Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học Mỹ ngày 20/2, chất liệu mà các nhà khoa học sử dụng để chế tạo cơ nhân tạo là sợi polymer – một loại sợi hóa học siêu bền với đường kính gấp 10 lần sợi tóc, được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp may mặc và làm dây câu cá.
Với chất liệu này, chi phí sản xuất cơ nhân tạo giảm rất nhiều so với một cơ được cấu tạo từ hợp kim nickel và titan hiện nay. Cơ nhân tạo từ sợi nhựa chỉ có giá 5 USD/kg so với mức giá 3.000 USD/kg của cơ làm từ hợp kim.
Ảnh: ineffableisland.com
Được chế tạo bằng phương pháp đã từng được các nhà khoa học ứng dụng thành công đó là xoắn các sợi giống như cách bện dây thừng, cơ nhân tạo từ sợi nhựa thực hiện chức năng và có lực mạnh tương tự các cơ bắp hợp kim.
Theo các nhà khoa học, cơ từ sợi nhựa có thể nâng được một vật nặng khoảng 7,3kg, trong khi một tập hợp hàng trăm cơ nhân tạo từ sợi này có sức nâng lên tới 800kg.
Loại cơ mới được chế tạo thành công này có thể co rút khoảng 50% so với chiều dài, trong khi một cơ bắp người chỉ có thể co rút 20%. Cơ nhân tạo có thể dùng làm động cơ thế hệ mới của cánh tay robot, bộ phận của cánh máy bay, các thiết bị y tế…
Trước đó, các nhà khoa học thế giới cũng đã chế tạo thành công cơ nhân tạo từ sợi carbon nano cũng bằng phương pháp xoắn sợi thừng.
Phát minh mới này do các nhà khoa học đến từ Đại học Texas (Mỹ) phối hợp cùng các viện nghiên cứu các nước như Trung Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia và Hàn Quốc nghiên cứu và phát triển.