Một cảnh tái hiện lại việc mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công trong hoạt động thỉnh nguyện tại Ottawa, Canada năm 2008. (Epoch Times)
Yang Guang và người bạn già của mình, một sĩ quan hậu cần tại một bệnh viện lớn ở Đông Bắc Trung Quốc, đã lên kế hoạch chu đáo cho việc thu thập hồ sơ và tài liệu về hoạt động mổ cắp nội tạng bất hợp pháp tại bệnh viện thông qua công việc của ông tại đó. Sau đó, ông sẽ rời khỏi Trung Quốc để đi nghỉ mát và không trở về nữa, rồi ông sẽ phơi bày cách thức mà các bệnh viện Trung Quốc đã giết hại để lấy nội tạng các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện theo nguyên lý chân-thiện-nhẫn bị bức hại tại Trung Quốc.
Kế hoạch bị dang dở vào tháng 12 năm 2009, Yang Guang cho biết, khi người bạn của mình bị mật vụ Trung Quốc tìm đến nhà, và Yang đã không thể liên lạc với ông trong nhiều năm.
Tuy nhiên, Yang nói rằng ông lưu giữ chi tiết các cuộc thảo luận của họ trong suốt những năm 2000. Đầu năm nay, ông trình bày tóm tắt những ghi chú đó trong cuộc phỏng vấn với Đại Kỷ Nguyên, cung cấp thông tin chân thực về cách thức của hoạt động mổ cắp nội tạng các học viên Pháp Luân Công thực sự có thể diễn ra ở Trung Quốc.
“Phản cách mạng”
Yang Guang là Hoa kiều hiện sống tại Đan Mạch. Trong quá trình làm việc với ông nhiều năm liền, phóng viên của Đại Kỷ Nguyên nhận định ông là người rất chân thành. Dữ liệu mà ông nói chứa khoảng 50 cuộc gọi điện thoại với người bạn của mình, ông Wang (một bí danh), từ năm 2007 đến năm 2009, kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
Tại sao một bác sĩ làm việc tại Trung Quốc lại cung cấp rất nhiều thông tin cho bạn về các hoạt động bất hợp pháp và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng? Theo Yang Guang, giữa họ có tình bạn đặc biệt: năm 1968, trong tình hình hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa, hai người đã bị gán nhãn “bè lũ phản cách mạng” và bị giam 10 năm 8 tháng ở cùng một nhà tù.
Ông Yang Guang tại nhà của mình ở Copenhagen, Đan Mạch. (Huang Qing/Epoch Times)
“Đó không phải là tình bạn bình thường, đó là một mối quan hệ “đồng sinh cộng tử”, rất đặc biệt. Khi tôi nghe nói về mổ cắp nội tạng, tôi biết ông ấy trong lĩnh vực này, và tôi liên tục đặt câu hỏi với ông về điều đó, qua đó thu thập thông tin. Tình bạn của chúng tôi rất sâu sắc”- Yang nói.
Tiếp sau sự phục hồi về chính trị của họ năm 1978, Wang gia nhập ĐCSTQ, trở thành một bác sĩ, và sau nhiều thập kỷ đã lên làm giám đốc hậu cần của một bệnh viện lớn ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Trong khi đó, Yang Guang theo đuổi sự nghiệp kỹ thuật và truyền thông ở Hồng Kông.
Yang cung cấp cho báo Đại Kỷ Nguyên tên thật và nơi làm việc cũ của Wang, cả hai đều có thể kiểm chứng trực tuyến. Đại Kỷ Nguyên đã không cố gắng liên hệ với Wang, bởi việc tiếp xúc như vậy có thể gây nguy hiểm cho ông.
Thông tin cung cấp từ Yang phần lớn là giống với những gì đã biết về cách thức mổ cắp nội tạng các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc – mặc dù giá bán của các cơ quan nội tang mà ông đưa ra cao hơn trước đây đã được báo cáo.
Ethan Gutmann, một phóng viên điều tra về mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc công bố một cuốn sách vào tháng 8, nội dung chính đề cập đến dữ liệu lưu trữ này của Yang Guang. Ông cho biết: “Mặc dù, bằng chứng còn một số điểm nghi ngờ và được cung cấp qua bên thứ 3 nhưng có một số yếu tố nổi bật về các thông tin ghi nhận được trong dữ liệu của ông Wang: vai trò chủ yếu và hiển nhiên của Phòng 610 trong quy trình chọn lựa các học viên Pháp Luân Công, khoảng dao động giá cả cực lớn trong các chuyến du lịch ghép tạng, và số lượng tử tù bị lấy nội tạng thấp đến kinh ngạc khi so với số lượng học viên Pháp Luân Công”.
Mặc dù dữ liệu của Yang là qua bên trung gian, Đại Kỷ Nguyên đã quyết định công bố vì các dữ liệu cá nhân này có thể nâng cao nhận thức của mọi người về nạn mổ cắp nội tạng tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
Ban hậu cần
Ông Wang có thời làm Phó Giám đốc Hậu cần, và sau đó trở thành Giám đốc Bộ phận Hậu cần. Công việc của ông là giám sát rất nhiều hoạt động, trong đó có việc duy trì cung cấp máu ở bệnh viện, tìm máu phù hợp, sắp xếp, thương lượng giá cả cho các ca cấy ghép nội tạng, và cung cấp chỗ ở cho người nước ngoài đến Trung Quốc thay tạng- Yang nói.
Các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng chính tại hai bệnh viện nơi Wang làm việc, và quá trình phân loại các tù nhân Pháp Luân Công theo nhóm máu, chọn một ứng cử viên cấy ghép, và chuyển giao cho các cơ sở y tế giám sát là quá trình được thực hiện bởi Phòng 610 địa phương. Phòng 610 là một tổ chức lực lượng cảnh sát bí mật hoạt động ngoài vòng pháp luật được thành lập ngày 10 tháng 6 năm 1999, đảm đương nhiệm vụ diệt trừ Pháp Luân Công. Chính quyền Trung Quốc đã từng ủng hộ môn thực hành tâm linh truyền thống này, nhưng sau đó chuyển sang bức hại vì lo sợ số lượng người tu luyện Pháp Luân Công tăng lên nhanh chóng.
Tù nhân bị hành quyết
Tử tù thực sự, nội tạng của người bị kết án tử hình, chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong số các thương vụ cấy ghép- Wang nói.
“Ông ấy nói với tôi, ngay cả trong 10 thành phố lớn nhất ở Trung Quốc cũng không quá 50 tù nhân bị hành quyết mỗi năm sau khi bị kết án tử hình, khi đó nội tạng của họ mới được dùng cho việc cấy ghép”- Yang nói. “Tuy nhiên, hai bệnh viện của Wang đã thực hiện hơn 2.000 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng mỗi năm”.
“Hơn nữa, một số quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc và thân nhân từ chối nội tạng của tử tù. Họ đòi hỏi nội tạng từ tù nhân trẻ tuổi và còn sống. Vì vậy, nội tạng của tử tù thường được dành riêng cho người nước ngoài đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng”.
Yang cho biết, giá ghép tạng cho người nước ngoài không cố định, trong một số trường hợp, những người có tiền, tuyệt vọng vì không có nội tạng, đã bị ép giá lên đến 2 triệu USD cho một ca cấy ghép và nằm viện.
Đây là giá cả được quảng cáo trên các trang web Trung Quốc cho đến năm 2006. Sau khi việc mổ cắp nội tạng các học viên Pháp Luân Công bị các nhà nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc phơi bày vào năm 2006, các trung tâm cấy ghép tạng bắt đầu dỡ bỏ các trang web quảng cáo này.
Yang giải thích sự khác biệt bằng cách tham khảo các hệ thống y tế Trung Quốc có thể tống tiền những người đến với nó để được giúp đỡ.
Yang cho rằng, sự chênh lệch về giá này là cách mà hệ thống y tế Trung Quốc tống tiền những người đang khốn khổ.
“Bạn chưa biết về tham nhũng và mặt tối của bệnh viện”- ông nói, đề cập đến trường hợp bệnh nhân ở Trung Quốc có thể bị buộc phải hối lộ, hoặc đánh trả các y bác sĩ cố vòi tiền bệnh nhân.
Nguồn nội tạng Pháp Luân Công
Wang nói rằng Phòng 610 tại thành phố Thẩm Dương, gần bệnh viện của mình, từ năm 2000 bắt đầu cung cấp dữ liệu về “Người hiến tạng” Pháp Luân Công đầy tiềm năng trong các nhà tù của thành phố. Họ đã được xác định bởi giới tính, độ tuổi, số trại, còn danh tính thì không được cung cấp.
Wang sẽ gửi nhân viên y tế đến các nhà tù, trại lao động, và các trung tâm tẩy não để thu thập mẫu máu- Yang nói. Ông cần phải chuẩn bị trang thiết bị, thuốc, tủ lạnh, thiết bị ổn nhiệt, và các phương tiện y tế.
Một khi có sự tương thích về nhóm máu, bệnh viện sẽ liên hệ với Phòng 610, và gửi đến học viên Pháp Luân Công tương ứng.
Sau đó, bệnh viện sẽ xét nghiệm máu xác nhận đúng người, tiếp theo là gây mê nạn nhân và thu hoạch nội tạng của họ. Nội tạng điển hình như gan, thận, giác mạc được thu hoạch cùng một lúc- theo lời của Wang.
Cơ thể sau đó sẽ bị tiêu hủy trong các lò thiêu của bệnh viện. Toàn bộ quá trình được giám sát bởi nhân viên Phòng 610- Wang nói.
Nhân viên bệnh viện đã được chỉ thị giữ bí mật và bị cấm tiết lộ thông tin khi có người hỏi danh tính của các “Người hiến tạng”, hay số lượng các ca cấy ghép được thực hiện tại các bệnh viện khác.
“Có 2.000 đến 3.000 ca ghép tạng được tiến hành hàng năm được báo cáo với Đảng bộ”- Yang nói. “Bất kỳ dữ liệu có liên quan đến các ca ghép tạng đều bị xoá hoàn toàn từ máy tính dưới sự giám sát của nhân viên Phòng 610″.
Viết bằng tiếng Anh bởi Gisela Sommer và Matthew Robertson. Với báo cáo bổ sung của Matthew Robertson.
Để góp thêm tiếng nói nhân đạo nhằm sớm chấm dứt tội ác diệt chủng tàn bạo này, quý vị có thể ký tên thỉnh nguyện gửi đến cho Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại địa chỉ sau:
http://dafoh.net/ky-ten-thinh-nguyen
Theo vietdaikynguyen.com