Một học giả gốc Hoa đánh giá rằng Trung Quốc biết rõ ‘đường chín đoạn’ thiếu nhiều căn cứ pháp lý nhưng vẫn duy trì nói như một ‘chiến lược mờ ảo’ và quyết tâm dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền ở vùng biển Đông Nam Á.
Bấm Trong bài viết gần đây đăng trên Asia Pacific Bulletin của EastWestCenter.orgn, bà Tôn Vân (Yun Sun), một học giả tại Viện Stimson cho rằng Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh lập luận về ‘đường chín đoạn’ ở Biển Nam Trung Hoa.
Đây là sự thay đổi rõ rệt với chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vài năm về trước, khi mà Trung Quốc còn thảo luận về tính hợp pháp của ‘đường chín đoạn’.
Nay, Trung Quốc đặt mọi sức nặng đằng sau ‘đường chín đoạn’ rất gây tranh cãi này, theo tác giả.
Chủ quyền lịch sử
“Trung Quốc hiểu rất rõ sự trái ngược của đường chín đoạn với Công ước Luật biển UNCLOS và vì thế bỏ sức đầu tư vào việc tìm tính hợp pháp cho ‘quyền lịch sử’ của lập luận họ nêu ra,”
Thậm chí, theo tác giả, một số trường phái tại Trung Quốc hiện còn muốn nói rằng UNCLOS có sau khi Trung Quốc nêu ra chủ quyền nên không phải là căn cứ cho việc diễn giải chủ quyền ở Biển Đông.
“Trung Quốc cũng cẩn thận khi nêu chi tiết điều gì họ muốn coi là chủ quyền trong khu vực đường chín đoạn. Lý do là để ở đó một sự mờ ảo chiến lược nhằm có chỗ cho các cuộc thương thảo tương lai.”
“Đa số các nhà nghiên cứu Trung Quốc nay thiên về hướng coi vùng nước bên trong đường chín đoạn là Vùng Kinh tế Đặc quyền của mình dù chính chính phủ Trung Quốc chưa công khai nói ra điều này.”
Bà Tôn Vân cũng nói:
“Trong giới hoạch định chính sách của Trung Quốc có nhiều người hiểu rất rõ những điểm yếu của lập luận pháp lý này.”
Tuy thế, họ tin rằng “có lập luận yếu còn hơn là không có gì”.
Và Trung Quốc tin rằng quan điểm như thế “được quyền lực quốc gia mạnh mẽ ủng hộ và mong muốn sử dụng nó”.
TQ quyết tâm biến đa phần Biển Đông thành vùng kinh tế đặc quyền
Tựu trung lại, bài viết cho rằng Trung Quốc tin là “tổn thất về uy tín” khi dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền ‘đường chín đoạn’ sẽ là thứ giải quyết được vì Trung Quốc có sức mạnh kinh tế với cả vùng Đông Nam Á.
Vẫn theo bà, giới chức Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ sẽ không muốn để xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc và vì thế có thể tiếp tục lấn áp Việt Nam.
Theo họ, Việt Nam chưa phải là đồng minh có hiệp ước với Mỹ.
Chủ đề Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải tiếp tục là đề tài truyền thông quốc tế và khu vực theo dõi, nhất là sau khi các giàn khoan được Trung Quốc đem ra để khai thác dầu khí, bất chấp phản đối từ Việt Nam.
Với chính giới Hoa Kỳ, đây cũng là chủ đề quan trọng và có nhiều khả năng được bàn thảo trong chuyến thăm tới của Ngoại trưởng John Kerry tới Bắc Kinh tháng 7 này.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố lịch trình chuyến thăm của ông John Kerry tới Bắc Kinh 9-10 tháng 7 năm nay để tham dự Diễn đàn đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ – Trung.
Theo BBC