Nội dung nổi bật:
Quỹ Bill and Melinda Gates cho rằng thế giới ngày nay đã tươi đẹp hơn trước, nhưng nhiều người vẫn có những suy nghĩ sai lầm về đói nghèo:
(i) Nước nào nghèo thì mãi nghèo, đó là số phận: Không phải, đến năm 2035, gần như sẽ không còn nước nghèo nào trên thế giới.
(ii) Viện trợ nước ngoài là lãng phí: Không đúng, tỉ lệ tử vong ở trẻ em giảm, quốc gia có nền tảng để phát triển kinh tế lâu dài.
(iii) Cứu trợ sẽ khiến dân số bùng nổ: Trên thực tế, tỉ lệ tử vong giảm, tỉ lệ sinh cũng giảm theo.
Xét trên phần lớn các thước đo, nay thế giới đã tốt đẹp hơn nhiều. Trong vòng 25 năm qua, tình trạng nghèo đói giảm một nửa, tỉ lệ tử vong trẻ em cũng giảm mạnh, nhiều quốc gia vốn phải sống dựa vào viện trợ nay đã có thể tự cung tự cấp.
Nhưng tại sao nhiều người vẫn đang cho rằng cuộc sống ngày một xuống cấp? Đó là do ngộ nhận!
Ngộ nhận thứ nhất: Nước nào nghèo thì mãi nghèo, đó là số phận.
Thật ra không phải! Thu nhập và phúc lợi ở nhiều nơi, kể cả châu Phi đang tăng lên hàng năm. Tỉ như thành phố Mexico vào năm 1987, phần lớn các hộ không có nước máy, người dân phải đi bộ chân trần để múc nước bằng bình chẳng khác gì ở vùng nông thôn châu Phi. Nhưng ngày nay Mexico đã thay da đổi thịt, luôn kiêu hãnh với những tòa nhà cao tầng, không khí trong lành, cầu đường mới tinh và hiện đại. Sự thay đổi tương tự cũng đã hiện hữu tại nhiều thành phố khác trên thế giới như Nairobi, New Delhi, Thượng Hải…
Thời nay, bức tranh toàn cảnh đói nghèo toàn cầu đã được vẽ lại hoàn toàn. Thu nhập đầu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Chile đã bằng với mức của Hoa Kỳ năm 1960. Từ năm 1960, thu nhập đầu người thực tế của Trung Quốc đã tăng gấp tám, Ấn Độ tăng bốn, Brazil tăng năm và cộng hòa Botswana với hệ thống quản lý tài nguyên khoáng sản thông minh đã tăng những ba mươi lần.
Thu nhập đầu người tại châu Phi cũng tăng lên hai phần ba kể từ năm 1998 (từ 1.300 USD tăng lên mức 2.200 USD). Bảy trong số mười nền kinh tế phát triển nhanh nhất nửa thập kỷ qua cũng tập trung ở châu Phi.
Theo dự đoán của quỹ Bill & Melinda Gates: đến năm 2035, gần như sẽ không còn nước nghèo nào trên thế giới. Ngoại trừ một vài quốc gia kém may mắn bị kìm hãm bởi chiến tranh hay xung đột chính trị (như Bắc Triều Tiên) hay vị trí địa lý (các quốc gia bị đất liền bao quanh như Trung Phi), thì các nước Nam Mỹ, châu Á và Trung Mỹ (có lẽ trừ Haiti) và hầu hết vùng ven biển châu Phi sẽ thành những quốc gia thu nhập trung bình. Hơn 70% các quốc gia sẽ có thu nhập đầu người cao hơn Trung Quốc ngày nay.
Ngộ nhận thứ hai: Viện trợ nước ngoài là lãng phí!
Thực chất, viện trợ nước ngoài là một dạng đầu tư bởi nó không chỉ có tác dụng cứu tế mà còn đặt nền tảng phát triển lâu dài cho nền kinh tế.
Nhiều người cho rằng hẳn các quốc gia giàu phải bỏ một phần lớn ngân sách ra cho viện trợ. Phần lớn người Mỹ cho rằng tỉ lệ ngân sách dành cho viện trợ lên tới 25%. Tuy nhiên, con số thực tế là: dưới 1%. Na Uy, quốc gia hào phóng nhất thế giới cũng chỉ dành ra chưa đến 3%.
Một ý kiến phàn nàn phổ biến là một phần viện trợ nước ngoài bị lãng phí do tham nhũng. Thực tế điều ấy có xảy ra! Nhưng những câu chuyện ta hay nghe như tiền viện trợ giúp một kẻ độc tài xây được cung điện nhà lầu chỉ xuất hiện khi viện trợ được sinh ra nhằm mục đích giành đồng minh trong Chiến Tranh Lạnh chứ không phải để nâng cao đời sống người dân.
Ngày nay, vấn đề không còn phức tạp như trước. Các trường hợp tham nhũng quy mô nhỏ như quan chức chính phủ “mông má” thêm chi phí đi lại, cũng là một biểu hiện của sự kém hiệu quả, không khác gì việc đánh thuế viện trợ. Chúng ta không thể xóa bỏ nó, nhưng nên cố gắng giảm thiểu, mặc dù mức độ cũng chẳng nhiều hơn những chương trình chính phủ khác là bao.
Rất nhiều người kêu gọi dừng các chương trình viện trợ này lại nếu có dấu hiệu của tham nhũng dù chỉ đáng giá một đô la. Nhưng khi bốn trong số bảy cựu thống đốc tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ vào tù vì tham nhũng, không ai yêu cầu các trường học, công trình đường xá nơi đây phải ngừng hoạt động.
Viện trợ khiến các quốc gia phụ thuộc vào bên ngoài? Lập luận này chỉ hướng đến những trường hợp vẫn còn đang quá sức khó khăn, phải vật lộn từng ngày để đi lên con đường tự túc. Đây là danh sách những quốc gia từng nhận rất nhiều viện trợ, nhưng giờ đây đã phát triển đến mức gần như chẳng cần gì cả: Brazil, Mexico, Chile, Costa Rica, Peru, Thái Lan, Mauritius, Botswana, Morocco, Singapore và Malaysia.
Viện trợ cũng thúc đẩy cải thiện y tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng lâu dài. Một đứa bé sinh ra vào năm 1960 có xác suất qua đời trước năm năm tuổi là 18%. Nhưng một đứa bé sinh ra vào thời nay, xác suất này thấp hơn 5% và đến năm 2035, xác suất chỉ còn 1,6%. Liệu như vậy có phải là phung phí?
Ngộ nhận thứ ba: Cứu trợ sẽ khiến dân số bùng nổ.
Vào năm 1798, thời nhà nhân khẩu học Thomas Malthus còn sống, người ta đã lo ngại đến ngày tận thế vì nguồn cung thực phẩm không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng của dân số. Suy nghĩ này đã đẩy thế giới vào một mớ rắc rối, gây áp lực cho các cặp vợ chồng.
Mặc cho trẻ em thiệt mạng ngày hôm nay để chúng không phải chịu cảnh nghèo đói về sau là một việc không những tàn nhẫn mà còn rất vô ích. Những quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất trên thực tế lại có dân số phát triển nhanh nhất thế giới.
Khi lượng trẻ em tăng lên, các cặp vợ chồng sẽ mong có gia đình nhỏ hơn. Tại Thái Lan, trong những năm 1960, tỷ lệ tử vong ở trẻ em bắt đầu đi xuống. Đến năm 1970, sau khi chính phủ phát động mạnh chương trình kế hoạch hóa gia đình, tỉ lệ sinh bắt đầu giảm. Trong hai thập kỷ, tỉ lệ sinh đẻ trung bình của phụ nữ Thái Lan là sáu con, nay giảm xuống còn hai. Hiện tại, tỉ lệ tử vong trẻ em ở Thái Lan thấp ngang với Hoa Kỳ. Tỉ lệ tử vong giảm, tỉ lệ sinh cũng giảm theo, điều này đúng với hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Cứu trợ không gây ra bùng nổ dân số mà còn ngược lại là đằng khác. Cách tốt nhất để duy trì một thế giới ổn định, bền vững là tạo ra một xã hội nơi con người được hưởng những chế độ y tế, bình đẳng cơ bản, nền thịnh vượng tương đối và được tiếp cận với các biện pháp tránh thai.
Nhiều công dân thế giới, nhất là các nhà lãnh đạo chính trị càng cần hiểu rõ những quan niệm sai lầm này. Cho dù đứng dưới góc độ cá nhân hay chính phủ, mỗi đóng góp để cải thiện cho sự phát triển của thế giới đều sẽ đem lại những kết quả đáng kinh ngạc.
Tóm lược từ thư thường niên của quỹ Bill and Melinda Gates.
Thùy An
Theo Trí Thức Trẻ/WSJ