Vàng, bạc, kim cương… là những loại kim loại và đá quý có giá trị cao. Tuy nhiên bên cạnh giá trị vật chất, chúng còn được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau phục vụ khoa học.
1. Bạc
Khi nhắc đến bạc, người ta thường nghĩ ngay đến những thứ đồ trang sức quý phái. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, bên cạnh công dụng làm đồ trang sức, bạc là kim loại có đặc tính khử khuẩn rất mạnh. Nó làm ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn và nấm trong vải, có thể ngăn mùi tự nhiên. Vì điều này, ngành công nghiệp may mặc sử dụng khá nhiều nano bạc để ngăn chặn mùi cơ thể trong quần áo. Vậy nên đừng ngạc nhiên khi biết đôi tất bạn đang mang cũng chứa các phân tử bạc.
Ngoài ra bạc còn là kim loại phổ biến trong ngành y tế được sử dụng như 1 chất khử trùng và sát trùng rất hiệu quả.
2. Palladium
Palladium là anh em họ với bạch kim. Ngoài việc là một kim loại có giá trị thẩm mĩ cao, kim loại này còn có khả năng giữ các nguyên tử hydro bên trong nó rất tốt, và dựa vào đặc tính quan trọng này, người ta ứng dụng Palladium trong việc nghiên cứu ra tế bào nhiên liệu.
Trên thực tế, Palladium được coi là chìa khóa để tạo ra các loại nguyên liệu chất lượng tốt hơn với giá thành rẻ hơn. Điều này cho phép chúng ta sản xuất ra những loại máy móc thân thiện với môi trường – một điều rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh các nguồn nhiên liệu trên thế giới đang dần trở nên khan hiếm.
3. Iridium
Iridium là một trong những vật liệu hiếm nhất và đắt nhất thế giới, với khối lượng rất khiêm tốn, chỉ khoảng ba tấn được sản xuất mỗi năm. Ngay cả một chiếc nhẫn đơn giản được làm từ kim loại này cũng sẽ có một mức giá trên trời.
Tuy nhiên, ngoài công dụng làm đồ trang sức, iridium là một trong những vật liệu thật đặc biệt, nó gần như trơ tuyệt đối với quá trình oxy hóa và cực kì bền với nhiệt. Trong thực tế, nó chỉ bị nung chảy ở nhiệt độ khoảng 2000 độ C. Điều này khiến Iridium được sử dụng chế tạo những chi tiết nhỏ phải chịu nhiều áp lực như: bugi, nồi nấu kim loại, vòng bi la bàn và đồng hồ đeo tay. Người ta thậm chí còn dùng nó để làm đầu bút bi.
4. Kim cương
Chúng ta vẫn thường thấy những viên kim cương lấp lánh màu sắc, những viên kim cương với hình dạng đúc khuôn, có nhiều kích cỡ khác nhau. Thật sự, kim cương đã trở thành biểu tượng của sự quý phái, là món đồ trang sức của giới thượng lưu. Nhưng thực tế là, không phải tất cả các viên kim cương đều sáng lấp lánh như chúng ta vẫn thấy. Phần lớn chúng là những hạt màu đen kém hấp dẫn, với đủ dạng hình thù. Nhưng những viên kim cương này vẫn rất giá trị. Đơn giản bởi ngoài việc là một vật liệu trang sức, kim cương là một loại vật liệu cực kì cứng. Chúng được sử dụng để phủ lưỡi cưa, mũi khoan, mài, tạo ra các siêu công cụ có thể cắt đứt bất cứ vật liệu nào. Kim cương có thể được sử dụng để làm tản nhiệt, cửa sổ bền và thậm chí cả loa chất lượng cao.
5. Rhodium
Rhodium là một trong những kim loại có giá trị cao, nhưng ít được biết đến. Điều đó cũng không làm cho nó ít giá trị đi. Rhodium được sử dụng trong chế tạo đồ trang sức, thường là một lớp bảo vệ mỏng được đúc phủ bên ngoài những đồ nữ trang đắt tiền hơn được làm từ hợp kim mềm như bạc hoặc vàng trắng. Nhưng công dụng chính của nó là để chế tạo bộ chuyển đổi xúc tác, vì nó là một trong số rất ít vật liệu có thể xử lý quá trình này. Các vật liệu đắt tiền bên trong các thiết bị giảm khí thải thường ít được mọi người để ý đến nhưng những tên trộm thì khác. Đó là lý do tại sao ở nhiều nơi trên thế giới, trộm cắp bộ chuyển đổi xúc tác đã trở nên phổ biến.
6. Beryllium
Beryllium là một kim loại màu xám trắng. Nó không chỉ hiếm trên trái đất mà gần như không tồn tại trong toàn bộ vũ trụ. Trên thế giới, chỉ có chính phủ Hoa Kỳ mới đủ tiềm lực để sở hữu loại vật liệu này. Nhiều đá quý như ngọc lục bảo, ngọc mắt mèo và Aquamarines cũng chưa lượng rất nhỏ beryllium, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Nó cũng là một vật liệu cấu tạo chủ yếu cho tên lửa, máy bay ở những độ cao nhất định, tàu vũ trụ và vệ tinh.
Beryllium cũng xuất hiện trong lĩnh vực quân sự. Trong thực tế, nó chiếm vị trí quan trọng trong các thiết bị trên phương tiện quân sự và các hệ thống quân sự (bao gồm cả các thiết bị hạt nhân), mà Bộ Quốc phòng đã tuyên bố:
“Beryllium đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ, và chỉ nó mới có thể đảm nhiệm chức năng này”.
7. Platinum
Bạch kim là một trong số ít các kim loại quý trên trái đất còn sang trọng và quý hiếm hơn cả vàng. Với những đại gia không thích sắc vàng của vàng, nhưng bạc không đủ để tạo nên sự sang trọng, thì bạch kim có lẽ là một lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nên cân nhắc nếu chỉ mua bạch kim làm trang sức. Bên cạnh là một vật liệu trang sức quý phái, kim loại này còn có những công dụng tốt hơn, chẳng hạn như chữa bệnh ung thư. Một hợp chất của bạch kim có tên Cisplatin là một trong những loại thuốc ung thư hàng đầu của thế giới. Một số bệnh ung thư (cụ thể là, ung thư tinh hoàn) rất nhạy cảm với Cisplatin, đôi khi, hiệu quả điều trị có thể lên đến 85 phần trăm.
8. Vàng
Vàng từ lâu đã là một trong những vật liệu quý. Nó đã trở thành thước đo của giá trị, và ở mọi thời đại, nó luôn là niềm khao khát của con người. Và trên thực tế, vàng là một trong những vật liệu linh hoạt nhất trên hành tinh.
Ngoài việc sử dụng làm vật trao đổi, đồ trang sức và trong nha khoa, vàng được sử dụng trên rất nhiều lĩnh vực. Đây là một yếu tố quan trọng để phát triển internet vì hệ thống dây điện và máy tính có chứa khối lượng lớn vàng. Đó cũng là một thành phần quan trọng trong nhiếp ảnh, in ấn, tàu vũ trụ, động cơ phản lực, công nghệ nano, sơn, y học và nấu ăn cũng như làm đẹp.
2014-02-25 14:24:26
Nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/kham-pha/52206_nhung-cong-dung-bat-ngo-cua-kim-loai-va-da-quy.aspx