Rémi Camus (29 tuổi), người Pháp, đã bơi dọc sông Mekong (tổng quãng đường 4.400 km) qua 5 quốc gia, ăn bờ ngủ bụi cạnh những bờ sông, để cảm nhận vẻ đẹp kì diệu của dòng Mekong và kêu gọi cộng đồng chú ý đến nhu cầu sử dụng nước an toàn của cư dân nghèo bên cạnh dòng sông.
Rémi nói: “Tệ nhất là những ngày trên hoang mạc. Khi tôi chạy và mãi không có nơi xin nước, có lúc tôi đã phải tiểu vào chai và uống chính nước tiểu của mình. Thật kinh khủng. Vậy những con người sống ở nơi thiếu nước sạch như thế sẽ ra sao?”. Và Rémi cùng 4 người bạn bắt tay vào “độ” lại một chiếc xuồng riverboard cho chuyến đi dự định kéo dài 4 tháng của Rémi.
Một ngày tháng 10.2013. Rémi mang theo chiếc xuồng của mình đến Tây Tạng. Đến đúng đoạn thượng nguồn Mekong anh đã tìm được, Rémi thả chiếc xuồng xuống sông, nhảy xuống và bơi đi. Chiếc xuồng của Rémi có trang bị một máy ảnh để anh có thể chụp ảnh quãng đường khi đang bơi. Trên mặt xuồng là pin mặt trời, để anh có thể tự sạc pin cho các thiết bị như máy ảnh, máy tính. Tất cả hành lí, điện thoại, laptop đều được anh gói trong một balô chống vô nước và đeo trên vai khi đang bơi.
Chuyến đi bằng chiếc xuồng này đã biến anh thành người thứ 2 trên thế giới chinh phục một dòng sông dài bằng xuồng riverboard. Người đầu tiên là Mike Horn đã dùng cùng loại xuồng này đi hết dòng sông Amazon.
Thiết bị GPS là vật bất li thân của Rémi. Anh dùng thiết bị này để biết tốc độ mình đi, dự đoán nơi sắp đến, xem bản đồ dòng chảy và chọn luồng bơi để có thể đi nhanh hơn.
Hầu hết thời gian ở Trung Quốc, Rémi bơi giữa lòng núi, vì sông Mekong (ở TQ tên là Lan Thương) chảy giữa núi cao, một mình một thuyền giữa thiên nhiên không bóng người. Anh dừng lại khi mệt ở bất cứ bờ sông nào và mắc võng ngủ qua đêm.
“Có đêm, tôi đã đốt đống lửa to nhất trong đời mình ở bờ sông. Thật tuyệt!” – Rémi nhớ lại.
Trên đường đi, không phải lúc nào anh cũng ở trên thuyền. Khi đến các con đập thủy điện chắn ngang sông, anh phải thuê xe kéo chở cả mình và xuồng đi xuống quãng dưới, thả xuồng và tiếp tục bơi
“Nước sông Mekong ở Lào như luôn đứng đọng lại. Tôi phải bơi cật lực hơn”. Những ngày ở Lào của Rémi là quãng thời gian khó khăn.
Rémi tại thủy điện Xayaburi.
Khó khăn lớn nhất là bàn chân anh bắt đầu sưng lên, đau nhức mỗi khi đạp chân vịt trong nước. Rémi phải tháo bỏ một chân vịt, để một chân cứng đơ không cử động và dồn toàn bộ sức lực vào chân kia. Từ Pakse (Lào), vết thương trở nặng và sưng phồng.
Vì quá đau, mỏi mệt và gần như mất hi vọng với chuyến đi, từ Si Phan Don (Lào), Rémi bơi hẳn một mạch 28 giờ liên tiếp đến Campuchia. Anh nói: “Tôi quá đau, mệt mỏi. Và người bạn tên Josh của tôi nói sẽ đợi tôi ở Campuchia. Tôi nghĩ mình phải đi thật nhanh để nghỉ ngơi. Đó là chuyến bơi dài nhất từ đầu hành trình đến giờ. Tôi bơi được hơn 80 km để cuối cùng cũng được nghỉ 6 ngày trên bờ, chờ chân đỡ đau.
Một chiều, Rémi dừng chân trong một khu rừng ở biên giới Lào – Campuchia. “Chỉ có một mình tôi nơi này, không một bóng người”.
Tại Phnom Penh, Campuchia, khi thấy chân mình không thể khỏi nếu cứ tiếp tục xuống nước, Rémi quyết định không khám bác sĩ và bơi rời khỏi Campuchia. Hành trình ở đây với anh là những ngày dễ chịu, dòng sông yên ắng, người dân xung quanh hiền hòa và những món cá ngon tuyệt trên dòng Tonlé Sap.
Đến Việt Nam, Rémi phải đối mặt với một thách thức mới: triều cường. “Hôm ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, tôi bơi cật lực, đạp cật lực, lát sau nhìn lên GPS thấy mình mới đi được… 200m. Mọi người trên thuyền cười rất to và vẫy tôi vào bờ. Một anh đã nói tôi phải chờ nước xuống. Tôi đã hiểu, ở Việt Nam, dòng Mekong có thủy triều mỗi ngày.
Từ hôm đó, Rémi phải thay đổi chiến thuật. Anh xuống nước từ 12 giờ trưa, bơi đến 6 giờ tối, nghỉ một lúc, rồi bơi tiếp cả đêm đến gần 6 giờ sáng hôm sau. Cả buổi sáng anh tìm một chỗ trên bờ ngủ. Những ngày đầu mới đến Việt Nam, Rémi liên tục bị công an đưa về đồn, buộc anh phải thuê khách sạn ngủ chứ không được ngủ trên bờ sông. Và cứ thế, mỗi sáng anh lại phải tìm một xe ôm để chở chiếc xuồng của mình đến bờ sông và tiếp tục bơi. Trong ảnh là buổi chiều anh dừng tại Cái Bè, Tiền Giang để đi tìm một chỗ nghỉ.
“Từ đây đến biển chỉ còn 79 km. Tôi sẽ kết thúc, sẽ về TP.HCM, uống một trận đã đời và ngủ trên một chiếc giường cho ra hồn. Tôi sắp làm được. Chẳng còn gì quan trọng nữa!”.
Anh đến Việt Nam sau hơn 5 tháng dài bơi trên mặt nước và giờ đang đạp nước trên dòng Cửu Long, đếm ngày ra tới biển Đông.
Thanh niên
2014-04-12 00:49:05