Quỹ Lương hưu Chính phủ Toàn cầu lập ra năm 1990, đã tăng giá trị trên mức 5110 tỉ crown, tức là trung bình mỗi người Na Uy có thể nhận được hơn một triệu đồng. Con số trên theo bảng tính trên trang web của Ngân hàng trung ương nước này quản lý quỹ. Thống kê mới đây cho thấy dân số Na Uy là 5.096.300 người.
Quỹ sở hữu khoảng 1% cổ phiếu toàn thế giới, cũng như trái phiếu chính phủ và bất động sản khắp nơi, từ London tới Boston. Hàng năm chính phủ chỉ chi ra 4% ở Na Uy, lớn hơn một chút so với tỉ lệ đầu tư hàng năm.
Nguồn tiền này đầu tiên đến từ xuất khẩu dầu ở Biển Bắc năm 1969. Hiện nay Na Uy là nhà xuất khẩu dầu đứng thứ 7 thế giới.
Giá trị toàn quỹ ngang với 183% GDP Na Uy năm 2013. Dự kiến nó sẽ đạt đỉnh 220% năm 2030.
Các chuyên gia kinh tế nhận xét quỹ hưu này là một thành công của việc quốc hội đã tiết kiệm được tiền cho tương lai chứ không chi hết. Theo bà Siv Jensen, bộ trưởng tài chính Na Uy “Nhiều nước đã thấy rằng doanh lợi tạm thời đến từ khai thác tài nguyên tạo ra thịnh vượng ngắn hạn nhưng khó khăn dài hạn.”
Na Uy đã trải qua nhiều đợt thăng trầm giá dầu khí nhờ vào quỹ hưu này. Họ đã tránh được chu kỳ phát triển/suy thoái bằng cách đầu tư lợi nhuận thu từ xuất khẩu dầu ra nước ngoài chứ không chi tiêu hết luôn.
Đất nước thịnh vượng nhất thế giới
Sự giàu có và khôn ngoan của đầu tư khiến Na Uy trở thành đất nước thịnh vượng nhất thế giới.
Các chương trình trợ cấp ở nhiều lĩnh vực đã tồn tại từ lâu mà không bị cắt. Có lẽ không đâu giống nơi đây, một đất nước vùng cực có nông dân giữ bò sữa trong chuồng được sưởi ấm, nhờ vào trợ cấp nông nghiệp. Chính phủ không thấy cần thiết phải cắt bỏ chương trình, hoặc tiến hành cải cách.
Tỉ lệ thất nghiệp chính thức của Na Uy là 3,3%, con số trong mơ với nhiều nước eurozone hiện nay, từ Hy Lạp tới Anh và Pháp.