Biển Thước, được coi là bậc thầy với công năng thấu thị, thành lập các giao thức y tế vẫn đang được sử dụng trong y học Trung Quốc ngày hôm nay. (Jessica Chang / Epoch Times)
Theo sách Sử Ký (史記) thì có một vị thầy thuốc lỗi lạc tên là Biển Thước (扁鵲) sống vào 2,500 năm trước, cùng thời với Khổng Tử trong giai đoạn Xuân Thu Chiến Quốc (khoảng 552-479 trước Công nguyên).
Tên sinh thời là Tần Việt Nhân (秦越人), y thuật cao siêu khiến người đời gọi ông là Biển Thước, tên của một vị thầy thuốc huyền thoại vào thời Hoàng Đế. Biển Thước được trời ban cho công năng thấu thị và nổi tiếng là một vị đại phu có thể thực hiện nhiều điều kỳ diệu.
Tương truyền rằng Biển Thước, người lúc đầu là một chủ quán trọ cao thượng, đã nhận được kiến thức y thuật và khả năng siêu nhiên của mình từ các món quà của một lão nhân – một khách hàng thường xuyên của quán trọ, người bị ấn tượng bởi 10 năm phục vụ tận tâm và chu đáo của Biển Thước.
Người khách trọ quen đã đưa cho Biển Thước một bọc thuốc cùng với cách sử dụng, và một bộ sách y khoa quý giá trước khi ông ta biến mất một cách bí ẩn.
Biển Thước uống thuốc theo lời chỉ dẫn. Ba mươi ngày sau, ông có thể nhìn xuyên qua các vật thể rắn. Sau khi nghiên cứu các cuốn sách y thuật, ông sớm có thể sử dụng khả năng nhìn xuyên thấu và kiến thức về bệnh tật của mình để chẩn đoán và trị bệnh cho người khác.
Là một thầy thuốc, Biển Thước đã đi thăm nhiều nước và vương quốc ở Trung Quốc, khi trị bệnh, ông không bao giờ phân biệt giữa vua chúa và thường dân.
Ông có một hiểu biết trọn vẹn về nhiều loại phương pháp trị bệnh, bao gồm thảo dược, châm cứu, xoa bóp, phẫu thuật và sử dụng thuốc gây mê.
Ông luôn chọn cách trị bệnh phù hợp nhất theo tình huống cụ thể của bệnh nhân.
Khi chữa trị cho bệnh nhân, Biển Thước dùng một phương pháp bốn bước để chẩn đoán bệnh. Đầu tiên, ông sẽ quan sát bệnh nhân, chú ý vẻ bề ngoài, màu da, màu lưỡi… Bước thứ hai, ông sẽ nghe giọng nói, nhịp thở và âm thanh ngực của bệnh nhân. Bước thứ ba, ông sẽ hỏi bệnh nhân các câu hỏi về triệu chứng mà họ gặp phải. Cuối cùng, ông sẽ bắt mạch của họ.
Trong Trung y cổ đại, mạch của một người có thể nói cho thầy thuốc biết nhiều điều, bao gồm giới tính người đó, sức khỏe của các cơ quan nội tạng, thậm chí nếu một người phụ nữ có thai hoặc một người bị táo bón…
Các ca chữa trị huyền thoại
Có lần Biển Thước đến thăm Tề Hoàn Công- vua nước Tề, người đối xử với ông ta như thượng khách. Biển Thước chẩn đoán rằng bệnh của nhà vua được gây ra bởi một loại bệnh ở dưới da nhưng nhà vua bỏ qua lời khuyên của Biển Thước.
Câu chuyện tiếp diễn, Biển Thước bảo với ông ta: “Ngài có bệnh ở trong bắp thịt. Nếu nó không được chữa trị thì nó sẽ đi sâu hơn”.
Tề Hoàn Công nói: “Ta không bị bệnh”. Biển Thước liền rời đi.
Năm ngày sau, Biển Thước đến thăm Tề Hoàn Công lần nữa và nói: “Ngài có bệnh ở trong máu. Nếu chúng ta không chữa nó, nó sẽ đi sâu hơn”.
Tề Hoàn Công nói: “Ta không bị bệnh”. Biển Thước lại rời đi.
Năm ngày sau, Biển Thước lại thăm Tề Hoàn Công và nói: “Ngài có bệnh ở dạ dày. Nếu không được chữa trị nó sẽ đi sâu hơn”.
Tề Hoàn Công không trả lời. Biển Thước lại rời đi lần nữa.
Năm ngày sau, Biển Thước định đến thăm Tề Hoàn Công, nhưng ông bỏ đi ngay khi thấy nhà vua từ xa. Một người tùy tùng của Tề Hoàn Công hỏi tại sao ông bỏ đi.
Biển Thước nói: “Khi bệnh ở trong cơ thì thuốc có thể trị được; khi ở trong máu thì châm cứu có thể trị; khi ở trong dạ dày thì rượu thuốc có thể chữa được; nhưng khi bệnh đã đến tủy thì ngay cả các vị thần kiểm soát số mệnh cũng không chữa được! Bệnh của Tề Hoàn Công giờ ăn vào tủy nên ta không thể chữa được”.
Sau đó năm ngày, Tề Hoàn Công bị đau đớn và phái người đi tìm Biển Thước, nhưng Biển Thước đã đi mất.
Vị vua không tin lời chẩn đoán kỳ lạ của Biển Thước, cho rằng Biển Thước muốn kiếm lợi từ nỗi sợ cái chết của ông. Biển Thước đã bỏ đi khi ông biết rằng cơ hội cuối cùng để chữa trị căn bệnh đã không còn, và vị vua chết không lâu sau đó.
Một đoạn sử khác kể lại về một lần Biển Thước đến nước Quắc. Khi đang bước đi ở kinh thành, ông thấy có một đám đông đang khóc than ở trên đường. Sau khi hỏi xung quanh, ông phát hiện rằng người kế vị nước này vừa đột ngột qua đời. Tuy nhiên, sau khi nghe các triệu chứng, Biển Thước nhận thấy rằng có một điều kỳ lạ đã xảy ra, nên ông làm một chuyến viếng thăm đến cung điện.
Ở đó, ông kiểm tra hoàng tử và phát hiện rằng cơ thể của hoàng tử vẫn còn ấm. Tim còn đập nhẹ. Biển Thước tuyên bố rằng hoàng tử vẫn chưa chết mà chỉ đơn thuần là ở trong trạng thái bị sốc hoặc hôn mê.
Dùng biện pháp châm cứu, Biển Thước châm một cây kim lên huyệt bách hội (百會) ở trên đỉnh đầu của hoàng tử và hoàng tử đã hồi tỉnh.
Biển Thước kê một số loại thuốc cho hoàng tử và làm các viên thuốc cô đặc cho thân thể của anh ta.
Sau vài ngày, hoàng tử hoàn toàn hồi phục sức khỏe và tiếng tăm về y thuật cao siêu của Biển Thước được đồn xa.
Y học tổng quan
Trong trường phái Trung y, một vị thầy thuốc luôn chữa trị tổng thể bệnh nhân, cả phần hồn và xác. Vây nên, việc cân nhắc đến sự cân bằng bên trong của năng lượng cơ thể và các đặc điểm tính cách, cũng như những thứ mà một người ăn và những điều mà người ấy gặp phải trong đời sống hàng ngày là rất quan trọng.
Người ta cũng tin rằng y đức có quan hệ trực tiếp đến các khả năng siêu nhiên như là thấu thị nhân thể; một thầy thuốc Trung y có năng lực siêu nhiên sẽ mất khả năng ấy nếu y đức của người đó giảm sút.
Biển Thước sống một cuộc đời khiêm tốn và cao thượng, và được người thời nay ngưỡng mộ là “Thần y”. Ông đã dành tâm huyết để viết cuốn sách Biển Thước Nội Kinh (扁鵲内經).
Cho đến ngày nay, các bác sĩ Trung y mà học về kinh mạch vẫn dựa theo phương pháp của Biển Thước. Tác phẩm quan trọng nhất mà Biển Thước để lại là Nan Kinh.
Đó là tác phẩm căn bản của Trung y và nó có một tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của khoa học Trung y.
Theo vietdaikynguyen.com