Sự ra đời của DF-1 đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á sở hữu tên lửa đạn đạo cũng như khả năng tấn công tầm xa trên lý thuyết.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, trật tự thế giới mới được hình thành, Liên Xô-Mỹ trở thành 2 cực của thế giới. Sau khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) được thành lập vào năm 1949, Liên Xô đã nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao sâu sắc với Trung Quốc nhằm hình thành một liên minh đối trọng với Mỹ ở khu vực châu Á.
Đầu những năm 1950, Liên Xô bắt đầu giúp Trung Quốc xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí theo giấy phép từ Moscow, bước đầu hình thành nền tảng cho công nghiệp quốc phòng Trung Quốc ngày nay. Một trong những trọng tâm trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Xô-Trung là chuyển giao công nghệ tên lửa cho Trung Quốc. Đó cũng chính là khởi nguồn cho những bất đồng giữa đôi bên về sau.
Công chúng biết đến DF-1 là một mô hình trưng bày ở trong bảo tàng.
Năm 1956, dưới sự giúp đỡ của Liên Xô, Học viện nghiên cứu số 5 được thành lập, đây là cơ sở nghiên cứu về tên lửa đầu tiên của Trung Quốc trực thuộc Bộ Quốc phòng nước này. Cũng trong thời gian này, 50 học viên của Trung Quốc đã được gửi sang Liên Xô đào tạo về công nghệ tên lửa tại Viện Hàng không Moscow.
Liên Xô đã hào phóng chuyển giao cho Trung Quốc rất nhiều tài liệu về công nghệ tên lửa cùng 2 nguyên mẫu tên lửa đạn đạo R-1 được phát triển bởi Phòng thiết kế Korolev vào năm 1956. Đến tháng 12/1957, Liên Xô lại chuyển giao cho Trung Quốc tiếp 2 nguyên mẫu tên lửa đạn đạo R-2 để nước này nghiên cứu.
Không dừng lại ở đó, một phái đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã được cử sang Bắc Kinh để giúp nước này sản xuất R-2 trong nước. Tên lửa R-2 sản xuất tại Trung Quốc được chỉ định là Đề án 1059. Hơn 1.400 tổ chức đã được huy động tham gia vào quá trình sản xuất các thành phần của R-2 cũng như nghiên cứu những công nghệ của tên lửa này do Liên Xô chuyển giao.
Ban đầu, Học viện nghiên cứu số 5 dự định phát triển một dòng tên lửa đạn đạo tầm trung mới theo công nghệ bản địa song song với Đề án 1059 được gọi là Đông Phong (Gió Đông) DF-1. Tuy nhiên, chương trình này quá sức so với nền tảng công nghệ lúc đó của Trung Quốc nên chương trình bị hủy bỏ và ghép chung vào với Đề án 1059 và được gọi chung là DF-1/1059.
DF-1 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng 5D62, nhiên liệu cho động cơ này là hỗn hợp oxy và cồn. Tên lửa có chiều dài 17,7 mét, đường kính 1,65 mét, trọng lượng phóng 20,5 tấn. DF-1 có tầm bắn khoảng 550km mang theo đầu đạn nặng 500kg. Tên lửa được vận chuyển trên một xe kéo cùng một đường ray để khởi động tên lửa.
Hình ảnh hiếm hoi về thử nghiệm của DF-1.
Sự ra đời của tên lửa này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á sở hữu tên lửa đạn đạo cũng như khả năng tấn công tầm xa. Nhưng mặt khác tên lửa này không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nên mức độ đe dọa của nó chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Tên lửa DF-1 là một loại tên lửa đất đối đất cấp chiến dịch-chiến thuật, tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu bằng quán tính nên độ chính xác không cao. Mặt khác thời gian chuẩn bị chiến đấu của tên lửa này tương đối chậm.
DF-1 được thử nghiệm lần đầu vào năm 1960 nhưng không mấy thành công, thử nghiệm tiếp theo được thực hiện vào năm 1963 nhưng chỉ ở mức đạt yêu cầu thử nghiệm chứ chưa đạt được hiệu suất chiến đấu mong muốn. Mặc dù dây chuyền sản xuất DF-1 được duy trì cho đến năm 1966 nhưng tên lửa này không bao giờ được đưa vào trang bị trong quân đội Trung Quốc do đặc tính kỹ chiến thuật của tên lửa quá kém.
Tên lửa DF-1 chưa bao giờ được công bố một cách chính thức điều đó khiến thông số kỹ thuật của nó rất khó được kiểm chứng. Nó cũng phần nào cho thấy sự không thành công của DF-1 với công nghệ “học mót” của Trung Quốc, song sự thất bại của DF-1 đã tạo tiền đề cho Trung Quốc cho ra đời thế hệ tiếp theo của gia đình Đông Phong.
Theo Tri thức trẻ
Những pha “tự xòe” của “mèo hoang” F4F trên tàu sân bay:
2013-12-22 19:48:48
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ten-lua-dan-dao-df-1-made-in-china-dau-tien-a119303.html