Tiến sỹ Alison Woollard từ Khoa hóa sinh của Đại học Oxford nói rằng, về mặt lý thuyết, con người có thể tái tạo lại các loài khủng long, cũng như voi ma mút, dựa trên DNA của các loài chim.
Bằng cách xác định và thay thế các gene cố định được tìm thấy trong DNA của những loài chim hiện đại, bà tin rằng các nhà khoa học có thể “thiết kế” lại các bộ gene của các sinh vật thời tiền sử.
Lý thuyết này đã khơi gợi lại câu chuyện trong phim “Công viên kỷ Jura”, tuy nhiên, nỗ lực hồi sinh các sinh vật tiền sử bằng khoa học kỹ thuật xem ra đáng tin tưởng hơn những cách đã được sử dụng trong bộ phim năm 1993.
Trong bộ phim, đạo diễn Steven Spielberg đã tưởng tượng ra việc các nhà di truyền học tái tạo lại khủng long bằng cách sử dụng DNA được bảo tồn từ các loài côn trùng hút máu khủng long đã bị dính vào nhựa cây và biến thành hổ phách.
Một con muỗi được phát hiện có máu của động vật khác trong bao tử gần đây là 46 triệu tuổi, tuy không phải thời đại khủng long, nhưng cũng gần một cách đầy trêu ngươi. Tuy nhiên, hy vọng dường như đã tan biến khi một đội nghiên cứu của Đại học Murdoch Tây Australia đã chứng minh rằng DNA không thể được bảo quản tốt quá 6,3 triệu năm. Trong khi hầu hết khủng long đều tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm, trong kỷ Phấn trắng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Woollard đã đưa ra lý thuyết rằng “kỳ tích hồi sinh” có thể đạt được bằng cách cho “tiến hóa ngược” các loài chim.
“Chúng ta đều biết rằng các loài chim là hậu duệ trực tiếp của khủng long, như đã được chứng minh bởi một dòng nghiên cứu không gián đoạn về hóa thạch, vốn theo dõi sự tiến hóa của dòng di truyền từ các sinh vật như Velociraptor hoặc T-Rex thông qua các loài chim ngày nay”, Tiến sĩ Woollard nói.
Điển hình nhất trong những phát hiện này chính là Archaeopteryx, hóa thạch cho thấy rõ ràng nhất sự chuyển đổi từ những loài khủng long lông vũ thành những loài chim hiện đại. Sự tiến hóa này cho thấy ẩn sâu bên trong DNA của những loài chim ngày nay là các gene kiểm soát những đặc điểm di truyền của khủng long đã bị “tắt” đi.
“Liệu chúng ta có thể “tua lại” quá trình tiến hóa bằng cách “khởi động lại” những gene này và sử dụng chúng để định hướng quá trình phát triển của thế hệ con, con của con, thậm chí là cháu chắt của các loài chim để lùi lại sự tiến hóa?”
Tất cả các loài động vật và thực vật đều có liên quan đến nhau, cùng chia sẻ một tổ tiên chung tồn tại từ 1,6 tỷ năm về trước.
“Về lý thuyết, chúng ta có thể sử dụng kiến thức của chúng ta về quan hệ gene giữa chim và khủng long để “thiết kế” bộ gene của một con khủng long thực sự”, theo Tiến sỹ Woollard. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tìm hiểu về độ dài hoàn chỉnh của một bộ gene khủng long để biết cần thực hiện những thay đổi gì trên bộ gene của chim. Thậm chí nếu có DNA khủng long còn tồn tại nhưng không được bảo tồn tốt, thì nó cũng sẽ bị phân mảnh thành các đoạn nhỏ.
Để có thể tạo được một bộ gene hoàn chỉnh, các nhà khoa học cần phải kết hợp hàng triệu đoạn acid nucleic lại với nhau theo một trật tự chính xác, tương tự như việc lắp rắp một bộ xếp hình khổng lồ với cấu trúc phức tạp và tất cả các mảnh đều có hình dạng giống nhau.
Tuy nhiên, việc hồi sinh một con voi ma mút dường như sẽ ít khó khăn hơn. Với công nghệ nhân bản vô tính hiện đại, chúng ta có thể hồi sinh các chủng loài tuyệt chủng trong thời gian khoảng 6,8 triệu năm trở về hiện nay, nếu các tế bào phù hợp được tìm thấy.
Các nhà khoa học Pháp và Tây Ban Nha đã từng bảo tồn thành công loài dê núi Alpes trước nguy cơ tuyệt chủng bằng nhân bản vô tính từ năm 2000. Bên cạnh đó, rất nhiều mô tế bào của voi ma mút cũng đã được các nhà khoa học Hàn Quốc và Mông Cổ tìm thấy trong các vách băng tại vùng Siberia. Nếu có thể tìm thấy các tế bào phù hợp, hoặc thậm chí chỉ cần các hạt nhân nguyên vẹn của một tế bào từ các mô được tìm thấy, các nhà khoa học có thể tạo ra một con vật nhân bản vô tính.
Tuy nhiên, lý thuyết và thành tích đã châm ngòi một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà di truyền học, nhà sinh học và nhà bảo tồn xung quanh ý nghĩa đạo đức của việc đưa loài vật từ cõi chết trở về.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Woollard đã phản đối. “Liệu chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải giới thiệu lại những loài vật hiện đại mà chúng ta đã tuyệt chủng hay không?”. “Liệu sự đa dạng sinh học sẽ tăng cường hệ sinh thái của chúng ta hay các sinh vật vô tính sẽ trở thành bể chứa virus chết người? Làm thế nào để các nhà khoa học có thể kẻ đường ranh giới?”
“Và trên hết, một lưu ý thực tế hơn, nếu chúng ta nhắc nhở chính mình về nỗi sợ hãi đã được miêu tả trong bộ phim bom tấn Jurassic Park … Liệu chúng ta có thực sự muốn sống cùng với khủng long?”
2013-12-24 14:48:36
Nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/khao-co-hoc/51122_Thoi-dai-khung-long-co-the-hoi-sinh.aspx