Ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT MSB cho biết, việc này sẽ tạo điều kiện cho MSB thành lập hoặc mua lại công ty tài chính để phát triển mảng cho vay tiêu dùng một cách chuyên biệt.
Như vậy, sau HDBank và SHB, dường như MSB cũng muốn tham gia vào làn sóng ngân hàng thâu tóm hoặc thành lập công ty tài chính, công ty tiêu dùng.
Hiện Maritime Bank chưa công bố sẽ thành lập hay sáp nhập một công ty tài chính hiện có. Song theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, rất có khả năng MSB sẽ sáp nhập Công ty Tài chính Dệt may (thuộc Tập đoàn Vinatex).
Theo thông tin mà Công ty tài chính Dệt may công bố, MSB đang nắm giữ 11% vốn điều lệ của Công ty Tài chính Dệt may, chỉ đứng sau Vinatex (64,1% vốn điều lệ). Hiện đại diện của MSB có mặt trong cả HĐQT lẫn Ban Kiểm soát của Công ty Tài chính dệt may.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Chính phủ, từ nay đến năm 2015, Vinatex phải thoái toàn bộ vốn ra khỏi Công ty tài chính Dệt may, khả năng Maritime Bank mua lại phần vốn này không phải là không có cơ sở.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn,, đại diện MSB cho hay, trước mắt, MSB sẽ tập trung vào việc sáp nhập Ngân hàng phát triển Mê Kông theo chủ trương được ĐHCĐ hai bên nhất trí thông qua. Việc thành lập công ty tiêu dùng hay sáp nhập công ty tài chính thì sẽ được tiến hành sau, với mục đích giúp MSB phát triển thị trường bán lẻ và hướng tới mô hình tập đoàn. Đại diện MSB cũng không khẳng định hay phủ nhận việc Tài chính dệt may có phải là đối tác sáp nhập của MSB hay không.