Những dòng nhật ký ngập tràn hạnh phúc và nước mắt của một cặp vợ chồng người Hàn gây xúc động mạnh.
Ngày con chào đời
Mẹ còn nhớ như in ngày con trai mẹ chào đời. Đó là một ngày tuyệt vời và hạnh phúc nhất cuộc đời mẹ.
Tối hôm ấy, như biết bao ông bố, bà mẹ đang ngóng chờ con trong những ngày cuối cùng của thai kỳ, mẹ và chồng ngồi soạn đồ sơ sinh cho con. “Phòng của bé nên sơn màu gì, có cần mua máy báo khóc không, bảng màu và sách tập đọc có rồi, cũi đã mua chưa, nên dùng nôi rung hay không dùng…” Bố mẹ đã có tất cả mọi thứ trong danh sách và hoàn toàn sẵn sàng để chào đón con yêu.
Như một cách thư giãn cuối ngày, bố mẹ quyết định bật tivi lên và xem một bộ phim yêu thích. Mẹ nhớ, lúc đó là 4 giờ sáng và bố mẹ đã xem xong tập cuối cùng của bộ phim. Bố nhanh chóng lên giường đi ngủ. Mẹ thầm nghĩ “Tự dưng mà mình vỡ ối bây giờ thì sao nhỉ?”. Đột nhiên, ‘pop’, mẹ thực sự nghe thấy tiếng nước vỡ. Mẹ sững người vì không tin được chuyện này lại có thể xảy ra. Mẹ vẫn còn 3 tuần nữa. Mẹ chưa sẵn sàng. Vậy nhưng nước ối bắt đầu chảy ra. Bố bật dậy khỏi giường và bố mẹ hoảng sợ chạy đến bệnh viện.
Máy đo cơn co của mẹ và nhịp tim của con khi mẹ mới vào viện.
Như người trong cơn mộng du, mẹ và bố lao vào phòng đẻ. Mẹ bắt đầu được khám lúc 5:15, cổ tử cung đã mở được vài cm. Mẹ bắt đầu gọi điện thoại cho gia đình và người thân, bố thì đã lên facebook thông báo với bạn bè. Thời khắc sinh con đã chính thức đến, vậy nhưng mẹ vẫn thấy như mình đang mơ.
Mẹ bắt đầu đi xung quanh bệnh viện, trong lúc đấy, tử cung của mẹ cũng mở thêm 3cm chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ. Mẹ đã từng nghe kể có những bà bầu đau đẻ rất lâu, một ngày, hai ngày….Chính vì vậy, bố mẹ đã chuẩn bị sách báo, câu đố và cả đĩa DVD phim để phòng trường hợp mẹ đau đẻ lâu trong bệnh viện. Vậy nhưng thời gian trôi qua nhanh hơn dự kiến.
Bố mẹ thậm chí đã mang cả ipad vào viện trong lúc chờ con yêu chào đời.
Nếu con hỏi các cơn đau đẻ cảm giác như thế nào? Mẹ có thể trả lời, nó như ăn phải một cái gì đó rất khủng khiếp và muốn chạy vào nhà vệ sinh, vậy nhưng mẹ không thể và phải giữ nó lại.
Khi những cơn co thắt càng ngày càng đau đớn, mẹ lại càng khao khát được gặp con yêu.
Ông bà bắt đầu vào đến viện, ngồi với nhau và cùng cầu nguyện cho mọi việc được suôn sẻ, cầu trời ban tặng bố mẹ một bé trai khỏe mạnh.
Sau gần 8 tiếng đau đẻ, mẹ bắt đầu không thể chịu đựng được nữa. Nó không chỉ là đau đớn mà còn là kiệt sức. Mẹ cố gắng chịu đau đến khi nào có thể mà không sử dụng thuốc trợ giúp. Tuy nhiên, khi tử cung mở được 6 cm, mẹ đành phải dùng gây tê ngoài màng cứng.
Quá trình gây tê ngoài màng cứng thật khủng khiếp. Mẹ đau đớn khi các cơn co kéo đến nhưng lại phải nằm im để bác sỹ chọc đúng ống tiêm vào người. Vì biết mẹ sợ tiêm, bố đã phải lấy tay ép chặt mẹ và cố hỏi những câu hỏi nhằm đánh lạc hướng. Vậy nhưng mẹ vẫn biết, và mẹ hét lên đau đớn khi mũi tiêm chạm vào người.
Cảm giác sau đó thì khá thoải mái, mẹ cảm thấy những cơn đau giảm hẳn. Mẹ thiếp đi trong cơn mệt mỏi.
Nhờ tác dụng giảm đau của mũi tiêm, mẹ đã có thể chợp mắt một lúc.
3 tiếng sau tỉnh dậy, mẹ mới biết thuốc gây tê ngoài màng cứng đã làm kéo dài thời gian đau đẻ. Mẹ được đưa lên bàn đẻ và bắt đầu được yêu cầu rặn. Bố nắm chặt tay mẹ và nhìn mẹ vớt ánh mắt đầy khích lệ.
Sau 6 lần rặn, mẹ nghe thấy tiếng bố kêu “Đã thấy đầu con rồi”. Mẹ gần như đã cảm nhận được sự hiện diện của con. Vậy nhưng sau đó, nữ hộ sinh lại bảo mẹ “Chờ đã! Bác sỹ đang bận đỡ đẻ cho một ca khác. Chị hãy giữ nguyên đấy và đừng rặn nữa”.
Vậy là một tình huống thật buồn cười đã xảy ra. Mẹ nằm đó, bất động gần 20 phút với một phần của con sắp sửa muốn chui ra.
Khi cánh cửa mở, mọi người đều reo lên vì bác sỹ đã đến. Cuối cùng thì khoảnh khắc trọng đại đã xảy ra. Mẹ nghe tiếng mọi người hét lên trong hạnh phúc. Không có từ nào có thể mô tả giây phút đầu tiên mẹ nhìn thấy con. Đó là khoảng khắc thiêng liêng, là khi trong mẹ nảy sinh một tình mẫu tử tuyệt diệu. Khi mẹ nhìn con, mẹ như không thể tin được con chính là con của mẹ. Con tím tái, người dính đầy máu và chất gây. Bố và mẹ đã đồng ý rằng, con là điều đẹp đẽ nhất và cũng “xấu xí” nhất bố mẹ từng thấy.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời mẹ là khi con chào đời.
Các bác sỹ tiến hành cắt dây rốn cho con.
Mẹ nhớ mình đã từng do dự có nên ôm con trước khi con được vệ sinh không. Nhưng mẹ vui vì mình đã quyết định để các bác sỹ đưa con lại gần mẹ. Mẹ không thể tin được. Không thể tin đây là cậu bé đã đạp trong bụng mẹ hàng ngày, là người đã phản ứng và trườn bò mỗi khi mẹ xoa bụng để nói chuyện với con.
Con là kết tinh tình yêu của bố mẹ.
Mẹ không thể ngăn được nước mắt khi lần đầu nhìn thấy con.
Bố mẹ không ngừng cám ơn trời vì đã cho con được sinh ra lành lặn.
Mọi thứ sau đó như nhòe đi. Mẹ bị rách vùng kín và vết rách khá to. Các bác sỹ đã phải mất 30 phút để khâu lại. Mẹ mất rất nhiều máu và bị ngất đi trong khoảng một tiếng sau đó. Bố đã rất lo lắng và điên cuồng khi nghĩ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. May mắn là mẹ đã không sao.
Nghi ngờ con mắc hội chứng Down
Quãng thời gian con phải nằm chiếu đèn vì vàng da.
Đêm hôm đó, mặc dù thiếu ngủ, bố mẹ vẫn dành toàn bộ thời gian tỉnh táo để chăm con, yêu thương và ghi lại mọi khoảnh khắc tuyệt vời của con yêu. Tuy nhiên, đến rạng sáng, có 6 nhân viên y tế vào phòng của mẹ. Một bác sỹ kéo ghế ngồi xuống bên cạnh mẹ vào nói: “Chúng tôi lo ngại đứa trẻ đang có dấu hiệu của hội chứng Down”.
Bố mẹ hoàn toàn bị sốc. Không một ai trong gia đình chúng ta bị down. Các bác sỹ đã hỏi bố mẹ có từng làm bất kỳ xét nghiệm di truyền hoặc kiểm tra trong khi mang thai chưa. Mẹ nghĩ câu hỏi đó thật buồn cười. Cho dù bố mẹ có làm hay không, nó cũng không thay đổi quyết định sinh con của bố mẹ. Mẹ không làm bất cứ cuộc xét nghiệm nào vì mẹ biết quá nhiều người đã làm, họ nhận kết quả dương tính và phải chịu sự căng thẳng trong suốt 9 tháng thai kỳ nhưng cuối cùng lại chẳng làm sao. Chính vì vậy, mẹ đã quyết định, con là một món quà và con sẽ được sinh ra, bố mẹ sẽ yêu con bất kể mọi chuyện như thế nào.
Vậy nhưng khi bác sỹ rời khỏi phòng, bố mẹ vẫn chưa hết bàng hoàng. Một y tá đến chăm con và mẹ đã hỏi cô ấy, con có dấu hiệu gì của trẻ bị Down. Sau đó, cô y tá tiến đến phía con, bế con lên và tiến hành kiếm tra. Cô nói con có dấu hiệu của bệnh Down. Khi cô chỉ vào từng đặc điểm, mẹ lại thấy trái tim mẹ mỗi lần như một lần tan vỡ. Khi cô y tá rời khỏi phòng, mẹ đã không ngừng khóc. Bố bảo mẹ hãy ngủ một giấc.
Khi tỉnh dậy, mẹ đã chứng kiến khoảnh khắc thứ hai khiến mẹ nhớ mãi trong đời. Đó là buổi sáng sớm và bố đang bế con trên tay. Bố nói nhỏ “Tại sao lại như vậy? Cầu trời, đừng trừng phạt thiên thần nhỏ bé này. Hãy trừng phạt tôi, trút hết tất cả lên tôi và trả lại cho đứa trẻ một cuộc sống bình thường”.
Khi mẹ nhìn kỹ hơn, mẹ thấy bố đang khóc và dường như không thể kiểm soát được. Mẹ chưa từng bao giờ thấy bố khóc như vậy trước đây.
Sao ông trời lại có thể tàn ác với một thiên thần đáng yêu như con?
Về nhà
Khi bố mẹ đưa con về nhà, bố mẹ kể cho ông bà nghe những nghi ngờ của bác sỹ. Tuy nhiên, vẫn không ai muốn tin đó là sự thật. Bố mẹ có nhiều thành viên trong gia đình làm nghành y và họ khẳng định con không hề có dấu hiệu của bệnh Down. Đối với bố mẹ, con vẫn hoàn hảo.
Con là đứa con hoàn hảo của bố mẹ.
Một tuần sau đó, bố mẹ nhận được một cuộc điện thoại. Các bác sỹ muốn hẹn gặp để nói chuyện về tình trạng của con. Ngay sau khi trả lời cuộc gọi, trái tim mẹ như thắt lại, những giọt nước mắt bắt đầu rơi. Liệu sẽ là một tin tốt hay tin xấu? Bố điên cuồng tìm kiếm trên internet những lý do và giả thiết về bệnh Down và khả năng con không bị. Mọi thứ liệu có ổn không?
“Con trai của anh chị mắc hội chứng Down.”
Đó là tất cả những gì bố mẹ cần nghe nhưng… không bao giờ muốn. Mẹ gục ngã ngay trước mặt bác sỹ. Nó là sự thật rồi và bố mẹ không còn tia hy vọng nào khác.
Bố mẹ bắt đầu thông báo với họ hàng về tình trạng của con, bắt đầu học cách nuôi dạy một đứa trẻ bị Down, cách để làm những gì tốt nhất cho con yêu và cả cách kiểm soát cảm xúc của mình. Bảng màu cho con nhận biết, quyển sách để con bắt đầu đọc, đến khi nào con có thể giành giải toán của trường…tất cả đã không còn quan trọng. Những gì mẹ hy vọng bây giờ, là con có một cuộc sống bình thường, con sẽ được yêu, được có những đứa trẻ và được sống lâu hơn cả bố mẹ.
Bàn tay nhỏ xíu của con nắm lấy tay mẹ
Hôm nay, con trai mẹ đã gần 7 tuần tuổi, con đã có thể nghe, có thể ăn và vẫn đang phát triển khỏe mạnh. Đó sẽ còn là cả một chặng đường dài phía trước. Nhưng với bố mẹ, con vẫn luôn là đứa trẻ hoàn hào nhất.
Con nằm trong lòng bố
Cám ơn con vì đã đến với cuộc đời.
2014-03-21 17:08:46
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/roi-le-nhat-ky-sinh-con-bi-down-cua-me-han-c85a173474.html