Quả bom dài hơn 1,5 m, đường kính 30 cm, nặng khoảng 500 kg được người dân phát hiện tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ông chủ tịch xã cho biết quả bom nằm ngay khu tập trung đông dân cư, rất nguy hiểm. Thế nhưng, đã 10 ngày từ khi phát hiện cho đến nay, quả bom vẫn “trơ gan.
Quả bom này gợi nhớ đến hòn đá lạ được một người dân ở xã HBông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đào được trong ao nhà. Hay chuyện, đoàn cán bộ liên ngành huyện Chư Sê đã đến lập biên bản tịch thu hòn đá. Sau đó, cả nước đều biết đến câu chuyện hòn đá bị giam giữ như một sự kiện lạ đáng được ghi vào truyện “tiếu lâm toàn cầu” cho thiên hạ giải trí. Hòn đá vô tri này còn bị lôi ra tòa trong một vụ kiện hi hữu vào năm 2013. Lịch sử pháp đình đôi khi cũng có những phiên tòa kỳ cục đến vậy.
Rồi mới đây, một người dân ở Quảng Bình đi đánh cá phát hiện khúc gỗ sưa nặng chừng 2 tấn. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng của tỉnh có mặt trục vớt khúc gỗ tiền tỉ này. Ít khi chính quyền có mặt để xử lý việc dân, việc nước nhanh như vậy, kể cũng đáng để ghi nhận về sự năng động của các cơ quan tỉnh Quảng Bình.
Có điều gì rút ra từ những câu chuyện tưởng chừng như chẳng liên quan gì nhau vừa kể trên? Thấy cục đá có giá trị, chính quyền lập đoàn đến tịch thu ngay. Hay tin về khúc gỗ sưa tiền tỉ, các cơ quan chức năng triển khai trục vớt liền. Còn với quả bom chẳng có giá trị gì thì cho dù tính mạng người dân bị de dọa, 10 ngày cũng chẳng ai quan tâm xử lý.
Quả bom, khúc gỗ sưa và cục đá là đại diện cho nhiều thứ đang tồn tại trong xã hội liên quan đến trách nhiệm của chính quyền. Có nhiều vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra, dân gọi điện cầu cứu công an. Khi công an có mặt thì nạn nhân đã ở bệnh viện cấp cứu. Có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra, dân gọi PCCC. Khi lực lượng này “có mặt kịp thời” thì hiện trường đã bị thiêu trụi. Trước những vụ việc, tình huống khẩn cấp, nguy hiểm, tính sẵn sàng và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận thực thi công vụ chưa cao.
Dư luận vẫn còn phẫn nộ về vụ học sinh Lư Vĩnh Đạt (18 tuổi, học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 6, TP HCM) bị bắt cóc và giết chết. Theo gia đình nạn nhân, cái chết thương tâm này có nguyên nhân từ sự chậm trễ khi điều tra vụ việc từ thông tin báo án của họ. Cho đến nay, không ai chịu trách nhiệm đối với cái chết oan uổng của học sinh Lư Vĩnh Đạt.
Khắp nơi trên đất nước ta, trong xã hội ta luôn có những “quả bom” và “khúc gỗ sưa” tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và rất cần sự giải quyết kịp thời của những người thực thi công vụ. Đáng tiếc là “quả bom” dù nguy hiểm đến mấy vẫn không được xử lý nhanh chóng so với “khúc gỗ sưa”.
Nguồn: Báo NLD