúng. Ông đã lưu ý rằng tác động của tâm trí lên các thử nghiệm của một nhà nghiên cứu tạo nên những gợi ý quan trọng: “Nếu một người hoài nghi muốn tái hiện lại cái mà người ‘tin tưởng’ phát hiện ra trong thử nghiệm của họ, thì họ sẽ không thể làm được như vậy, bởi vì … [nó sẽ diễn biến] theo cách mà chính người đó muốn thấy chứ không phải theo cách người khác muốn thấy.”
Hugenot đã hỏi, nếu điện thế chỉ thành hình khi được quan sát, vậy ai hay cái gì là người quan sát hiện tượng Big Bang? Câu trả lời của ông khá đơn giản, đó chính là “ý thức.”
Các thử nghiệm ở Princeton cho thấy tâm trí có thể ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử
Phòng Nghiên cứu những Hiện tượng bất thường Princeton (Princeton Engineering Anomalies Research Lab-PEAR) thuộc đại học Princeton rất nổi tiếng với những thí nghiệm cho thấy rằng thực ra tâm trí của chúng ta có thể tác động đến quá trình vận hành của các thiết bị điện tử. Trong rất nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu của PEAR đã tiến hành hàng triệu cuộc thử nghiệm với hàng trăm người. Một ví dụ tiêu biểu về một cuộc thử nghiệm như vậy được miêu tả dưới đây:
Một bộ tạo biến cố ngẫu nhiên (random event generator-REG) là một thiết bị điện tử có thể tạo ra các bit biểu thị 0 hoặc 1. Các thành viên tham gia nghiên cứu sẽ cố gắng tác động đến REG theo một trong hai hướng, đến 0 hoặc đến 1. Nếu các biến cố cho thấy một kết quả theo chiều hướng đồng nhất với tâm chí của một người và đồng thời vượt trên xác suất ngẫu nhiên thông thường, thì nó cho thấy rằng tâm trí của người đó đã có ảnh hưởng đến cỗ máy.
Kết quả tổng quan cho thấy tâm trí con người có thể có chút ít ảnh hưởng đối với cỗ máy. Mặc dù ảnh hưởng này chỉ là một chút, tính nhất quán của nó là rất đáng kể. Trong tiến trình của rất nhiều phiên thử nghiệm, xác suất thống kê tăng dần. Khả năng xảy ra những kết quả này do sự ngẫu nhiên ít hơn một phần tỷ so với thí nghiệm dưới tác động của tâm trí con người.
Theo Vietdaikynguyen.com