ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
“Lớp trẻ thiếu khả năng nhận diện hạnh phúc”
Sunday, April 20, 2014 10:29
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


“Hạnh phúc không có mẫu số chung, không có tiêu chuẩn, không có quy tắc. Có những sai lầm khi người ta lấy tiêu chí hạnh phúc kiểu như thành đạt trong xã hội, gia đình có vợ đẹp, con khôn, tài khoản kếch xù…dẫn đến chết vì cái đó. Bởi khi không có được, thì sẽ lấy làm đau khổ, tuyệt vọng.”
B4INREMOTE-aHR0cDovLzEuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1vQ3lZVGJ0WDBTay9VMDBLWFNzWGxCSS9BQUFBQUFBQU16SS9ya2E5X2pFUzlTSS9zMTYwMC9UcnVvbmdfQ2hpX1Rob25nX0xvcF90cmVfa2hhX25hbmdfbmhhbl9kaWVuX2hhbmhfcGh1Yy5qcGc=
BÁC SĨ TRƯƠNG CHÍ THÔNG, GIÁM ĐỐC
TRUNG TÂM ỨNG DỤNG TÂM LÝ TPHCM


Cách đây 10 năm, bác sĩ Trương Chí Thông từng gây sốc với câu tuyên bố nổi tiếng: “Đạo đức hay là bao cao su”.
Bởi lẽ, ngay từ thời đó, ông đã chỉ ra rằng, nếu chỉ ngồi rao giảng đạo đức thì không thể nào cứu nổi một bộ phận lớp trẻ thiếu kiến thức và kỹ năng sống đang phải vật lộn với căn bệnh HIV hay đối mặt với tình trạng nạo phá thai ở VN đáng ở mức báo động. Hành động thiết thực hơn cả là trang bị cho họ không chỉ sự hiểu biết mà còn cả hành trang tối thiểu để bảo vệ mình.

Cho đến nay, ông lại đăng đàn tại Cung Văn hoá Lao động TPHCM với chuyên đề khiến nhiều người ngạc nhiên và thích thú: “Nhận diện hạnh phúc cá nhân”. Theo bác sĩ Trương Chí Thông, có một lớp cha mẹ đã không nhận diện được hạnh phúc của chính mình, dẫn đến việc họ không thể giáo dục con em mình biết nhận diện hạnh phúc bản thân, khiến vài thế hệ lạc lối trong đời.
Quan trọng hơn nữa, cần thiết nhìn lại lỗ hổng giáo dục đã gây ra tình trạng con người chỉ biết chạy theo cái mà người khác cho là hạnh phúc, mà không quý trọng bản thân, thể xác và tinh thần, dẫn đến những chấn thương tâm lý cũng như bị cuốn vào những tệ nạn xã hội, hay “cơn lốc xoáy” bạo lực học đường đang hoành hành.
Vì sao ông nhấn mạnh cần giáo dục cho lớp trẻ khả năng nhận diện hạnh phúc cá nhân ngay từ bây giờ?
- Đây là vấn đề đặc biệt đối với lớp trẻ và điều cần thiết là chúng ta phải giáo dục kỹ năng này cho các em. Khi đã nhận diện được hạnh phúc, các em sẽ đạt đến những trình độ, những suy nghĩ, hành vi tích cực, chín chắn. Trên cơ sở đó, bản thân các em mới thấy được giá trị của thể xác và tinh thần trong mỗi con người. Biết trân trọng thì mới có cách ứng xử đúng với bản thân và cộng đồng.
Tại sao phải nhận diện hạnh phúc cá nhân, cũng như phải xây dựng bản thân tích cực hơn? Khoa học tâm lý cho thấy có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình nhận diện hạnh phúc: Tri giác, thị giác, khứu giác, thính giác… Thông qua tri giác (suy nghĩ), ta giáo dục những điều đúng, điều tốt, lẽ phải, tính nhân văn, cùng những giá trị tri thức, giá trị về tâm lý. Khi tâm trí suy nghĩ đến những điều tốt đẹp thì tạo ra những cảm xúc tích cực, con người sẽ có những hành vi tích cực.
Điều này cũng có những tác động nhất định đến môi trường sống, khiến môi trường tốt hơn lên. Ví dụ, một người sinh ra đủ chân đủ tay, có mắt sáng, tai nghe, khi tiếp xúc với một người đồng trang lứa, đồng giới mà bị tàn tật, đui mù…thì anh ta sẽ cảm thấy mình còn may mắn hơn người đó rất nhiều, từ đó nhận thức được giá trị thân xác của mình. Thị giác cho người bình thường thấy giá trị của việc có được đôi mắt để nhìn thấy thế giới bên ngoài, cảm nhận được hạnh phúc từ bên ngoài, hơn là những người phải sống trong bóng tối.
Trên đây là những cơ sở khoa học về tâm lý, để chỉ ra rằng khi người ta biết mình hạnh phúc hơn người khác chỗ nào, họ sẽ biết ý thức giữ gìn đôi mắt, cái đầu, sẽ giảm thiểu những hành vi xúc phạm, xâm hại, tấn công, giết người…
Phải chăng hiện đang có nhận thức lệch lạc về lối sống cũng như hạnh phúc thời hiện đại?
- Đúng vậy. Thực tế đang xảy ra tình trạng chính vì không nhận diện được hạnh phúc cá nhân mà nhiều người tự hủy hoại thể xác, họ luôn nhìn thấy thứ hạnh phúc của kẻ khác, trông đợi và chạy theo hạnh phúc của người khác, từ mong ước có làn da, dáng hình đẹp, lấy chồng ngoại cho đến quan niệm thành đạt là giàu có. Thế nên khi không đạt được sẽ nảy sinh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
Vậy cũng cần làm rõ định nghĩa của nhà tâm lý học về hạnh phúc?
- Theo định nghĩa của một cuốn từ điển tiếng Việt, thì hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được những ý muốn. Từ góc độ tâm lý học, hạnh phúc là sự cảm nhận của mỗi con người thông qua những giác quan. Nghe được bản nhạc hay, đi vào chiều sâu tâm hồn, hay ngắm bức tranh đẹp đã là hạnh phúc.

Hạnh phúc không có mẫu số chung, không có tiêu chuẩn, không có quy tắc. Có những sai lầm khi người ta lấy tiêu chí hạnh phúc kiểu như thành đạt trong xã hội, gia đình có vợ đẹp, con khôn, tài khoản kếch xù…dẫn đến chết vì cái đó. Bởi khi không có được, thì sẽ lấy làm đau khổ, tuyệt vọng.

Để thanh niên có kỹ năng, bản lĩnh, đủ hành lý vào đời, việc đầu tiên là giúp họ xác định được hạnh phúc cá nhân. Con người phải biết thích nghi, đối diện, và chấp nhận. Ba yếu tố này không có cái nào là thứ yếu. Đối diện những áp lực xã hội, biết thích nghi và chấp nhận sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Còn không, sẽ dẫn đến tình trạng stress, shock, trượt dần trong tệ nạn xã hội, tâm lý hưởng thụ ăn chơi và nhiều vòng luẩn quẩn, có những hành vi huỷ hoại bản thân, tấn công người khác…
Như trường hợp đánh hội đồng bạn học, phe phái, những mốt sống xa rời thực tế, truyền thống dân tộc… Họ không biết tài sản lớn nhất chính là con người mình. Sở dĩ như thế, là vì lớp trẻ đa số không đủ khả năng nhận diện được hạnh phúc bản thân.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Không có con đường nào đưa đến hạnh phúc cả, vì hạnh phúc đích thực chỉ là biết cách sống”. Ông nghĩ sao về sự gặp nhau giữa quan điểm của Thiền và tâm lý học.
- Cần phân biệt rõ một điều là thông điệp của Thiền dù tích cực, nhưng đôi khi vẫn mang một tính chất an phận, dung hoà nhiều quá. Nếu nhận thức không đầy đủ, sẽ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ của một quốc gia. Vì sao cũng là kỹ sư, nhưng kỹ sư nước ngoài lại chê kỹ sư ta là bị động, thiếu bản lĩnh? Khoa học tâm lý giúp cho con người nhận diện bản thân, trang bị kỹ năng sống và bản lĩnh sống để họ không chỉ thích nghi, mà còn biết đối diện và biết chấp nhận cuộc sống. Mà ở ta, vẫn còn tâm lý xem nhẹ bộ môn tâm lý học nói chung và khoa học nói riêng.
Vậy theo ông, cốt lõi của việc thiếu kỹ năng sống là từ lỗ hổng giáo dục của cha mẹ, nhà trường hay chính là sự suy thoái đạo đức của xã hội?
- Thì đây, vấn đề là ở chỗ, chính cha mẹ, người thân không lý giải được ý nghĩa hạnh phúc cho mình, nên không biết cách giáo dục con cái. Đây cũng là lỗ hổng lớn trong giáo dục từ nhiều thế hệ. Theo tôi, đạo đức là một phạm trù không định tính, không định lượng.
Tại sao chúng ta không giáo dục học sinh cách nhận diện hạnh phúc, bằng cách đưa bọn trẻ đến bệnh viện ung bướu hay trung tâm nuôi dưỡng người bại liệt, tâm thần, để chứng kiến cảnh những người bị tan rã về tâm trí đang chịu khổ ra sao, từ đó nhận ra vì sao mình không trân trọng, bảo vệ thứ tài sản lớn nhất của cuộc đời, mà lao vào con đường xì ke, ma tuý?

Cũng nên đưa học sinh ra đài liệt sĩ, để các em đọc trên bia mộ những tên tuổi người lính hy sinh cho độc lập khi còn rất trẻ, ở tuổi 20. Một khi các em hiểu ra, trân trọng hạnh phúc bản thân, biết được giá trị thực của một con người, sẽ không làm gì xâm hại đến người khác.

Tôi xin đưa ra một công thức: Chỉ số hạnh phúc = mức độ thoả mãn trên tham vọng (lòng tham không đáy). Tham vọng càng giảm thì hạnh phúc càng tăng và ngược lại, tham vọng càng tăng thì hạnh phúc càng giảm, dẫn đến bất hạnh, đau khổ càng nhiều.
Mới đây nhất, một tiến sĩ ở đại học y khoa Havard (Mỹ), giám đốc các chương trình quốc tế phối hợp với TT Ung bướu mời tôi tham gia khoá huấn luyện các tình nguyện viên để có những kỹ năng sống cơ bản, khi đó họ mới có sức thu phục, chia sẻ với người khác. Lâu nay, giáo dục đạo đức ở nhà trường vẫn khô cứng và thiếu thực tế.
Tình hình bạo lực học đường, bạo lực gia đình, dẫn đến bạo lực xã hội đang gia tăng, phải chăng từ cách nhìn lệch lạc về tâm lý và giáo dục đó mà ra, thưa ông?
- Đúng vậy. Trong gia đình bạo lực, các em sinh ra và lớn lên bị tổn thương, cộng thêm tâm lý bị khủng bố vì chứng kiến cảnh chính bố mẹ cũng bị ông, bà làm tổn thương (bằng lời nói, bằng tay chân), dẫn đến hình thành một nhân cách bạo lực. Xã hội gia tăng bạo lực, vì người ta không nhận diện được bản thân, phải thương mình, rồi mới đến thương những người xung quanh.
Anh có một sức khoẻ tốt, một tinh thần tốt, thì sản phẩm anh làm ra cho cộng đồng mới tốt. Một người bị trầm cảm, bạo lực, thì thử hỏi có thể dạy dỗ ai? Trong gia đình cũng vậy, anh vui vẻ thì cho ra trái ngọt, còn anh không vui, thì cho con toàn trái đắng. Ngoài xã hội tương tự: Người giám đốc, người lãnh đạo, nếu bị trầm cảm, lo lắng thì sẽ lãnh đạo nhân viên theo xu hướng tiêu cực. Buổi chiều đi làm về, nhìn gương mặt người nào cũng hầm hầm, mệt mỏi vì kẹt xe thì còn gì là vui nữa?
Môn tâm lý học quan trọng là thế, vậy tại sao trong xã hội ngày nay, việc ứng dụng bộ môn này vẫn chưa được xem trọng?
- Thử hình dung cái cây phả hệ, cây tư duy của Tony Buzan. Cây có nhiều nhánh, nhưng lại không có gốc. Các nhánh là: Bệnh lý tâm thần, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng nhân cách con người, xung đột… Chưa giải quyết tận gốc, người ta đã la lên, nào là quan hệ đồng tính, HIV, ma túy, tệ nạn. Nhưng nếu không nhận diện được vấn đề, để giải quyết và ngăn chặn những căn bệnh lây lan, thì có thể, chúng ta hoàn toàn thua.
Con người, một khi không có giáo dục thì phần “con” phát triển, chỉ có giáo dục mới làm nền tảng đẩy người ta lên “người”. Như thế mới bảo vệ được sự văn minh. Còn nếu nói, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo một phần vì trong thời đại này thiếu vắng tình thương, đó chỉ là phần lá mà thôi. Cái gốc vẫn là thiếu giáo dục nền tảng. Nói như Giáo sư Hoàng Tụy, chúng ta mới chỉ biết dạy những con người ngoan ngoãn, biết vâng lời thôi. Con người thời nay cần được trang bị kỹ năng, khả năng thích ứng cuộc sống và những hiểu biết cơ bản khác.
Hằng năm, ti lệ người tự tử hay mắc bệnh tâm thần tăng cao, nhất là ở một đô thị chịu nhiều áp lực tinh thần như TPHCM (16,1% mắc bệnh tâm thần – số liệu năm 2001). Ông từng nói rằng, nếu ai đó có ý định tự tử, đến gặp ông thì sẽ gạt bỏ ý định đó. Vậy ông làm gì với các ca này?
- Tôi sẽ đưa họ trở về với chính bản thân họ, biết nhận diện được hạnh phúc cá nhân, biết phải sống vì hạnh phúc đó. Lắng nghe để họ chia sẻ, để vượt qua bức tường lửa tinh thần. Ngoài ra, có những công cụ để giúp những người có ý định tự tử chế ngự được căn bệnh này, trên cơ sở tâm lý, chứ không trên cơ sở tôn giáo.
Mới đây, có một bà mẹ đưa con đến chữa bệnh. Cậu con trai là sinh viên năm thứ ba, học rất giỏi, nhưng lại có dấu hiệu tâm thần. Khi tiếp xúc, tôi hiểu ra rằng, chính trong thời nay, cha mẹ muốn hiểu con, dạy dỗ được con cái cũng cần phải cập nhật thông tin, phải thay đổi tư duy, không phải nghĩ theo thời mình là được. Bằng không, cách biệt giữa hai thế hệ vẫn không thể san lấp.
Đang là bác sĩ ngoại khoa, tại sao ông chuyển sang nghiên cứu tâm lý và tâm thần?
- Mỗi một con người là một cuộc đời đi truy tìm hạnh phúc là gì, cùng nhiều điều khác nữa, mình là ai, làm sao nhận diện chính bản thân mình? Hiện tại tôi có quá nhiều hạnh phúc, dù trong quá khứ tôi đã trải qua nhiều bất hạnh, vì một khi tôi hiểu được hạnh phúc là sự cảm nhận của mỗi con người, không có mẫu số chung, thì tôi chỉ muốn chia sẻ, làm những việc tâm đức, quan tâm đến những người thiệt thòi khác.
Xin cảm ơn bác sĩ.
BS Trương Chí Thông – chuyên khoa Tâm lý học, chuyên gia trị liệu tâm lý, tốt nghiệp Đại học Tâm lý thực hành Paris, làm Giám đốc TT Ứng dụng tâm lý học TPHCM từ 2007. Mục tiêu của TT là nâng cao chất lượng sống và hiệu quả lâu dài của nguồn nhân lực, hướng đến xây dựng kỹ năng sống và bản lĩnh sống cho thanh niên, học sinh hiện nay, phát hiện và định hướng nghề nghiệp-tài năng, cải thiện đời sống tinh thần cho CBCNVC…
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.