Sơ đồ khái niệm về những gì có thể xảy ra từ thời Big Bang (vụ nổ lớn), hơn 13 tỷ năm trước cho đến ngày hôm nay. (Nhóm khoa học NASA / WMAP)
Vào hôm thứ Hai, một nhóm thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian công bố đã tìm ra bằng chứng cho sự giãn nở nhanh chóng của vật chất trong những khoảnh khắc đầu tiên sau vụ nổ Big Bang, tức là từ khoảng 14 tỉ năm trước.
Điều này được coi là phát hiện quan trọng, có thể mang lại giải Nobel nếu được xác thực đánh giá kỹ càng.
Giả thiết về sự giãn nở của vũ trụ cho rằng vật chất trong vũ trụ gia tăng theo cấp số nhân từ sau vụ nổ Big Bang – trong khoảnh khắc thứ nghìn tỷ đầu tiên của một phần nghìn tỷ của một phần nghìn tỷ giây, vũ trụ từ kích thước bằng một phần tỷ của một proton đã lớn bằng kích thước của một viên bi, và từ đó tiếp tục mở rộng.
Mặc dù giả thiết này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà vật lý thiên văn, nhưng khó mà tìm ra bằng chứng xác thực. Ý tưởng ở đây là, nếu một sự mở rộng như vậy xảy ra thì bằng chứng sẽ lưu lại dưới dạng gợn sóng in trên Nền Vi sóng Vũ trụ [Cosmic Microwave Background] (là một loại bức xạ chúng ta có thể quan sát được trong vũ trụ, được cho là sinh ra từ Big Bang, và được dùng để nghiên cứu sự phát triển của vũ trụ).
Nhóm này cho biết đã khám phá ra chính xác dấu vết cần tìm. Dữ liệu của nhóm này cũng chỉ ra những hình ảnh đầu tiên của các sóng hấp dẫn, hay là các gợn sóng trong thời-không (thời gian & không gian). Các sóng này từng được dự đoán trong thuyết tương đối của Albert Einstein, nhưng chúng chưa từng được quan sát thấy cho đến tận bây giờ.
John Kovac, phó giáo sư thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian cũng là người đứng đầu nhóm này, phát biểu trong một tuyên bố: “Việc dò ra tín hiệu này là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ngành vũ trụ học hiện nay.”
Năm 1922, Alexander Alexandrovich Friedmann cung cấp các tính toán mà qua đó thuyết Big Bang được thành lập. Năm 1979, Alan Harvey Guth đề xuất lý thuyết về sự giãn nở theo cấp số nhân. Guth cho rằng sự giãn nở của vũ trụ giống như là “cú đánh mạnh” (bang) trong từ Big Bang. Phát hiện mới này có thể là bước tiến lớn tiếp theo trong sự hiểu biết về nguồn gốc của vũ trụ.
Các gợn sóng trong thời-không được quan sát bởi kính thiên văn Bicep2 tại Nam Cực. Các gợn sóng này được cho là bằng chứng của việc mở rộng theo cấp số nhân vũ trụ trong những phần đầu của một giây sau vụ nổ Big Bang. (Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian)
Nguồn: Việt Đại Kỷ Nguyên