Việt Nam cần tái cơ cấu tư tưởng phát triển nông nghiệp***
Monday, April 21, 2014 1:12
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế xã hội tại Việt Nam thông qua tạo việc làm cho 70% dân số, tạo nguồn cung lương thực thực phẩm đầy đủ, ổn định giá cả. Nông nghiệp cũng là ngành mũi nhọn của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu vì đây là ngành có xuất siêu. Đồng thời, nông nghiệp Việt Nam đã cung cấp những điều kiện cần thiết như thực phẩm và nguồn nguyên liệu giá rẻ để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phi nông nghiệp ở Việt Nam. Trong những giai đoạn suy thoái kinh tế xảy ra, ngành nông nghiệp được cho là khu vực an toàn giúp nền kinh tế Việt Nam giảm bớt những bất ổn.
Ảnh: sau 30 năm đổi mới người nông dân vẫn còn nhiều cơ cực (nguồn: Văn Hóa Của Mình) |
Diễn ngôn và triết lý phát triển gạt bỏ nông dân ra ngoài lề
Trong gần 3 thập kỷ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, các chính sách của nhà nước, chủ yếu tập trung vào phát triển công nghiệp, đã làm cho ngành nông nghiệp phải “tự bơi”, chưa kể nhiều chính sách ưu tiên công nghiệp đã có tác động tiêu cực đến nông nghiệp như đất đai, thị trường vật tư nông nghiệp, và xuất nhập khẩu nông sản. Trong quá trình đó, nông dân, nông nghiệp và nông thôn đã đối mặt với những bất bình đẳng về cơ hội, nguồn lực đầu tư và vị thế trong nền kinh tế, xã hội và chính trị quốc gia. “Hết nghề mới đi làm nông dân” trở thành tư tưởng phổ biến, coi nông nghiệp là yếu kém, lạc hậu và nghèo khổ. Chính vì vậy, diễn ra hiện tượng thanh niên ly nông, lên thành phố kiếm việc, chỉ còn người trung niên và phụ nữ ở lại nông thôn.
Tư duy quản lý kinh tế phong trào làm hại nông dân
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã vận hành theo cơ chế thị trường nhưng tư duy quản lý nhà nước vẫn theo kiểu cũ, tư duy kế hoạch hóa tập trung về “trồng cây gì, nuôi con gì”. Nhiều kế hoạch, chương trình/dự án phát triển của nhà nước vẫn tập trung vào mục tiêu kích cung, mà không tính tới nhu cầu của thị trường. Các địa phương còn lấy đó làm cơ sở để huy động hệ thống chính trị cũng như các đoàn thể vận động người dân tham gia sản xuất theo phong trào. Chính do sự vận động của hệ thống chính trị làm người dân không có được thông tin thị trường chính xác, dẫn đến việc sản xuất ồ ạt, cung vượt cầu, đầu ra không có, và nông dân là người chịu thiệt trực tiếp và trước tiên. Cán bộ nhà nước thì không bị ảnh hưởng gì, vì họ vẫn được lĩnh lương đều đều từ tiền thuế của nhân dân.
Cấu trúc thị trường nông sản bóp nghẹt nông dân
Nghiêm trọng hơn là việc nông dân bị kẹt cứng ở hai đầu, cả thị trường đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi…), lẫn thị trường sản phẩm đầu ra. Ví dụ, trong thị trường gia súc, các công ty nước ngoài kiểm soát đầu vào thức ăn gia súc và đầu ra cho thị trường, chính vì vậy họ quyết định lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi thị trường, và phần thiệt thường rơi vào các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ nhỏ vì họ luôn ở thế yếu. Trong ngành lúa gạo, các tổng công ty lớn được cấp phép xuất khẩu nắm đầu ra, nên họ có thể áp giá thu mua lúa gạo gây thiệt hại cho thu nhập của nông dân trồng lúa. Điều này làm cho người dân bỏ ruộng, không mặn mà mới việc đầu tư vào công nghệ cũng như đổi mới sản xuất vì họ không tự quyết định được lợi nhuận cho mình.
Tổ chức nông dân yếu
Về cơ bản, nông hộ quy mô nhỏ có khả năng tự sản xuất kinh doanh để tồn tại, nhưng để phát triển họ cần phải liên kết để tạo môi trường thuận lợi về đất đai, vốn, công nghệ, thị trường, đào tạo và tư vấn. Tuy nhiên, các chính sách của nhà nước chưa tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân tổ chức sản xuất, và doanh nghiệp tìm thấy lợi ích trong việc liên kết với nông dân. Bên cạnh việc thiếu tổ chức để sản xuất, kinh doanh, người nông dân còn thiếu tổ chức để bảo vệ quyền lợi chính trị của mình. Họ không có các tổ chức tự nguyện, độc lập có đủ năng lực để tiếp nhận và triển khai các chính sách của nhà nước cho nông dân. Trên thực tế, các tổ chức dân sự của nông dân phát triển rất yếu ớt, điều này không những tạo thế bất lợi cho người nông dân trong đàm phán chính trị, mà còn thiếu không gian để nông dân tự giải quyết vấn đề, giảm bức xúc và xung đột gay gắt trong nông thôn.
Chính sách cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn còn là “lời hứa”
Hiện có một số chủ trương chính sách lớn đã và đang được chuẩn bị triển khai hoặc hiệu chỉnh, liên quan đến nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Đó là (i) Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; (ii) Chương trình nông thôn mới; (iii) Liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nước); (iv) Luật hợp tác xã; và (v) các chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, các chương trình lớn này chưa có ý nghĩa tổng thể, chưa mang lại những thay đổi đột phá cho nông dân. Nhiều chương trình chính sách mang tính hình thức, thiếu nguồn lực để triển khai.
Bên cạnh đó, người nông dân đang phải gánh nhiệm vụ chính trị đảm bảo an ninh lương thực. Do tập trung quá nhiều vào cách tiếp cận theo kiểu cũ đề đảm bảo nguồn cung sẵn có trong nước về lương thực nên nhà nước đã ra pháp lệnh duy trì 3,8 triệu ha đất lúa, kể cả khi sản xuất lúa không hiệu quả và có giá trị thấp. Thêm vào đó, ngành thu mua nông sản, đặc biệt là lúa gạo vẫn do một số công ty lớn của nhà nước độc quyền vì chính phủ tin rằng việc nhà nước kiểm soát trực tiếp thị trường lúa gạo sẽ đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, nếu hệ thống này điều hành không dựa trên lợi ích đầy đủ của nông dân, như vụ việc dừng xuất khẩu năm 2008, về lâu dài sẽ dẫn đến việc nông dân bỏ ruộng hàng loạt, gây lãng phí nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia.
Việt Nam cần phải làm gì?
Để phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng, Việt Nam cần phải tái cơ cấu tư duy về nông nghiệp của mình. Phải xóa bỏ tư tưởng coi nông dân, nông nghiệp là thấp kém, và coi phát triển nông thôn chỉ là xóa đói giảm nghèo. Phải tập trung vào việc “phát triển và làm giàu” ở nông thôn, lấy nền tảng là nông nghiệp và phục vụ cho lợi ích của người nông dân. Coi nông nghiệp là động lực cho tăng trưởng và xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Điều này đòi hỏi thay đổi nền tảng trong chiến lược phát triển quốc gia, theo đó cần đặt nông nghiệp vào vị trí trung tâm, và công nghiệp và dịch vụ cần đi theo để hỗ trợ nông nghiệp.
Cần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tái phân bổ lại nguồn lực đầu tư, cũng như quan hệ quyền lực giữa các bên liên quan theo hướng công bằng hơn với nông nghiệp. Đã đến lúc cần phải giảm vai trò của nhà nước trong sản xuất nông nghiệp, không can thiệp vào việc sản xuất theo phong trào, bỏ vai trò độc quyền trong sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản. Nhà nước nên tập trung quyền lực của mình vào việc đảm bảo môi trường pháp lý để thị trường được vận hành tốt tránh độc quyền, tạo khung pháp lý để tổ chức nông dân được hình thành và hoạt động độc lập, và tạo môi trường phối hợp giữa các thành phần kinh tế khác nhau trong cung cấp dịch vụ công cho nông dân.
Trong khủng hoảng sẽ hé những cơ hội, và khủng hoảng kinh tế xã hội hiện nay của Việt Nam đã mang lại cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, với nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng. Trong chương trình làm việc của chính phủ, tái cơ cấu nông nghiệp đã là một trong hai ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới, bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ thành công nếu Việt Nam coi nông nghiệp là thế mạnh, lấy quyền lợi của nông dân cũng như hiệu quả chung của nền nông nghiệp làm trọng, phá bỏ lợi ích nhóm và thế độc quyền trong các ngành hàng nông nghiệp.
Bài liên quan
Bài liên quan
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us