vang.
Trong một vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, rượu vang đã trở thành thức uống phổ biến. Chính vì sự phổ biến ấy mà rượu vang đang được bày bán khắp nơi, từ cửa hàng, siêu thị cho đến các nhà hàng, khách sạn, quán bar…
Thị trường rượu vang Việt Nam
Theo thống kê của Hiệp hội Rượu Bia và Nước giải khát Việt Nam, hiện cả nước có hơn 15 doanh nghiệp sản xuất và đóng chai rượu vang với sản lượng mỗi năm tăng khoảng 12 – 13 triệu lít. Thị trường vang Việt Nam còn có sự góp mặt của các thương hiệu vang nổi tiếng trên thế giới.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kể từ năm 2004 đến nay, rượu vang nhập khẩu đã tăng khoảng 25%/năm. Riêng năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu rượu vang đạt 53,2 triệu USD, tăng 85% so với năm 2009. Trong đó, Pháp dẫn đầu trong các quốc gia cung cấp rượu vang tại thị trường Việt Nam, kế đến là vang Chile, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ… Số lượng rượu vang đến từ những nước này cứ tăng dần hằng năm.
Trên thực tế, tốc độ tăng nhập khẩu rượu vang Pháp, Italia vào Việt Nam năm qua lên tới 20%, bất chấp kinh tế khó khăn. Việt Nam đang được nhiều công ty rượu vang Pháp, Italia nhắm đến bởi đây là thị trường tiêu thụ rượu vang tốt nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng 10%.
Trong những năm qua, Pháp luôn là nước cung cấp rượu vang hàng đầu cho Việt Nam. Năm 2012, rượu vang nhập khẩu từ Pháp chiếm 14,3% lượng rượu nhập khẩu của Việt Nam.
Đứng thứ hai trong lĩnh vực phân phối rượu vang tại Việt Nam là các nhà nhập khẩu đến từ Chile. Theo số liệu thống kê của Hải quan Chile, năm 2012, nước này xuất sang Việt Nam lượng rượu vang trị giá 10 triệu USD. Hiện có 30 công ty sản xuất rượu vang của Chile xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam.
Rượu vang Italia cũng đang ngày càng có chỗ đứng tại Việt Nam, chiếm 2,5% lượng rượu nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2012, tăng 19,7% so với năm 2011. 6 tháng đầu năm 2013, lượng nhập khẩu rượu vang Italia tăng gấp đôi lên 1,2 triệu euro từ mức 600.000 euro của năm 2012.
Thị trường rượu vang thế giới
Theo báo cáo mới đây của Morgan Stanley, cùng với việc sản xuất rượu vang toàn cầu xuống thấp nhất trong 40 năm, “cơn khát” ngày càng lớn của Trung Quốc đang góp phần gây nguy cơ thiếu rượu vang trên toàn cầu.
Mức tiêu thụ lớn tại cả Trung Quốc và Mỹ, cùng với sản lượng rượu của châu Âu năm 2012 giảm vì mùa màng thất bát tại Pháp, Italy và Tây Ban Nha khiến nguy cơ thiếu rượu toàn cầu tăng lên, có thể đẩy giá lên cao và tăng nhu cầu xuất khẩu. “Các số liệu cho thấy nguồn cung rượu vang có thể không đáp ứng đủ nhu cầu trong những năm tới, khi số rượu hiện nay được bán ra thị trường”, báo cáo nói.
Morgan Stanley lưu ý rằng trong năm 2012, số hàng tồn kho rượu vang chỉ là 1 triệu chai, thấp hơn nhiều con số 600 triệu năm 2004 khi sản lượng đạt đỉnh. Sự thiếu hụt này dự kiến sẽ trầm trọng hơn khi nhu cầu từ Mỹ, nước tiêu thụ rượu vang lớn thứ hai thế giới chỉ sau Pháp, cũng như Trung Quốc – nhà nhập khẩu lớn thứ năm, tăng lên.
Vài năm tới, khi người dân Trung Quốc giàu có hơn, nhu cầu của Trung Quốc với rượu vang dự kiến sẽ bùng nổ. Tiêu thụ rượu vang tại Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2016 lên 400 triệu chai, tương đương mức tiêu thụ của Mỹ. Trong khi đó, sản lượng toàn cầu không theo kịp tốc độ tăng này, thậm chí có xu hướng giảm kể từ đầu những năm 2000. Châu Âu, hiện cung cấp 60% lượng rượu vang toàn thế giới, đã giảm sản lượng mạnh nhất 24% kể từ năm 2004.
Thượng Hải – Trung tâm giao dịch rượu vang quốc tế trong tương lai
Trung Quốc hiện nay là quốc gia tiêu thụ rượu vang lớn thứ 5 trên thế giới và dự kiến sẽ trở thành nước tiêu thụ rượu vang số 1 trên thế giới vào năm 2016. Thượng Hải là trung tâm nhập khẩu và phân phối rượu vang lớn nhất Trung Quốc, chiếm 45% lượng rượu nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc .
Việc mở cửa khu vực thương mại tự do Thượng Hải sẽ đưa thành phố này trở thành trung tâm rượu vang quốc tế trong tương lai.
“Đầu tư vào rượu vang đã bùng nổ trong những năm gần đây, nhưng nhiều nhà đầu tư biết rất ít về ngành công nghiệp rượu vang. Vì vậy, có rất nhiều nhà đầu tư không chuyên tham gia vào thị trường rượu vang và chỉ chú ý đến lợi nhuận ngắn hạn”, theo một chuyên gia rượu vang quốc tế.
Rượu vang chất lượng cao – tài sản đầu tư sinh lợi cao
Không chỉ là một đồ uống sành điệu, rượu vang hảo hạng còn được coi là một tài sản đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận.
Trong khoảng thời gian 10 năm, giá của một thùng rượu vang 12 chai nhãn hiệu Rothschild Lafite sản xuất năm 1982 đã tăng 876%. Theo chỉ số đầu tư rượu vang Liv-Ex, từ 1999-2009, giá của Lafite 1982 đã tăng từ 2613 bảng Anh lên 25.500 bảng. Điều này cho thấy, lợi nhuận thu được khi đầu tư vào rượu vang cao hơn rất nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản hay dầu khí.
Hơn 10 năm trở lại đây, đầu tư vào rượu vang giúp nhà đầu tư tránh khỏi những rủi ro gây ra bởi lạm phát. So với các sản phẩm đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, hay vàng, đầu tư vào rượu vang có mức độ rủi ro thấp hơn, lợi nhuận lại cao hơn, thậm chí còn được miễn thuế tại một số nước.
Rượu vang không sinh lời theo cách của cổ phiếu hay trái phiếu. Giá trị của nó được xác định căn cứ vào việc sẽ có bao nhiêu người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua nó trong tương lai, tức là một dạng đầu tư có tính chất đầu cơ. Bởi vậy, không nên đầu tư vào rượu vang khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như không am hiểu về nó.
Sàn giao dịch rượu quốc tế Liv-Ex
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chỉ số đo lường hiệu quả đầu tư của ngành rượu vang quốc tế. Tuy nhiên tất cả những nỗ lực này đều không thành công cho tới khi chỉ số Liv-ex (London International Vintners Exchange) xuất hiện.
Hiện nay, chỉ số Liv-ex được coi là chỉ số chính thức của ngành rượu vang quốc tế, theo dõi 85% lượng giao dịch rượu vang cao cấp trên toàn thế giới. Theo chỉ số đầu tư rượu Liv-ex Investables Index (chỉ số theo dõi giao dịch của các hãng kinh doanh rượu vang lớn nhất thế giới), thị trường rượu vang cao cấp có mức tăng trưởng hàng năm 14,9% trong 10 năm qua.
Theo tạp chí Forbes, “Chỉ số Liv-ex từ lâu đã là chỉ số uy tín nhất trên thị trường rượu vang cao cấp toàn cầu”
Ưu điểm của đầu tư vào rượu vang
•Mức lợi nhuận cao nhất từ 2009-2010: 314%
•Được miễn thuế thu nhập bán tài sản (capital gain tax)
•Đầu tư vào rượu vang cao cấp ít rủi ro hơn so với đầu tư vào cổ phiếu, dầu và vàng trong hơn 20 năm qua.
•Là tài sản hữu hình, dễ lưu kho và được bảo hiểm
•Nguồn cung có hạn và đang sụt giảm
•Nhu cầu rượu vang cao cấp của các quốc gia có nền kinh tế mới nổi tăng mạnh (đặc biệt là Trung Quốc) giúp cho giá rượu vang tiếp tục tăng cao.
•Rượu vang cao cấp được coi là tài sản lưu trữ giá trị đối phó với lạm phát. Lạm phát tăng cao sẽ khiến cho nhu cầu đầu tư vào rượu vang tăng lên.
Lời khuyên cho nhà đầu tư
Công ty Wilson Douglas đã đưa ra một số lời khuyên dành cho nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường rượu vang quốc tế. Wilson Douglas là công ty môi giới và quản lý danh mục đầu tư rượu vang hàng đầu của Anh, đồng thời là thành viên của sàn giao dịch rượu quốc tế Liv-ex. Trong 5 năm qua, những loại rượu do công ty này khuyến nghị đầu tư có mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 65%, cao hơn so với mức trung bình của thị trường rượu vang quốc tế (16,5%).
Nghiên cứu thị trường – Tham khảo các chỉ số đầu tư rượu uy tín nhất như Liv-ex để hiểu rõ những biến động trên thị trường rượu vang cao cấp. Tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng tới nguồn cung & cầu để dự đoán sự lên xuống của giá rượu.
Nắm rõ thông tin về công ty môi giới chứng khoán mà nhà đầu tư muốn hợp tác – Cần phải biết rõ thông tin về công ty môi giới chứng khoán và các giao dịch của công ty trên sàn giao dịch rượu. Ví dụ, kiểm tra xem công ty có phải là thành viên của sàn giao dịch Liv-ex hay không.
Trả giá hợp lý – Nếu trả cao hơn mức giá thị trường, lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ bị sụt giảm. Sử dụng công cụ kiểm tra giá (Price Checker) trên website của công ty Wilson Douglas sẽ giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm được rất nhiều thời gian tham khảo giá. Công cụ kiểm tra giá của Wilson Douglas cho phép nhà đầu tư truy cập vào cơ sở dữ liệu của các hãng kinh doanh rượu vang uy tín nhất trên thế giới, đồng thời cung cấp và so sánh giá của các loại rượu vang cao cấp tại tất cả các quốc gia.
Xác định mục tiêu đầu tư – cần phải đặt ra mục tiêu về khối lượng đầu tư, thời gian đầu tư, mức lợi nhuận mong muốn, và mức độ rủi ro. Xác định đúng mục tiêu sẽ giúp cho nhà đầu tư có thể xây dựng được một danh mục đầu tư hợp lý và đạt được lợi nhuận mong muốn.