ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Camera điện thoại cần bao nhiêu ‘chấm’ là chuẩn?
Friday, May 2, 2014 17:51
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nhiều hãng điện thoại lớn cạnh tranh nhau bằng cách nâng cấp số “chấm” của camera điện thoại. Vậy một chiếc điện thoại có camera bao nhiêu “chấm” thì là chuẩn?

Megapixel (hay còn được người tiêu dùng gọi là “chấm”) là một khái niệm đơn giản nhưng đang trở nên mập mờ và gây tranh cãi. Các nhà sản xuất máy ảnh compact lâu nay hành động như thể chúng ta cần càng nhiều megapixel càng tốt. Giới học giả về nhiếp ảnh nói chung cho rằng không cần nhiều megapixel. Các nhà sản xuất smartphone lại hoàn toàn không thống nhất được về vấn đề này.

Các máy smartphone cao cấp hiện nay có máy chỉ có 4MP như chiếc HTC One, có máy 8MP như iPhone 5/5s và Nexus 4, 13MP như Galaxy S4, 20.7MP như chiếc Sony Xperia Z1 và 41MP như chiếc Nokia Lumia 1020 và Pureview 808. Chắc chắn là không thể hãng nào cũng đúng được?

Vậy chúng ta thực sự cần bao nhiêu megapixel và số lượng megapixel tăng đến ngưỡng nào thì những hạn chế của nó sẽ nhiều hơn lợi ích? Đó là những câu hỏi đơn giản không có đáp án giản đơn nhưng chúng ta hãy cũng tìm hiểu.

Trước khi trả lời các câu hỏi trên, chúng ta cần nắm chắc các khái niệm cơ bản. Megapixel là số điểm ảnh (pixel) bên trong bức ảnh, một MP = 1.000.000 điểm ảnh. Nếu bức ảnh có 4.000 x 3.000 điểm ảnh, nhân hai số này ra chúng ta sẽ có 12 triệu điểm ảnh, như vậy đó là bức ảnh 12MP.

Lưu ý là bức ảnh 24MP sẽ có kích thước (chiều rộng và chiều dài của bức ảnh) không lớn gấp hai lần bức ảnh 12MP. Cụ thể, bức ảnh có 5.656 x 4.242 điểm ảnh (24MP) có lượng điểm ảnh gấp đôi bức ảnh 12MP nhưng kích thước chiều dài và chiều rộng của bức ảnh đó sẽ lớn hơn 41% so với bức ảnh 12MP. Tương tự, nếu bạn giảm kích thước chiều dài và rộng của bức ảnh 12MP xuống kích cỡ 2.000 x 1.500 điểm ảnh thì kích thước của bức ảnh đó sẽ chỉ còn lại 1/4, tức 3MP. Như vậy, sự khác nhau về chất lượng giữa bức ảnh 4MP, 8MP, 13MP và 41MP không lớn như các con số của chúng.

Camera điện thoại cần bao nhiêu 'chấm' là chuẩn? - Ảnh 1

Ảnh có độ phân giải càng cao thì thời gian xử lý càng lâu và tốn càng nhiều bộ nhớ hơn.

Một smartphone có thể hỗ trợ chụp tới bao nhiêu điểm ảnh?

Có lý do cho việc tại sao không có các máy ảnh có độ phân giải một tỷ điểm ảnh dù không hiếm các ảnh có độ phân giải này (bằng cách ghép nhiều ảnh lại với nhau), bởi thực tế nhiều điểm ảnh hơn nữa chỉ đôi khi nhằm thỏa mãn nhu cầu của người mua chứ không hẳn là một yếu tố bắt buộc cần phải có.

Mặt khác, có ba hạn chế công nghệ liên quan đến việc nâng tỷ lệ điểm ảnh không đồng hành với việc nâng chất lượng ảnh chụp.

Một là ảnh có độ phân giải càng cao thì thời gian xử lý càng lâu và tốn càng nhiều bộ nhớ hơn. Mặc dù máy ảnh và smartphone đang được trang bị các chip xử lý ngày càng mạnh hơn, dung lượng thẻ nhớ cũng ngày càng lớn hơn và rẻ hơn, nhưng nhà sản xuất luôn phải cân đối giữa độ phân giải và thời gian xử lý bức ảnh.

Thứ hai, đó là độ sắc nét của ống kính. Ống kính trên các smartphone thường chỉ có thể duy trì việc đảm bảo nét ở khoảng giữa khung hình, các chi tiết khác sẽ bị mờ dần về phía các cạnh. Vì thế, sẽ thật vô nghĩa nếu chụp ảnh nhiều pixel hơn nhưng phần lớn các điểm ảnh thêm này cũng vẫn chỉ là những điểm ảnh mờ ảo xung quanh khung hình. Phần lớn đối tượng được chụp thường nằm ở trung tâm, vì vậy đảm bảo cho số lượng điểm ảnh đủ nét trong khu vực này còn tốt hơn việc gia tăng thêm số lượng điểm ảnh.

Cuối cùng, nhiễu cảm biến nảy sinh do sự sai lệch trong việc xử lý ánh sáng ở từng điểm ảnh. Máy ảnh số khắc phục vấn đề này bằng các thuật toán xử lý chống nhiễu, nhưng vấn đề là các thuật toán này khó có thể phân biệt được nhiễu không mong muốn với các chi tiết trong cùng một cảnh. Do đó, khi làm giảm nhiễu, các thuật toán cũng làm giảm luôn cả độ chi tiết của bức ảnh. Nếu nhìn các ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng, bạn sẽ thấy minh chứng rõ ràng hơn về việc xử lý quá đà của thuật toán giảm nhiễu, ảnh ở các vùng tối sẽ trở nên hạt hoặc bệt hơn.

Điều này đặc biệt đúng đối với smartphone và các máy ảnh du lịch rẻ tiền bởi lẽ cảm biến của chúng về mặt vật lý đã quá nhỏ. Cảm biến nhỏ đi kèm với ống kính nhỏ sẽ bắt được ít ánh sáng hơn cảm biến to và ống kính to. So với DSLR, hay thậm chí so với máy ảnh du lịch thông thường, nếu có cùng độ phân giải, thì mỗi điểm ảnh trên cảm biến của smartphone sẽ nhỏ hơn nhiều và ánh sáng thu được sẽ ít hơn nhiều, dẫn tới độ chính xác xử lý ánh sáng của từng điểm ảnh khó đảm bảo hơn, độ nhiễu hạt sẽ cao hơn.

Nếu cùng một kích cỡ cảm biến, nếu cứ tăng số điểm ảnh với mong muốn tăng chi tiết cho ảnh, thì kết quả có khi còn đi ngược lại, bởi tăng số lượng điểm ảnh lên đồng nghĩa với giảm bớt lượng ánh sáng mỗi điểm ảnh có thể thu nhận (do nhỏ đi), tăng độ nhiễu nhiều hơn, dẫn tới máy ảnh phải xử lý giảm nhiễu mạnh hơn, và ảnh cuối cùng lại dễ bị mất chi tiết hơn.

Điều này chỉ có thể giải quyết khi tăng số lượng điểm ảnh phải cùng với việc tăng kích cỡ cảm biến. Đó là lý do tại sao một máy ảnh DSLR độ phân giải có thể thấp hơn các máy ảnh du lịch nhưng độ nét thì tốt hơn, còn độ nhiễu hạt thì thấp hơn hẳn.

Hiện Nokia cũng tuân theo nguyên lý này. Để giảm nhiễu, Lumia 1020 với số điểm ảnh 38 triệu điểm được bố trí trong cảm biến có kích cỡ 1/1.5 inch, gấp đôi về đường chéo và gấp 4 lần về diện tích so với kích cỡ cảm biến thông thường hay được dùng trên smartphone (1/3 inch), gần tương tự như việc 4 vùng cảm biến 10 triệu điểm được đặt cạnh nhau.

HTC One thì theo triết lý điểm ảnh không phải là quyết định. Vì thế với cảm biến kích cỡ 1/3 thông thường, hãng chỉ bố trí 4 triệu điểm để đảm bảo ảnh lấy sáng tốt hơn và nhiễu hạt ít hơn.

Tất nhiên, nếu chỉ tranh cãi về mật độ điểm ảnh, sẽ không bao giờ là hồi kết. Cuối cùng thì nếu đã nói về nhiếp ảnh, thì kích cỡ cảm biến và ống kính mới là những nhân tố đóng vai trò quan trọng chứ không phải số lượng hay mật độ điểm ảnh.

Camera điện thoại cần bao nhiêu 'chấm' là chuẩn? - Ảnh 2

Số “chấm” chuẩn của camera điện thoại phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn

Bao nhiêu megapixel là đủ với người dùng smartphone bình thường?

Bây giờ, hầu hết ảnh chụp được chia sẻ trên các dịch vụ mạng xã hội và được xem trên máy tính, TV, máy tính bảng và điện thoại. Độ phân giải của những màn hình này khác nhau, khoảng 1MP với smartphone thông thường đến 3MP với màn hình Retina trên máy tính bảng iPad. Các TV Full-HD (còn gọi là 1080p) sẽ có độ phân giải 2MP. Nhiều màn hình máy tính và ngày càng nhiều smartphone cũng như máy tính bảng đang sử dụng độ phân giải Full-HD. Các màn hình sắc nét nhất hiện giờ là các TV 4K, tương đương với 8MP hay gấp 4 lần độ phân giải Full-HD. Những loại màn hình này hiện nay rất đắt nhưng chúng sẽ rẻ hơn trong các năm tới.

Như vậy, có thể thấy số megapixel nhiều nhất chúng ta cần để hiển thị ảnh chụp ở mức đẹp nhất trên các màn hình điện tử hiện nay là 3MP. Nếu bạn muốn những bức ảnh của mình trông vẫn tuyệt vời trong nhiều thập kỷ tới thì hãy chụp ở kích thước 8MP.

Nếu bạn cần in ảnh, nhu cầu cũng tương tự: 300 điểm ảnh mỗi inch (ppi) là đủ sắc nét đối với mắt người nhìn vào ở khoảng cách thông thường. Như vậy, bức ảnh 5×7 inch (12,7 x 18cm) ở độ phân giải 300 ppi sẽ là 3MP, còn in cỡ A4 ở độ phân giải đó thì nó sẽ tăng lên 9MP. Thậm chí, in tấm lớn khổ A2 ở độ phân giải 300 ppi thì cũng chỉ có 35MP, còn nhỏ hơn cả ảnh chụp 38MP từ máy Lumia 1020.

Tuy nhiên, có một điều bạn nên lưu ý là hiện nay có rất ít smartphone sử dụng zoom quang. Zoom số hầu như camera trên smartphone nào bây giờ cũng có nhưng sử dụng zoom số thường cho ra kết quả ảnh tồi. Lý do là vì nếu bạn zoom số hai lần (2x) nghĩa là bạn đang sử dụng có 1/4 diện tích bề mặt của cảm biến máy ảnh. Do đó, máy ảnh 8MP nếu áp dụng zoom số 2x nghĩa là bạn đang thu bức ảnh 2MP. Tuy thế, hầu hết những tấm ảnh này vẫn có dung lượng tương đương ảnh 8MP do chúng được nhà sản xuất áp dụng giải pháp nội suy. Vì vậy, các máy ảnh độ phân giải cao sẽ có ưu thế là bạn có thể cắt ảnh (crop) mà vẫn có độ chi tiết đủ tốt và đẹp hơn là dùng zoom số.

Như vậy, bây giờ chúng ta có thể trả lời câu hỏi bao nhiêu megapixel là đủ trong thực tế. Với nhu cầu chia sẻ trên các mạng xã hội và xem trên các loại màn hình smartphone hay máy tính bảng, 3MP là đủ đẹp, còn 8MP là đủ với nhu in cỡ A4 và xem trên TV 4K. Tuy vậy, để đạt được độ sắc nét nhất có thể, bạn nên tăng các con số này lên một chút. Và nếu bạn muốn cắt ảnh, nhất là trên các camera của smartphone không có zoom quang, sẽ không có giới hạn về số lượng megapixel. Trong trường hợp đó, số megapixel càng nhiều thì bạn càng có cơ hội cắt ảnh ở những khung ảnh chụp rộng hơn.

Dĩ nhiên, chất lượng hình ảnh được xác định bởi thiết kế của cảm biến, chất lượng ống kính, mức độ thông minh của hệ thống đo sáng và phơi sáng tự động… một danh sách dài những yếu tố kết hợp lại với nhau. Sẽ chẳng có gì để nói nếu bạn cứ khăng khăng cho rằng, chất lượng các camera được xếp hạng chỉ dựa theo số megapixel mà nó sở hữu, mà bỏ quên các yếu tố quan trọng còn lại như kích thước cảm biến và chất lượng lens.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Xem thêm video: Hơn 100 xe Exciter diễu phố làm từ thiện

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.