ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
CHỨNG NHỚ NHÀ Ở TRẺ EM – Những rủi ro về mặt tâm lý và cách điều trị
Wednesday, August 20, 2014 3:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Bài được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống cuối tuần số 815 ngày 15/08/2014)

Phan Nguyễn Khánh Đan 2014 08 20

Nhớ nhà được định nghĩa là nỗi buồn đau kèm với tình trạng suy nhược tinh thần xảy ra khi chủ thể phải sống xa nhà hoặc rời xa những đối tượng mà mình yêu thương gần gũi, chẳng hạn như cha mẹ và người thân.

Các nhà khoa học khẳng định rằng nỗi nhớ nhà dai dẳng là nguồn cơn của tình trạng căng thẳng, buồn bã hoặc rối loạn tâm lý ở trẻ em và thanh thiếu niên, thường xảy ra ở những nơi chốn như trại hè, trường nội trú, và bệnh viện. Những đối tượng khác thường chịu ảnh hưởng của chứng nhớ nhà bao gồm người nhập cư, du học sinh, những người công tác dài hạn ở nước ngoài, người tị nạn và quân nhân.

 .

CÁC SỐ LIỆU KHẢO SÁT

Việc khảo sát tỉ lệ người chịu ảnh hưởng của chứng nhớ nhà gặp nhiều khó khăn nhất định do kết quả khảo sát phụ thuộc vào cách định nghĩa chứng nhớ nhà, đối tượng khảo sát, tình huống xa nhà và cách thức khảo sát. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ học sinh nội trú chịu đựng nỗi nhớ nhà thường xuyên dao động từ 16% cho đến 91%. Do phần lớn các nhà nghiên cứu khảo sát chứng nhớ nhà bằng cách phỏng vấn đối tượng nghiên cứu và để cho các đối tượng này tự trả lời theo cảm nhận của riêng họ, sự chênh lệch lớn trong kết quả khảo sát cũng cho thấy sự khác nhau trong cách mỗi người nhìn nhận cảm giác nhớ nhà của bản thân mình.

Trong khi đó, ở những cuộc khảo sát chứng nhớ nhà được thực hiện khi đối tượng nghiên cứu đang sống trong môi trường mới, kết quả dao động từ 83% đến 95%. Các cuộc khảo sát tương tự đối với trẻ em đi trại hè và trẻ nằm viện cũng cho ra các con số tương đương. Trong đó, trẻ càng ít tuổi thì càng có xu hướng nhớ nhà nhiều hơn. Kết quả khảo sát không cho thấy sự khác biệt về mức độ nhớ nhà giữa trẻ em nam và trẻ em nữ cũng như giữa các trẻ có nguồn gốc văn hóa khác nhau.

 .

BIỂU HIỆN CỦA CHỨNG NHỚ NHÀ

Phần lớn trẻ em nhớ nhà có biểu hiện nhút nhát và dễ khóc nhè. Một số trẻ khác giải phóng nỗi nhớ nhà ra bên ngoài bằng các hành vi như đánh nhau, chửi thề hoặc đập phá đồ đạc. Vì thế, một trong những cách chẩn đoán đơn giản đối với chứng nhớ nhà chính là đặt câu hỏi với trẻ, “Con có nhớ nhà nhiều lắm không?” Tuy nhiên, trái với hy vọng của chúng ta, việc đặt câu hỏi hay trò chuyện với trẻ hằng ngày như thế không hề có tác dụng giúp thuyên giảm nỗi nhớ nhà. Ngược lại là đằng khác, người lớn cần phải quan tâm để ý hơn đến trẻ khi các bé có biểu hiện nhớ nhà. Bên cạnh đó, có một sự thật khác cũng trái với suy nghĩ thông thường của hầu hết chúng ta: Thời gian không có tác dụng giúp thuyên giảm nỗi nhớ nhà ở trẻ em như chúng ta thường lầm tưởng. Mặc dù trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp trẻ sẽ đỡ nhớ nhà sau vài ngày, nỗi nhớ nhà da diết trầm trọng có thể càng lúc càng trở nặng hơn theo thời gian nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Nhiều trẻ em nhớ nhà có biểu hiện nhút nhát hoặc trầm cảm về mặt tinh thần, một số ít trẻ thậm chí có triệu chứng khó chịu về mặt cơ thể. Trong số những trẻ em nhớ nhà đến nỗi sinh bệnh về mặt thể xác, chỉ có một số rất ít bé được cha mẹ dẫn đi khám bác sĩ. Trong một cuộc khảo sát đối với trẻ em thuộc lứa tuổi từ 6 đến 15 tuổi ở trung tâm khám sức khỏe thuộc một trại hè nọ, chỉ có 1,6% số lượt khám liên quan đến các chứng bệnh về tâm lý và tâm thần.

Chứng nhớ nhà kéo dài ở trẻ em có mối liên hệ mật thiết với những vấn đề về giao tiếp xã hội, hành vi ứng xử, các triệu chứng trầm cảm và lo âu, những khiếm khuyết trong khả năng thích nghi và cảm giác bị bỏ rơi của trẻ. Trong môi trường học đường, tình trạng nhớ nhà ở học sinh và thanh thiếu niên thường có liên quan đến các rối loạn tâm lý nhẹ, khó khăn trong học tập, sự đãng trí, tự ti và những suy nghĩ, hành vi có tính chất ám ảnh.

Cũng theo thống kê, những trẻ em điều trị dài ngày trong bệnh viện chịu đựng chứng nhớ nhà nặng nề và phức tạp hơn so với những trẻ khác ở các môi trường năng động hơn. Có 50% trẻ em nằm viện dài ngày trong độ tuổi từ 8 đến 18 nói rằng các em trải qua nỗi nhớ nhà ở mức độ từ trung bình cho đến trầm trọng. Những nhân tố dẫn đến tình trạng nhớ nhà của trẻ bao gồm thái độ chăm sóc thiếu tích cực của các bác sĩ và nhân viên y tế cộng với những kinh nghiệm xa nhà trước đó của trẻ, chẳng hạn như việc đi học nội trú hoặc được cha mẹ giao cho người khác chăm nuôi. Khác với các trẻ em nhớ nhà trong những hoàn cảnh khác, chứng nhớ nhà ở trẻ em nằm viện không liên quan đến sự gắn bó tình cảm với người thân hoặc khả năng kiểm soát nhận thức.

CHỨNG NHỚ NHÀ Ở TRẺ EM - Những rủi ro về mặt tâm lý và cách điều trị

NHỮNG NHÂN TỐ RỦI RO DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG NHỚ NHÀ      

Những nhân tố gây nhớ nhà thường rơi vào một trong bốn loại sau: kinh nghiệm cá nhân, thái độ, tính cách và gia đình.

Kinh nghiệm cá nhân

Trong các cuộc khảo sát trẻ em nhớ nhà ở trại hè và trường nội trú, kinh nghiệm cá nhân là nhân tố rõ rệt nhất gây nên chứng nhớ nhà ở trẻ. Những trẻ em càng ít kinh nghiệm xa nhà thì càng dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng nhớ nhà trầm trọng. Chẳng hạn, một đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi nhưng đã từng xa nhà nhiều lần trong quá khứ thì có ít cảm giác nhớ nhà hơn một trẻ 12 tuổi nhưng chưa phải sống xa nhà bao giờ. Kinh nghiệm cá nhân chắc hẳn là nhân tố quan trọng nhất giúp trẻ hình thành những chiến lược và kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh. Tuy nhiên, đối với trẻ em nằm viện dài ngày, kinh nghiệm cá nhân không có vai trò đáng kể trong việc giúp trẻ đỡ nhớ nhà hơn.

Những khám phá trên giúp chúng ta rút ra kết luận rằng những kinh nghiệm xa nhà trong quá khứ có tác động đến sự trông đợi của trẻ đối với những trải nghiệm xa nhà ở hiện tại và tương lai. Nếu trước đây trẻ có nhiều kỷ niệm không vui đối với sự xa nhà – như thường thấy trong các trường hợp trẻ được cha mẹ gửi người khác chăm sóc hoặc những trải nghiệm tiêu cực những khi vào bệnh viện, trẻ sẽ dễ có ác cảm mỗi khi phải tiếp tục sống xa nhà, làm cho chứng nhớ nhà của các em diễn biến tiêu cực hơn.

Thái độ của trẻ đối với việc xa nhà

Những trẻ nào vốn dĩ có ấn tượng hoặc niềm tin tiêu cực rằng xa nhà là một trải nghiệm khó khăn và tệ hại, hoặc cho rằng môi trường mới là một nơi đáng sợ, đây là những trẻ dễ nhớ nhà hơn cả. Trong trường hợp này, trẻ sẽ thường trải qua những cảm giác nhớ nhà dai dẳng và những hành vi tiêu cực ở môi trường mới như một cách để giải phóng và cân bằng cảm xúc bản thân. Ở các trường đại học, những sinh viên năm nhất nào cho rằng mình không nhận được đầy đủ sự hỗ trợ từ những người xung quanh trong việc thích nghi với môi trường mới chính là những người dễ nhớ nhà nhất. Như đã trình bày ở phần trên, những kinh nghiệm buồn vui trong quá khứ sẽ hình thành thái độ của một người đối với việc xa nhà. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trên các bé trai độ tuổi từ 8 đến 16 tuổi đang tham gia trại hè kéo dài 2 tuần, kết quả cho thấy những kinh nghiệm xa nhà trong quá khứ, khả năng nhận thức, thái độ tiêu cực đối với việc sống xa nhà, và những kỳ vọng quá cao là những nhân tố quyết định đến 70% mức độ nhớ nhà của mỗi trẻ.

Tính cách

Những trẻ em nào không có tình cảm gắn bó bền chặt với cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng cũng dễ có khả năng nhớ nhà hơn cả. Cụ thể, những thanh thiếu niên thường lo sợ bị bỏ rơi do cha mẹ chúng không thường quan tâm gần gũi sẽ dễ rơi vào tình trạng căng thẳng thần kinh và đau khổ mỗi khi phải sống xa nhà. Những người trẻ này không thực sự tin tưởng vào tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ dành cho mình; do vậy, các em cũng không tin rằng cha mẹ sẽ quan tâm đến những cảm giác sợ hãi của mình. Kết quả là các trẻ này dễ hình thành những ngộ nhận tiêu cực về bản thân, cho rằng mình không đáng được người khác yêu thương chăm sóc. Những ngộ nhận này càng khiến các em ngập chìm trong những cảm xúc tiêu cực khi phải gặp gỡ, giao tiếp với người lạ hoặc sống trong môi trường mới. Trong khi đó, những trẻ em nào đã hình thành tình cảm gắn bó bền chặt với người nuôi dưỡng lại có xu hướng độc lập hơn, thích khám phá nơi ở mới và phát huy những kỹ năng giao tiếp xã hội. Tất cả những điều này giúp trẻ dễ hòa đồng và thích nghi với môi trường mới hơn hẳn.

Hai nhân tố tính cách khác làm gia tăng nguy cơ nhớ nhà ở trẻ là khả năng nhận thức kém nhạy bén (trong cuộc sống nói chung hoặc trong các hoàn cảnh nhất định) và những cảm giác lo lắng sợ sệt mà trẻ đã có từ trước khi phải sống xa nhà.

Gia đình

Nhân tố gia đình ảnh hưởng nhiều nhất đến khả năng nhớ nhà ở trẻ em chính là quyền có tiếng nói quyết định trong vấn đề xa nhà. Nói cách khác, nếu các bậc cha mẹ ép buộc trẻ phải sống xa nhà mà không màng đến cảm nhận của trẻ, các em sẽ cảm thấy khó chịu vì chính mình lại không có quyền quyết định đối với một vấn đề liên quan trực tiếp đến mình. Kết quả là trẻ sẽ cảm thấy nhớ nhà và dễ lo âu trầm cảm khi phải làm một việc mà mình không muốn. Một nhân tố gia đình khác khiến cho nỗi nhớ nhà của trẻ trở nên trầm trọng hơn là sự lo lắng thái quá của người thân về vấn đề xa nhà của trẻ (chẳng hạn như những câu nói của cha mẹ kiểu như “Đi trại hè vui vẻ nha con. Mẹ sẽ rất buồn vì không biết phải làm gì khi vắng con!”). Trẻ cũng sẽ dễ nhớ nhà trong âu lo khi phải xa nhà mà chưa giải quyết xong những chuyện không vui của cá nhân.

.

PHÒNG TRÁNH CHỨNG NHỚ NHÀ TIÊU CỰC

Các biện pháp phòng tránh nỗi nhớ nhà tiêu cực ở trẻ cần bao gồm các công việc như tìm hiểu về môi trường mới, giáo dục tâm lý, sự hỗ trợ từ cộng đồng và những người xung quanh, huấn luyện kỹ năng thích nghi, các chương trình giáo dục hoặc hướng dẫn dành cho cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng, người giám hộ của trẻ và rèn luyện tính tự lập cho trẻ. Những việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng nhớ nhà, nguy cơ âu lo và trầm cảm ở trẻ em và giúp các em tìm thấy niềm vui ở môi trường mới. Bên cạnh việc báo trước cho trẻ về việc xa nhà và chọn lựa những môi trường mới đáng tin cậy như trại hè, trường nội trú và trường đại học, cha mẹ cần phải:

  • Cho phép trẻ được có quyền quyết định trong vấn đề xa nhà. Dù là đi trại hè hay nằm viện, các em đều cần phải được chuẩn bị đầy đủ cho việc xa nhà. Hãy để cho trẻ được quyết định, dù chỉ là một vấn đề nhỏ thôi cũng được! Điều này sẽ giúp trẻ có ý thức và khả năng tự chủ bản thân tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ không được trao quyền quyết định việc sống xa nhà của mình, các em sẽ rất dễ nhớ nhà da diết khi chuyển đến môi trường mới, dễ dẫn đến căng thẳng thần kinh và trầm cảm.
  • Giáo dục trẻ về tầm quan trọng của việc sống tự lập. Các em cần phải được dạy rằng, “Ai xa nhà cũng nhớ nhà cả. Nhớ nhà là điều bình thường. Con nhớ nhà nghĩa là ở nhà có nhiều điều mà con yêu thương trân quý. Và tin tốt lành là, ở đó sẽ có rất nhiều điều mới mẻ mà con có thể làm để cảm giác nhớ nhà không làm phiền hay khiến con mất tập trung.”
  • Hướng dẫn trẻ các kỹ năng sống tự lập và thích nghi với môi trường mới. Hãy giúp trẻ thực hành những kỹ năng này trong những buổi đi chơi hay những chuyến xa nhà ngắn hạn để giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân mình.
  • Đồng hành cùng trẻ trong việc tìm hiểu về môi trường mới dù đó là trại hè, bệnh viện, nhà mới hay trường mới. Hãy tìm hiểu thông tin từ những nguồn hữu ích như Internet, bướm quảng cáo, hoặc hỏi thăm các cựu sinh viên và nhân viên trong trường. Những thông tin này sẽ giúp trẻ cảm thấy quen thuộc với nơi chốn mới và bớt lo lắng hơn.
  • Làm quen với những người mới trong môi trường mới. Trẻ em cần có ít nhất một người thân quen ở nơi mới – có thể là một người bạn hay một người lớn đáng tin cậy – để có thể trò chuyện tâm sự và hỏi nhờ sự giúp đỡ khi cần nhằm vơi bớt nỗi nhớ nhà.
  • Khuyến khích các em chủ động kết bạn với mọi người xung quanh và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn. Nghiên cứu cho thấy các sinh viên năm nhất nhút nhát và dễ lo lắng cũng đồng thời hay e ngại, không dám chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người chung quanh, khiến cho nỗi nhớ nhà thêm trầm trọng và việc học trở nên khó khăn hơn.
  • Cả cha mẹ lẫn các trẻ đều cần hạn chế những cảm xúc âu lo tiêu cực trong suốt quá trình trẻ sống xa nhà. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng thái quá cho con đến nỗi vô tình khiến con thêm nhớ nhà bằng những câu tạm biệt như “Mẹ tin là đồ ăn ở đó ăn cũng được,” hoặc “Mẹ hy vọng con sẽ không sao,” hoặc “Con đừng lo lắng chuyện ở nhà nhé. Ba sẽ nhớ cho chú cún của con ăn đúng giờ.” Những câu nói này vô tình khiến cho trẻ có thêm lý do để âu lo về việc gia đình cũng như nơi ở mới, làm gia tăng nguy cơ nhớ nhà của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên thể hiện sự vui vẻ lạc quan về môi trường mới hoặc cuộc sống xa nhà của con trẻ để các em có thêm niềm tin và động lực dấn thân vào việc xa nhà.
  • Giúp trẻ nhận thức rõ ràng về khoảng thời gian xa nhà. Hãy sử dụng một cuốn lịch và chỉ cho các em thấy khoảng cách từ thời điểm hiện tại cho đến ngày các em phải rời nhà. Hãy đánh dấu các ngày, các tuần xa nhà hoặc ngày trở về của trẻ, để các em có thể ý thức rõ ràng rằng cuộc sống xa nhà này chỉ là tạm thời chứ không kéo dài mãi mãi. Hãy hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng lịch trong thời gian xa nhà để giúp trẻ củng cố nhận thức về thời gian và lên kế hoạch cho các hoạt động.

.

ĐIỀU TRỊ CHỨNG NHỚ NHÀ                

Việc điều trị chứng nhớ nhà ở trẻ em bao gồm việc bình thường hóa cuộc sống xa nhà, huấn luyện cho trẻ các kỹ năng về thích nghi và thiết lập các mối quan hệ mới, giúp các em có nhận thức đầy đủ về khoảng thời gian xa nhà, hỗ trợ các em hòa nhập và tìm thấy ý nghĩa từ môi trường mới nhằm giúp các em hình thành sự gắn bó với nơi mới. Cụ thể, các bậc phụ huynh hoặc người nuôi dưỡng nên khuyên các trẻ:

  • Tham gia các hoạt động mang lại niềm vui, vui chơi giải trí với bạn bè để không có nhiều thời gian luẩn quẩn với những cảm giác nhớ nhà;
  • Làm những việc giúp bản thân cảm thấy gắn kết với gia đình hoặc quê nhà để đỡ nhớ, chẳng hạn như viết thư cho cha mẹ hoặc xem ảnh gia đình.
  • Tìm kiếm một người đáng tin cậy mà trẻ có thể tâm sự để giúp cho tinh thần phấn chấn hơn;
  • Sống lạc quan, luôn nghĩ về mặt tích cực của mọi người cũng như mọi vấn đề.
  • Thường xuyên nhắc nhở bản thân mình rằng việc xa nhà này không kéo dài mãi mãi, rồi mình sẽ sớm trở về với gia đình thôi;
  • Những lúc gặp khó khăn hoặc đơn độc ở môi trường mới, hãy nghĩ về gia đình hoặc những người mình yêu thương ở quê nhà, nghĩ xem nếu họ ở đây, họ sẽ khuyên mình thế nào hoặc sẽ làm gì để giúp mình./.

.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
(Nguồn: American Academy of Pediatrics)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.