Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc phóng thành công tàu thăm dò đầu tiên mang theo robot tự hành Jade Rabbit (Thỏ Ngọc) lên Mặt trăng vào hôm 14/12 là bước tạo đà để nước này khai thác lượng khoáng sản phong phú cạnh khu vực miệng núi lửa Vịnh Cầu Vồng.
>>> Tàu vũ trụ của Trung Quốc hạ cánh xuống Mặt Trăng
Sự kiện này đánh dấu bước đi mới nhất trong chương trình không gian đầy tham vọng mà chính quyền Bắc Kinh theo đuổi. Các chuyên gia cho rằng, chính nguồn tài nguyên của Mặt trăng là lý do chủ yếu thúc đẩy chương trình không gian này của Trung Quốc.
Ngay trong kết cấu của robot tự hành Jade Rabbit (Yutu) đã được trang bị radar gắn dưới bụng để phát hiện các khoáng chất của vỏ Mặt trăng, đặc biệt ở vùng Vịnh Cầu Vồng. Điều này cũng được các diễn đàn Internet của Trung Quốc cho là như vậy.
Hình ảnh mới nhất mà Thỏ Ngọc Trung Quốc chụp từ Mặt trăng. (Ảnh Xinhua)
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Xinhua) cho hay, khoáng chất mà Trung Quốc nhắm tới là một loại khí hiếm Heli-3 có nhiều ở trên Mặt trăng. Nó được xem là “nguồn năng lượng hoàn hảo để thay thế dầu khí”.
Phát biểu trên Tân Hoa Xã, giới chức Trung Quốc khẳng định Heli-3 trên Mặt trăng có thể được sử dụng để tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào trong hơn 10 nghìn năm mà các lò phản ứng nhiệt hạch khó mơ ước tới.
“Mọi người đều biết nhiên liệu hóa thạch như khí đốt và than đá một ngày nào đó sẽ cạn kiệt, nhưng hiện nay có ít nhất một triệu tấn Heli-3 trên Mặt trăng vẫn chưa khai thác”, ông Ouyang Ziyuan, một cố vấn cấp cao cho Chương trình Mặt trăng của Trung Quốc, cho biết trên Tân Hoa Xã .
Một số nhà khoa học xem động thái Trung Quốc phóng tàu thăm dò lên Mặt trăng cũng giống như nhiều nước khác đang đổ xô khai thác tài nguyên ở Nam Cực. Song theo ông Karl Bergquist tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, người đã làm việc với các quan chức không gian của Trung Quốc trong đợt phóng tàu này, nói rằng việc khai thác tài nguyên Mặt trăng của Trung Quốc còn cần nhiều năm nữa.
Ngoài lý do kinh phí thì để khai thác thành công Heli-3 Trung Quốc phải cần một thiết bị có khả năng vận tải hàng hóa với kích thước bằng một tàu con thoi để phi lên Mặt trăng. Ngay kể cả khi Trung Quốc thăm dò không gian thành công trên Mặt trăng thì việc tạo ra một lò phản ứng nhiệt hạch cũng là cả một chặng đường dài.
Bên cạnh tham vọng khai khoáng trên Mặt trăng của Trung Quốc, có giả thuyết cho rằng, nước này còn muốn xây một căn cứ quân sự tại đây. Từ căn cứ này, Trung Quốc có thể phóng các tên lửa chống lại bất cứ mục tiêu quân sự thù địch nào trên Trái đất.
Trích nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/vu-tru/50941_Trung-Quoc-phong-Tho-Ngoc-len-Mat-trang-lam-gi.aspx
2013-12-15 21:26:08
Nguồn: http://www.chuyenla.com.vn/thien-van/10573-trung-quoc-phong-tho-ngoc-len-mat-trang-lam-gi.html