Để chiếc máy bay có thể bay được lên cao khoảng 5 – 10m, Tâm đã mất gần cả tháng và hơn chục lần sửa đi sửa lại
“Sự tích” chiếc máy hút bụi
Năm học lớp 8, trong một lần xem chương trình Góc sáng tạo trên VTV6, Nguyễn Duy Tâm (lớp 11A THPT Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên) liền nhớ tới chiếc hộp giấy thời khóa biểu “handmade” của mình: “Hay là mình gửi thử, biết đâu lại được lên truyền hình?”. Kết quả là sản phẩm đầu tay của Tâm được chọn giới thiệu và còn giành giải Nhất trong cuộc thi Sáng tạo học trò. Chiến thắng mở màn này như nạp thêm động lực để “chàng kĩ sư” chế tạo thêm nhiều sản phẩm nữa.
|
Nguyễn Duy Tâm chuẩn bị cho ra đời máy hút bụi “phiên bản 3”. |
Phát minh gần đây nhất của Tâm là chiếc máy hút bụi “phiên bản 1 và 2”, có “sự tích” khá dễ thương. “Nhìn thấy bác Chi, bảo vệ kiêm tạp vụ của trường đi nhặt rác sau mỗi buổi học. Vì già yếu nên bác phải dùng một cây gỗ có gắn móc nhọn ở đầu để gom rác cho đỡ đau lưng. Thấy vậy, mình nảy ra ý làm một chiếc máy nhặt rác để giúp bác”, Tâm nhớ lại.
|
Chiếc máy hút bụi “phiên bản 1” khá thành công. |
Không có tiền mua vật liệu “xịn”, Tâm tận dụng phế liệu để chế tạo: chiếc ô tô đồ chơi bị hư của đứa em làm thân máy và bánh xe, chai nước ngọt làm thùng chứa rác, còn động cơ là những cục pin điện thoại hư xin từ tiệm sửa điện thoại.
Chiếc máy hút bụi phiên bản 1 chỉ hút được rác nhỏ nên Tâm vẫn chưa hài lòng, mày mò chế tạo máy hút bụi phiên bản 2 có thể tự cuốn và đổ rác. Máy hút bụi phiên bản 3 sắp ra đời còn có thể chống cả “đinh tặc” và là một món quà đầu năm Tâm tặng cho bác bảo vệ.
|
Máy bắt côn trùng. |
|
Máy phơi đồ. |
Gia tài từ cuộc sống
Không chỉ có chiếc máy hút bụi, tất cả các sản phẩm của Tâm đều được làm từ rác. Đó là chú robot minh họa cho bài học “năng động, sáng tạo” môn Giáo dục Công dân. Chiếc máy phơi đồ đơn giản nhưng hiệu quả cực kì: chỉ cần kẹp đồ lên 2 bên thanh phơi cho cân bằng và bật công tắc, tác động quay của thanh phơi tạo thành gió giúp đồ đạc nhanh khô hơn. Chiếc máy bắt côn trùng cũng xuất hiện trong mùa mưa.
Thấy côn trùng bay vào nhà rất nhiều, cậu bạn liền chế ra chiếc máy có công dụng kép: vừa bắt côn trùng, vừa làm quạt mát. Khi bật công tắc, chiếc đèn gắn trong quạt sáng lên thu hút côn trùng lại gần, cánh quạt quay hút côn trùng vào chiếc lưới phía sau. Khi bật công tắc ngược lại, chiếc quạt đổi hướng thổi ra ngoài, tạo gió mát như công dụng của một chiếc quạt bình thường.
|
Chàng “kĩ sư” tuổi teen không có nhiều thời gian để chế tạo vì nhà khó khăn nên sau giờ học, Tâm còn phải đi chăn bò và làm việc nhà phụ ba mẹ. |
Sản phẩm khiến Tâm mất nhiều thời gian nhất chính là chiếc máy bay tự chế. Để chiếc máy bay có thể bay được lên cao khoảng 5 – 10m, Tâm đã mất gần cả tháng và hơn chục lần sửa đi sửa lại. “Vì vật liệu làm máy bay cần chuẩn xác mà đồ phế liệu thì khó đáp ứng yêu cầu nên mình tốn rất nhiều thời gian để thử nghiệm và sửa chữa. Thậm chí trong quá trình làm máy bay, mình đã chế tạo luôn một chiếc máy cắt xốp riêng cho máy bay vì cắt bằng tay không đủ độ chính xác”, Tâm chia sẻ.
Ngoài những sản phẩm đã cho ra đời, Tâm vẫn đang ấp ủ thêm nhiều dự định khác như chiếc máy lau bảng có thể hút được bụi phấn bảo vệ sức khỏe của thầy cô hay chiếc chuông cửa di động…
Từ những ý tưởng như thế, gia tài từ rác của anh chàng ngày càng nhiều thêm…
Niềm đam mê sáng tạo đã đem đến cho Tâm những bài học quý giá. Anh chàng cũng từng “ẵm” giải Nhì cấp Tỉnh môn Thực hành Lí năm lớp 9. Thầy Hà Thanh Phúc (Phó Hiệu trưởng trường THCS – THPT Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên), người trực tiếp bồi dưỡng môn Lí cho Tâm nhận xét: “Không chỉ mê sáng tạo, những sản phẩm mà Tâm làm ra còn xuất phát từ những mục đích rất nhân văn”.
Theo Học sinh-sinh viên