Lợn ăn… thảo dược
Bắt đầu câu chuyện bằng cái vẻ thật thà của một anh nông dân, anh Đậu đang công tác tại Trạm khuyến nông Phúc Yên kể rằng, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, anh về công tác tại trạm kiểm dịch động vật Vĩnh Phúc.
Ở đây, mỗi lần kiểm tra xe chở động vật, anh Đậu thấy vô cùng khó chịu bởi mùi hôi thối từ phân, nước thải của các xe chở lợn, bò, đặc biệt là vào mùa nóng hoặc những hôm mưa phùn, nước phân vương vãi ra đường rất bẩn.
Anh Đậu chăm sóc đàn lợn thử nghiệm. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Khi các mô hình chăn nuôi sử dụng thức ăn cám công nghiệp được lan rộng, là người “trong ngành”, anh Đậu hiểu rằng loại cám này giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, nhưng đánh đổi nó là những hệ lụy về thực phẩm mà người tiêu dùng không dễ phát hiện.
Xuất phát từ đó, anh Đậu quyết định nghiên cứu với mong muốn tìm ra một loại thức ăn sinh học để hạn chế những tồn tại trên, nhưng phải góp phần tăng năng suất và sản lượng thịt.
Đọc nát nhiều cuốn sách, tài liệu, người đàn ông sinh năm 1969 này đã phát hiện ra những bài thuốc giúp khí trung tiện, nước tiểu và phân của con người khi thải ra ít mùi hôi. Và, từ năm 2000, cánh cửa nghiên cứu đã bắt đầu được hé mở.
Những ngày đầu nghiên cứu, anh Đậu phải đi đến các vùng để tìm loại thảo dược, rồi về kết hợp cùng với thức ăn thường ngày của lợn. Có khi, loại thảo dược này lợn ăn rất khỏe nhưng không tăng trưởng, hoặc ở loại thảo dược khác, lợn có tăng trưởng nhưng lại chậm hơn thức ăn công nghiệp, thịt không đỏ, không ngon…
Theo nhẩm tính của anh Đậu, mỗi một năm, anh “đốt” vào việc nghiên cứu khoảng 40-50 triệu đồng. Thất bại song anh Đậu không hề nhụt chí, mà lại thôi thúc quyết tâm tìm loại thảo dược khác cho phù hợp. Để có tiền cho nghiên cứu, anh Đậu phải đi làm thuê cho nông dân qua việc chữa bệnh, tiêm cho thú y và cả những đồng lương còm cõi. Kinh tế gia đình, anh phải cậy nhờ người vợ làm giáo viên tần tảo…
Cũng nhờ việc đi chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của bà con, anh đã vận động một số hộ dân cùng thực hiện thí nghiệm với mình. Ban đầu, người dân còn e dè chỉ dám cho lợn ăn một ít cám mà anh Đậu mang tới, sau đó cho ăn tăng dần. Rồi đến năm 2006, anh Đậu đã thành công khi tìm ra một công thức “bí truyền” riêng của mình. Thịt lợn của anh đã được Bộ môn phân tích và giám định thực phẩm (Viện Công nghiệp thực phẩm) phân tích và cho kết quả không phát hiện ra ra các dư lượng như chloramphenicol, axit Oxolinic, E.Coli, Tetracyline, Shamonella… Và, chuồng lợn của anh thì không quá hôi thối như các khu vực chăn nuôi khác.
Tới năm 2007, anh Đậu đã đăng ký làm đề tài khoa học “Nghiên cứu thức ăn sinh học tạo ra thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu”, và được nghiệm thu đề tài cấp tỉnh.
Mở rộng
Sản phẩm cám sinh học có thành phần thảo dược và thịt lợn sạch được anh Đậu và doanh nghiệp liên kết. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Để triển khai đề tài ra diện rộng, anh Đậu đã đồng ý chuyển giao cho Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh học Thành Công. Đơn vị này lại phối hợp với Công ty Thiên Hợp để sản xuất ra thức ăn sinh học phục vụ cho chăn nuôi, mỗi tháng khoảng 5 tấn. Theo lời anh Đậu, nguyên liệu để phối trộn ra loại cám đặc biệt này gồm cả khô đậu tương, ngô hạt, mật mía, bột nghệ, muối, thảo dược các loại, khoáng chất, cám gạo… Trong đó, các thảo dược là bất định, và việc phối trộn phải tuân theo công thức nghiêm ngặt.
Năm 2011, giải pháp này của anh Tạ Hùng Đậu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 919 theo QĐ số 38711/QĐ-SHTT. Bản thân tác giả nhận nhiều bằng khen cấp tỉnh và cả Bằng lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.
Hiện nay, mỗi tuần Công ty Thành Công phối hợp cùng anh Đậu nuôi trang trại lợn ở Móng Cái lên tới hàng ngàn con để cung cấp thịt lợn cho thị trường Hà Nội, Móng Cái, Vĩnh Phúc… Tại Tiền Châu (Phúc Yên), anh Đậu có một trang trại lợn nhỏ với 30 con để nuôi thử nghiệm nâng cấp công nghệ. Hằng năm, anh Đậu vẫn đem thịt lợn của mình đến các cơ sở phân tích để kiểm định, và chưa mẫu thịt lợn của anh có dư lượng vượt ngưỡng cho phép.
Nói về hướng phát triển, anh Đậu cho hay vẫn đang tìm nhà đầu tư để có thể có được nguồn vốn, máy móc để phát triển rộng hơn, tiến tới xuất khẩu. Bởi lẽ, thức ăn sinh học tuy có cao hơn thức ăn công nghiệp từ 700 đồng tới 1.000 đồng/kg, song ưu thế của nó là giảm ô nhiễm vùng chăn nuôi, tạo ra thực phẩm sạch và tốc độ tăng trưởng của vật nuôi tương đương với thức ăn công nghiệp nên nhu cầu trong dân là rất lớn.
Bởi vậy, bên cạnh việc tìm kiếm nhà đầu tư, anh Đậu đang quy hoạch vùng trồng thảo dược tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, tạo vùng nguyên liệu rộng hơn cho việc sản xuất cám sau này.