Một số công ty du lịch cho biết nhân viên của họ từng cãi nhau rất dữ ở Poipet vì quy định quá vô lý này của phía Thái Lan, nhưng phần lớn đều không có kết quả. Không có tiền thì không được nhập cảnh.
Cầm tiền và bị chụp hình như tội phạm
Vẫn còn nguyên cảm giác khó chịu sau chuyến du lịch Thái Lan trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch hội xe Volkswagen Sài Gòn, bức xúc: “Họ bắt chúng tôi phải trưng ra tiền USD hoặc tiền baht với mức mà họ thông báo là 700 USD hoặc 20.000 baht. Trong đoàn nhiều người không mang theo đủ số tiền đó nên khá bối rối. Đại diện công ty du lịch tổ chức cho chúng tôi phải nói mãi nhưng họ vẫn buộc mọi người phải trưng tiền ra. Mà phải xòe tất cả tiền đang có trước webcam gắn ở quầy làm thủ tục cho họ chụp hình rồi mới được qua”.
Trước đó, nhóm của anh Quốc Minh (Q.5) đi Siem Reap (Campuchia) chơi rồi sang Thái Lan bằng đường bộ. Khi trình hộ chiếu tại cửa khẩu, anh Minh và các thành viên trong đoàn khá bất ngờ khi bị nhân viên nhập cảnh Thái Lan yêu cầu phải trưng tiền mặt ra mới được đóng dấu nhập cảnh. Do nhiều du khách trong đoàn không rành tiếng Anh, không hiểu yêu cầu nên một nhân viên nhập cảnh Thái Lan đã đưa ra một tấm bảng viết bằng tiếng Việt với nội dung: “Xuất trình tiền 20.000 baht hay 700 USD” mới cho nhập cảnh.
“Họ còn bắt xòe ra trước webcam để chụp hình rồi mới được nhập cảnh, người thân đi chung cũng phải tự đưa tiền của mình ra” – anh Minh kể. Cũng tại cửa khẩu này, theo anh Minh, một người Việt đi du lịch balô theo dạng lẻ, không quen biết ai trong đoàn nên đành phải ra về do không chuẩn bị tiền trước. “Thậm chí một du khách đưa ra khoảng 1.000 baht và 200 USD nhưng nhân viên nhập cảnh Thái Lan nhất định không cho qua, mà bắt buộc phải có đủ 20.000 baht hoặc 700 USD nên du khách này cũng đành quay lại” – anh Minh bức xúc.
Thô thiển và xúc phạm
Theo lời các du khách từng bị rơi vào tình huống phải đưa tiền ra chứng minh theo yêu cầu của nhân viên nhập cảnh Thái Lan, khi được hỏi lý do tại sao lại có quy định này, nhân viên nhập cảnh Thái Lan giải thích: “do có quá nhiều người VN sang Thái Lan làm việc bất hợp pháp, sau đó họ kéo thân nhân sang đây nên phía Thái Lan buộc phải làm vậy để hạn chế người Việt sang”?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN (VITA) kiêm chủ tịch Hiệp hội Lữ hành VN (VISTA), khẳng định đây là một quy định quá thô thiển. “Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại VN yêu cầu giải thích vì sao lại có quy định kỳ cục này” – ông Bình nói.
Theo ông Bình, quy định này xét ở khía cạnh nào cũng rất vô lý bởi không phải du khách nào ra nước ngoài cũng mang theo nhiều tiền mặt, thay vào đó họ mang thẻ thanh toán quốc tế vừa an toàn vừa tiện lợi, chưa kể có những du khách đi theo tour nên không nhất thiết mang theo nhiều tiền mặt. “Buộc các du khách phải mang theo một khoản tiền mặt khi vào Thái Lan là hoàn toàn sai, vì nếu du khách đã mua tour (đã trả tiền trọn gói cho việc ăn, ở, đi lại, bảo hiểm…) thì mang theo bao nhiêu tiền là quyền của họ, sao lại có quyền hỏi” – ông Bình nói.
Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp lữ hành từng đưa khách sang Thái Lan bằng con đường này cho biết trước khi xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh Thái Lan, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan có bảng thông báo với nội dung “các công dân những quốc gia Afghanistan, Algeria, Bangladesh, Iran, Iraq, Hàn Quốc, Pakistan, Sri Lanka, Sudan, Saudi Arabia” và VN có thể bị thẩm vấn. Các doanh nghiệp đã phản ảnh thông tin này với TAT và nhận được trả lời đây là quy định của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan nên họ không thể can thiệp được.
Để hạn chế lao động trái phép? Trả lời Tuổi Trẻ, bà Chutathip Chareonlar, giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại TP.HCM, thừa nhận thông tin này là đúng sự thật. Cửa khẩu Poipet đề cập ở đây được phía Thái Lan gọi là Aranyaprathet, phòng nhập cảnh Thái Lan đã ban hành quy định về việc khách du lịch nước ngoài khi nhập cảnh Thái Lan phải mang theo số tiền mặt tối thiểu là 700 usd hoặc 20.000 baht, và phải trình ra cho hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh nếu được yêu cầu. Quy định này mới được áp dụng cho tất cả du khách nước ngoài khi nhập cảnh Thái Lan theo kiểu visa du lịch chứ không chỉ với du khách VN, do ngày càng nhiều người nhập cảnh Thái Lan dưới hình thức visa du lịch để làm việc sai quy định. Tuy nhiên, bà Chutathip Chareonlar cũng cho biết do số lượng người cầm hộ chiếu VN nhập cảnh vào Thái Lan dưới dạng visa du lịch nhưng thật sự là lao động trái phép (không có giấy phép lao động) ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc quản lý của quốc gia nên phòng nhập cảnh buộc phải nghiêm chỉnh trong việc cấp phép nhập cảnh theo quy định (đặc biệt đối với nhóm du lịch tự túc) chứ không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay miệt thị người VN ở đây. TAT chỉ là cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, không phải là cơ quan ban hành luật định trên. Bà Chareonlar cũng thông tin việc yêu cầu du khách phải cầm số tiền 700 USD hoặc 20.000 baht để hải quan chụp lại số xêri được in trên tiền, phòng trường hợp cho người khác mượn lại số tiền đó. Và việc này hoàn toàn trong quyền hạn của hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh và du khách nước ngoài (bất kể quốc gia nào) khi được yêu cầu phải tuân theo. |
Không thể chấp nhận Tôi vừa hoàn tất hành trình đầy lý thú của đoàn caravan xe cổ Volkswagen Sài Gòn khám phá xứ sở chùa tháp từ ngày 26-4 đến 3-5. Đoàn đã đi qua 16/21 tỉnh thành của Campuchia, góp phần quảng bá cho du lịch VN. Chuyến đi sẽ hết sức trọn ven nếu không có sự cố vào ngày 30-4. Hôm ấy, đoàn từ Siem Reap lên Bantiamienchay, qua cửa khẩu Poipet, nhập cảnh Thái Lan bằng cửa khẩu Aranyaprathet để dạo chợ Rong Klua và về trong ngày. Trong khi xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh, đập vào mắt du khách là bảng hiệu cảnh báo du khách các nước sẽ “có vấn đề” khi vào Thái Lan như Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Iraq, VN… Dù đã nghe kể, tôi vẫn bị sốc thật sự. Người Việt nhập cảnh Thái Lan qua Poipet hôm đó còn có đoàn khách từ Kiên Giang của Công ty du lịch Hòa Bình. Mọi người rất khó chịu khi bị hạch họe, quát tháo. Sốc nhất là việc khách buộc phải xòe 700 usd, không chấp nhận các loại thẻ, giơ tiền lên ngang mặt để chụp hình lưu lại trước mắt cả trăm du khách chờ nhập cảnh. Ngay cả với khách trong đoàn caravan, toàn là chủ doanh nghiệp, nhiều người từng đi khắp thế giới cũng đều phải xòe tiền ngang mặt, bị chụp hình như tội phạm bị bắt quả tang. Nhiều người đề nghị hủy chương trình nhưng một số thành viên đã qua trước nên phải chấp nhận trong ấm ức. Thiết nghĩ việc Thái Lan xếp VN vào “nhóm nước xấu xa” là quyền của họ. Nhưng không thể chấp nhận thái độ thô lỗ, xem thường và xúc phạm du khách VN như hiện nay. Không thể vì năm mười người, thậm chí vài chục người xấu mà đối xử vô văn hóa, xúc phạm nhân phẩm du khách VN. Đó là sự sỉ nhục quốc thể, không thể chấp nhận. Thông qua báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đề nghị Hiệp hội Lữ hành VN, Tổng cục Du lịch và Bộ Ngoại giao VN có văn bản yêu cầu: Cục Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan chấm dứt hành động phân biệt đối xử và sỉ nhục du khách VN như hiện nay. Ngoài ra, VN cũng cần điều chỉnh luật, tăng hình phạt và xử lý thật nghiêm những người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bởi đây là hành vi làm nhục quốc thể, làm xấu hình ảnh của đất nước. NGUYỄN VĂN MỸ |