Thông tin trên được ông Lê Văn Tăng – Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết tại Hội nghị phổ biến luật diễn ra hôm qua. Theo đại diện Bộ, các tập đoàn lớn trước đây thường thuận lợi hơn khi đấu thầu, nhưng lại giao cho các doanh nghiệp nhỏ làm sau khi trúng. “Doanh nghiệp nhỏ è cổ làm rồi lại nộp lợi nhuận về cho các tập đoàn là điều vô lý”, vị này nhận định.
Do vậy, Luật Đấu thầu quy định các gói thầu bé sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ làm, còn các công trình cần năng lực lớn thì tập đoàn vẫn tham gia. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có trên 25% lao động là nữ, hoặc thương binh, người khuyết tật cũng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước cung cấp các dịch vụ tư vấn, phi tư vấn và xây lắp. Doanh nghiệp nào có uy tín trong thực hiện các gói thầu trước cũng được cộng điểm khi tham gia những lần tiếp theo.
Ngành dược trong nước sẽ được ưu tiên khi đấu thầu. Ảnh: TC |
Nhằm phát triển ngành sản xuất trong nước, cơ quan quản lý cũng ưu tiên các sản phẩm nội khi tham gia chào thầu. “Nhà thầu sẽ được hưởng ưu đãi khi tham gia cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ 25% trở lên”, ông Tăng phát biểu. Ví dụ, khi chào thầu dược phẩm với các bệnh viện, với các loại thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng các yêu cầu về điều trị, giá, khả năng cung ứng, nhà thầu sẽ không được chào thuốc nhập khẩu.
“Điều này sẽ giúp bảo vệ ngành sản xuất thuốc trong nước trước các sản phẩm ngoại”, ông Tăng cho hay. Luật năm nay cũng dành hẳn một mục quy định đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế do đây là hoàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống.
Quá trình đấu thầu cũng được giám sát để đảm bảo minh bạch, ngăn chặn hành vi tham nhũng. “Quy định trước đây yêu cầu các bên phải bí mật thông tin trong thời gian đấu thầu, do vậy khi phát hiện dự án có uẩn khúc, cơ quan quản lý cũng khó có thể tham gia điều tra. Nhưng nay, Luật chỉ quy định bí mật thông tin với bên không liên quam, từ đó đảm bảo quyền thanh tra, giám sát bất cứ lúc nào”, lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu chia sẻ.
Luật Đấu thầu 2013 gồm 13 chương với 96 điều sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.