Tình bạn – một thứ tình cảm thiêng liêng, muôn đời bao dung và tha thứ. Dù có chia xa vẫn thấy như gần gũi, tiếp cho ta sức mạnh mỗi khi ta yếu ớt. Và dù họ có ra đi mãi mãi, những ký ức đẹp vẫn sống động như ngày nào.
Năm ngoái mẹ tôi, Rose, mất đi người bạn thân thiết đã chơi với nhau suốt năm mươi năm, dì Rosa, chết vì bệnh ung thư. Qua cả một quãng đời, Mẹ và dì Rosa đã xây dựng và phát triển một mối quan hệ vượt ra khỏi giới hạn của hai người, mối quan hệ ấy còn gắn chặt hai gia đình với nhau nữa. Mẹ và dì đều biết và hiểu nhau rất rõ và sâu sắc, hai người đánh giá rất cao sự có mặt của nhau và sự thông hiểu lẫn nhau.
Mối quan hệ của hai người bắt đầu khi cả hai là những cô dâu trẻ, hay mời nhau đến nhà dự tiệc nướng và tiệc rượu ngoài trời để trổ tài nấu nướng. Vài năm sau đó, cả hai có thai, và song hành trên hành trình làm mẹ. Năm tháng trôi qua, Mẹ và dì cùng trải qua những thăng trầm trong việc nuôi dưỡng gia đình, người này hỗ trợ người kia trong những khó khăn thường nhật, khích lệ nhau và đồng hành với nhau.
Khi các bác sĩ chẩn đoán Rosa mắc bệnh ung thư, mẹ tôi là nguồn an ủi lớn nhất của dì. Dì sợ hãi và mất kiểm soát, mẹ lo các bữa ăn, đưa dì đi khám bệnh, chăm lo, giúp đỡ chồng và các con đã lớn của dì. Khi có thể, mẹ lại phiên dịch những bản viết tay của bác sĩ cho dì hiểu. Mẹ tôi, một người phụ giúp đúng nghĩa, đã mang lại cho dì Rosa và những người thân yêu của dì sự hỗ trợ lúc họ cần đến nhất, sẵn lòng làm chỗ dựa cho người bạn yếu ớt của bà trông cậy vào.
Bệnh tình của dì Rosa ngày một tệ hơn, và trong vòng một năm sau khi phát hiện ra bệnh, dì mất. Trong lúc tổ chức tang lễ, mẹ tôi, dù rất đau buồn, lại phải đóng một vai trò quan trọng là an ủi gia đình Rosa và tham gia việc đưa ra những quyết định quan trọng. Dĩ nhiên việc mẹ tôi có mặt ở bên dì trước đây là phương cách trị liệu tốt giúp bà vượt qua được những đau khổ của chính mình.
Một thời gian ngắn sau khi Rosa qua đời, chú Jean, chồng dì, gọi cho mẹ tôi, nhân danh Marsha, con gái họ, người đang sống ở một thị trấn khác. “Chị Rose này,” chú ấy nói, “Khi Marsha về đây dự tang lễ, nó quay về nhà kiếm một tấm khăn trải bàn mà nó nói là Rosa đã may, thêu hay rua gì đấy. Tôi chẳng biết tấm khăn ấy ở đâu, và Marsha rất buồn vì điều đó.Tôi nghĩ là Rosa đã làm tấm khăn đó cho Marsha. Chị có biết nhà tôi có thể cất nó ở đâu không?”
Ngày hôm sau, mẹ tôi, trái tim còn nặng u sầu vì mất bạn, đã có mặt trước cửa nhà dì. Mẹ đi vào căn phòng ăn, và với năm mươi năm biết thói quen của Rosa, Mẹ mở ngăn dưới tủ chén, lấy ra tấm khăn trải bàn cùng những chiếc khăn ăn mà Marsha đang tìm. Mở tấm khăn trải bàn ra, bà nói với chú Jean, “Tôi nhớ Rosatừng nói với tôi về cái khăn này trước khi chị ấy bị bệnh.Chị ấy làm nó là cho Marsha, nhưng có vẻ chị ấy mới xong có một nửa thì đã phải bỏ dở. Anh có thể để cho tôi làm nốt không?
Mẹ tôi mang tấm khăn về nhà và nghiên cứu một cách thương mến sản phẩm thủ công của bạn. Mắt mọng nước nhưng với một cảm giác được tiếp nối công việc của bạn, Mẹ bắt đầu làm việc với những mũi thêu của mình. Ngày qua ngày Mẹ ngồi thêu, mỗi mũi kim như nâng Mẹ dậy và làm dịu đi nỗi đau khổ trong lòng.
Chiếc khăn trải bàn đã hoàn tất và được ủi thẳng thớm, Mẹ trải nó trên đùi mình, kiểm tra từng đường kim mũi chỉ của Mẹ với của dì Rosa, chiêm ngưỡng nỗ lực chung của hai người và thầm nghĩ, thành quả ấy là một tổng thể chứ không phải là sự kết hợp của hai phần riêng rẽ. Mẹ cẩn thận cuộn tấm khăn trong một mảnh vải, đặt nó vào một cái hộp và gửi nó đến cho con gái của người bạn thân thiết của Mẹ.
An Nhiên@bocau.net
Sưu tầm