Năm 2013, giá xăng trong nước có 11 lần điều chỉnh giá, trong đó có 5 lần tăng giá và 6 lần giảm giá. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là 5 lần tăng giá đó lại cao hơn rất nhiều so với 6 lần giảm giá cộng lại.
Năm 2013, phiên giao dịch ngày 31.12 đã khép lại với mặt hàng năng lượng. Tính chung cả năm, giá xăng kỳ hạn chỉ tăng có 2 cent, tương ứng với mức tăng khoảng 0,9%. Với mức tăng này, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu quốc tế đều cho rằng đây là mức tăng tương đối ổn định, không có nhiều đột biến. Vậy còn giá xăng trong nước thì sao?
Tăng gần gấp 5 lần so với thế giới
Cụ thể, ngày 18.12.2013, giá xăng trong nước điều chỉnh tăng lên mức 24.210 đồng/lít. Như vậy, so với mức giá vào những ngày cuối năm 2012 thì giá xăng trong nước tăng khoảng 4,5%. Đây là mức tăng gần gấp 5 lần so với mức tăng của giá xăng thế giới.
Nhìn nhận lại trong cả năm 2013, thị trường xăng dầu trong nước có 11 lần điều chỉnh giá. Trong đó, chỉ có 5 lần điều chỉnh tăng giá và 6 lần còn lại là giảm giá. Thế nhưng, điều đáng nói là 5 lần điều chỉnh tăng giá đó cộng lại đã tăng lên 3.220 đồng/lít trong khi cả 6 lần giảm giá thì lại chỉ tương đương có 2.160 đồng/lít. Rõ ràng, điều này chứng minh cho câu nói mà người tiêu dùng vẫn nhắc đến đó là: “Tăng thì nhanh nhưng giảm thì chậm”.
Chưa hết, ngoài việc mức tăng mạnh hơn giá thế giới, thì trong năm năm 2013, là năm quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục được sử dùng để bù phần lỗ cho các DN. Từ đây, khiến quỹ bình ổn giá này ngày càng teo tóp. Hiện theo Bộ Tài chính, quỹ bình ổn giá không còn nhiều, số dư quỹ ước đến ngày 10.12.2013 chỉ còn 72 tỉ đồng, trong đó có đến 6 DN xăng dầu bị âm quỹ.
Nguyên nhân là do cơ chế?
Ngay từ Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu đã khẳng định, điều hành giá xăng trong nước theo hướng thị trường. Tức là giá thế giới tăng, trong nước tăng theo và ngược lại. Theo đó, nhà nước sẽ không có bất cứ biện pháp hành chính nào can thiệp vào giá xăng. Đây cũng là điều mà các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ. Thế nhưng, câu chuyện của ngành xăng dầu trong năm 2013 vẫn không thoát khỏi cảnh “lạc nhịp” so với thị trường thế giới.
Ngay sau ý kiến này được đưa ra, có rất nhiều DN xăng dầu ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa thay đổi. Có chăng, nhà nước áp dụng để DN thay đổi giá xăng dầu trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn khó mà thay đổi được bản chất câu chuyện khi mà mức giá thế giới vẫn được tính bình quân đều trong cả tháng thì khó mà có mức tăng, giảm sát với diễn biến của giá thế giới.
Hiện cơ quan quản lý vẫn đang gấp rút để sửa đổi Nghị định 84. Và đến thời điểm này, đã có khá nhiều luồng thông tin cho rằng, có thể cơ chế 30 ngày sẽ được sửa đổi xuống còn 15 ngày. Có lẽ, nếu làm được điều đó, thì ít nhất thị trường xăng dầu trong nước có thể hy vọng “cùng nhịp” với thế giới.
Lãi khủng của Petrolimex
Có lẽ, trong năm 2013, một trong những sự kiện đáng lưu ý của ngành xăng dầu đó là mức báo lãi của Petrolimex đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí.
Nếu như năm 2012, Petrolimex là DN lỗ khoảng 125 tỉ đồng liên quan đến kinh doanh xăng dầu thì đến năm 2013 lại là năm mà DN này “thắng đậm” khi liên tục báo lãi. Cụ thể, sau 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đã lên tới 898 tỉ đồng, trong đó, lợi nhuận của lĩnh vực xăng dầu là 388 tỉ đồng. Chưa hết, đến quý 3/2013, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tiếp tục đạt trên 630 tỉ đồng. Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Petrolimex lên đến trên 1.400 tỉ đồng. Trong đó, theo một vị lãnh đạo Petrolimex trả lời báo chí, thì có khoảng trên 700 tỉ đồng lợi nhuận đến từ kinh doanh xăng dầu.
Theo Petrolimex, mức lãi trên của Petrolimex vẫn chưa có gì là cao. Bởi lẽ, trong 6 tháng đầu năm, bình quân mức lãi của DN này chỉ khoảng 94 đồng/lít trong khi cơ chế lợi nhuận định mức DN được hưởng lên tới 300 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu Brent trên sàn ICE Futures tại Luân Đôn kết thúc năm tại mức 110,8 USD/thùng, giảm 31 cent, tương đương mức 0,28% so với cuối năm 2012.
Đặc biệt, giá dầu thô Brent (chuẩn châu Âu) tăng tương đương 7 USD/thùng (6%) kể từ khi có thông tin về vũ khí hóa học tại Syria hôm 21.8.2013. Tuy nhiên những quy luật thị trường thậm chí còn đẩy giá dầu thô tăng cao hơn.
Từ giữa tháng 4 cho đến ngày 20.8, giá dầu Brent tăng gần 15 USD/thùng (15%) do nhu cầu thế giới gia tăng, đi kèm với vài đợt thiếu hụt dầu mỏ bất ngờ, đặc biệt là ở Iraq và Libya (số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ). Mức gián đoạn nguồn cung dầu thô ngoài dự đoán đạt mức 2,7 triệu thùng/ngày trong tháng 8, cao nhất từ tháng 1.2011 đến 8.2013.
Nhật Anh
Theo Motthegioi