Bộ phim bắt đầu bằng cuộc tình nồng nhiệt chóng vánh của một cô gái xinh đẹp chơi cello cùng một anh chàng ca sĩ của band The Connelly Brothers.
Lyla gặp Louis tình cờ trong một buổi tiệc. Sau khi quá mệt mỏi với những âm thanh náo loạn và không gian đặc quánh những khói thuốc và tiếng ngước, Lyla bỏ lên sân thượng hít thở. Cô ngồi xuống chiếc ghế băng duy nhất và chính lúc đó cô phát hiện ra có một người đang nằm ở đó.
Lyla và Louis gặp nhau đơn giản như thế. Họ cười đùa, nói chuyện, dường như quên hết cả đám đông hỗn độn dưới kia.
Lyla đã không đến được. Cô bị cha mình đưa đi Chicago. Louis thì vẫn đứng đó, đợi chờ trong hoàng hôn. Anh đã tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Anh đã hồi hộp,lo lắng đợi chờ người con gái mà đến cả số điện thoại anh cũng không có. Để rồi anh đã thất vọng biết bao nhiêu khi cô gái tưởng như là định mệnh đã không tới.
Khởi đầu của bộ phim cũng đơn giản, cũ kĩ như bất kì bộ phim tình sướt mướt nào: một chàng trai, một cô gái, gặp nhau định mệnh, gia đình cấm cản, chia xa, nhớ về nhau. Hơn nữa, bộ phim còn mang thêm tính bi kịch khi sau đó Lyla phát hiện ra mình mang thai. Cha cô đã nổi giận vô cùng.
Sau xung đột với cha, Lyla bị chiếc xe tải đâm. Cô sinh non, đứa bé được bí mật mang tới viện trẻ mồ côi, cô được nói dối nó đã chết. Cô đã khóc thật nhiều. Còn Louis, anh chưa bao giờ biết rằng mình có một đứa con.
Đừng vội rời đi nếu bạn tưởng rằng mình đang xem một drama diễm tình của Hàn Quốc. Bộ phim của Kirsten Sheridan có thể bắt đầu thật nữ tính, thật buồn, nhưng đó chỉ là cái mở bài của cả một câu chuyện thú vị sau đó. Câu chuyện của cậu bé mồ côi – Evan Taylor. Một câu chuyện đẹp, ngọt ngào, không sến sẩm, buồn thảm mà hào hứng, tươi sáng, vui vẻ, đáng yêu vô cùng.
Freddie Highmore với đôi mắt xanh da trời, làn da trắng trẻo, khuôn mặt thông minh, có cái gì đó mong manh, tinh tế đã diễn một Evan thật sinh động. Vai diễn này sinh ra là để cho Freddie, bởi người ta có thể thấy từng rung động trong cái nhướn mày, trong cái môi run run, trong đôi tay nhỏ bé đung đưa của cậu khi âm nhạc chạy qua. Cách diễn nhẹ nhàng mà tinh tế ấy làm người ta nhớ tới Haley trong Giác quan thứ 6. Vai diễn hay này đã góp thêm vào gia tài nghệ thuật của cậu bé sau Finding Neverland và Charlie and the Chocolate Factory.
Freddie hay cậu bé Evan chính là linh hồn của bộ phim.
Câu bé mồ côi có đôi tai thiên bẩm nhanh nhạy với âm thanh. Dường như dòng máu nghệ sĩ từ cha mẹ đã truyền hết cho Evan, để cậu có thể đứng hàng giờ, lặng nghe những âm thanh xung quanh mình.
Cậu bé yên ắng ấy có niềm đam mê bất tận với âm thanh. Cách cậu giơ tay lên, múa may như đang trình diễn trong giàn nhạc giữa đường phố, khi bất chợt cậu cảm nhận được bản hòa âm nhịp nhàng của xe cộ, phố phường, của tiếng chân người, những thứ mà người khác thấy inh ỏi, mệt mỏi, thì người ta biết niềm say mê trong cậu là vô cùng. Cậu bé ấy sống vì âm nhạc.
Evan rời khỏi trại mồ côi, đi theo dòng âm thanh, với niềm tin sẽ tìm được cha mẹ thật của mình. Len lỏi giữa phố phường, Evan đắm chìm trong muôn vàn âm nhạc: từ các cửa hiệu, từ ngã tư giao thông, từ những người hát rong trên đường. Nhờ Evan, người ta chững lại, thèm lắng nghe những âm thanh quanh mình. Bản giao hưởng cuộc sống thật diệu kì mà sự tấp nập đã cuốn trôi khiến ta vô tình không thấy.
Cái cách Evan tò mò, rón rén bước vào những không gian âm nhạc khác nhau, khiến người ta cũng thèm muốn có được đôi tai biết nghe cái đẹp. Khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt nhắm nghiền, vẻ tận hưởng của cậu bé thật đáng yêu. Âm nhạc của bộ phim lúc nhanh, lúc chậm, khi hấp dẫn, kịch tính khi lại nhẹ nhàng, dễ chịu, khiến người xem thấy thoải mái, chìm trong bữa tiệc âm thanh.
Ở NewYork, Evan gặp được cậu bạn Arthur chơi nhạc ở quảng trường. Từ đó Evan được gặp Wizard, kẻ chỉ dạy bọn trẻ lang thang âm nhạc, biến chúng thành những nghệ sĩ đường phố, kiếm tiền cho hắn.
Chuyện phim giống như Không gia đình, Oliver Twist hay Triệu phố ổ chuột. Dĩ nhiên, kết cục sẽ là Wizard biến Evan thành một nghệ sĩ, một thần đồng mới nổi “August Rush”, rồi lợi dụng cậu. Evan bỏ chạy, lần này cậu trốn vào một tu viện. Ở đó, tài năng âm nhạc của cậu lại một lần được khai phá. Cậu bé được phép đến tham gia buổi giao hưởng tại một buổi hòa nhạc lớn. Nhưng Wizard liệu có để cậu bé yên?
Trong khi đó, Lyla đã biết tới sự tồn tại của Evan khi bố cô trước khi qua đời đã lên tiếng. Cô chạy tới NewYork để tìm kiếm đứa con thất lạc. Cô quay lại với đam mê một thời – làm nhạc công Cello. Còn Louis, anh làm mọi cách để tìm ra cô gái ngày nào. Một cách tình cờ, thú vị, diệu kì anh cũng đến NewYork. Ba con người đã về cùng một thành phố.
Giờ làm thế nào để họ tìm lại được với nhau khi mà Louis không hề biết Evan tồn tại, còn Lyla chưa một lần nhìn thấy mặt cậu bé?
August Rush không đơn thuần là một bộ phim. Bản thân nó là một bản giao hưởng với âm nhạc chảy trong từng khuôn hình, và hơn thế đó là một cuộc tìm kiếm yêu thương. Louis đi tìm Lyla, Lyla đi tìm đứa con bé bỏng – Evan, còn Evan đi tìm cha mẹ, đi tìm chính bản thân mình trong âm nhạc. Hãy lắng nghe, bản giao hưởng của cuộc sống đang tuôn chảy dạt dào.
Tên bộ phim: August Rush (2007) Đạo diễn: Kirsten Sheridan Diễn viên chính: Freddie Highmore, Keri Russell, Jonathan Rhys Meyers Thời lượng: 114 phút IMDB: 7.6/10 Đề cử nhạc phim hay nhất tại Oscar 80 cho bài hát “Raise it up”