Ở thời điểm hiện tại, thông thường mạng WiFi chỉ đáp ứng nhu cầu cho một thiết bị, do đó khi nhiều thiết bị cùng kết nối vào, mạng WiFi sẽ phải hoạt động nhiều dẫn tới tốc độ chậm dần đi. Qualcomm cho biết: “Khi dùng mạng WiFi có nhiều thiết bị kết nối, việc truyền tải video hay chat webcam giống như lái xe ở giờ cao điểm: Cuối cùng bạn cũng về nhà, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian”.
Sau 7 năm nghiên cứu, Qualcomm đã tạo ra công nghệ cho phép mạng WiFi vừa truyền dữ liệu cho nhiều thiết bị kết nối, đồng thời có những thuật toán điều chỉnh phù hợp trong các tình huống sử dụng. Công nghệ này được gọi là MU – MIMO, viết tắt của multi user, multiple input, multiple output (nghĩa là đa người dùng, nhiều đầu vào, nhiều đầu ra).
Qualcomm có kế hoạch bán công nghệ MU – MIMO cho các công ty sản xuất chip WiFi, thiết bị định tuyến không dây, smartphone, tablet và nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng khác. Todd Antes – phó chủ tịch mảng quản lý sản phẩm của Qualcomm cho biết, khi thiết bị và mạng WiFi cùng sử dụng công nghệ MU – MIMO, tốc độ kết nối sẽ tăng lên từ hai đến ba lần. Còn nếu chỉ có mỗi mạng WiFi sử dụng công nghệ MU – MIMO, các thiết bị thông thường khi kết nối vào sẽ không có sự cải thiện tốc độ, tuy nhiên vẫn có thêm nhiều lợi ích khác.
Qualcomm so sánh: “Sử dụng MU – MIMO giống như tuyến đường cao tốc dành cho nhiều loại xe: Người dùng sẽ lái xe nhanh hơn thay vì gặp phải tình trạng ùn tắc như ở các tuyến đường khác”.
Qualcomm có kế hoạch giới thiệu công nghệ này trong vòng vài tháng tới, trước khi bắt đầu chuyển giao cho các công ty sản xuất vào đầu năm sau.