Tác giả bức ảnh gây sốc của ông Obama kể chuyện hậu trường
Thursday, December 12, 2013 8:57
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Đây đúng là những bức ảnh tôi chụp khoảnh khắc gây phản cảm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt trong tang lễ Nelson Mandela. Tôi không ngờ rằng những bức ảnh đó lại lan truyền trên mạng với một tốc độ nhanh chóng và làm mọi chuyện rối tung lên như vậy.
Tôi đến Nam Phi cùng với một số nhà báo khác của AFP để đưa tin tang lễ cố Tổng thống Nelson Mandela. Chúng tôi có mặt tại sân vận động Soccer City ở Soweto từ sáng sớm và khi tôi chụp bức ảnh này, buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra khoảng hơn 2 giờ.
Từ khán đài, Tổng thống Obama đọc diễn văn ca ngợi Mandela là “một người khổng lồ của lịch sử, người đưa một quốc gia tới công lý”. Sau bài diễn văn đầy xúc động, Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ ngồi xuống cách nơi tôi đứng khoảng 150 mét. Bên cạnh ông là nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác và tôi quyết định bám sát động thái của ông nhờ sự trợ giúp của 2 ống kính tele 600mm.
Bên cạnh ông Obama là Thủ tướng Anh David Cameron và một phụ nữ mà ban đầu tôi không nhận ra là ai. Sau này tôi mới biết đó là Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt. Tôi là một người Colombia gốc Đức, làm việc ở Ấn Độ, do đó tôi không cảm thấy quá tệ khi không nhận ra bà. Lúc đó, tôi nghĩ rằng bà là một trong nhiều nhân viên của ông Obama.
Bất ngờ, người phụ nữ ấy rút điện thoại di động của mình ra và chụp một bức ảnh tươi cười với Cameron và Obama. Theo phản xạ, máy ảnh trong tay tôi bấm liên hồi. Xung quanh tôi, tất cả người dân Nam Phi ở sân vận động đang nhảy múa, ca hát và cười nói để tôn vinh nhà lãnh đạo quá cố của họ.
Bầu không khí giống như một lễ hội chứ không phải lễ tang. Buổi lễ đã diễn ra 2 tiếng và ít nhất còn kéo dài thêm 1 tiếng nữa. Không khí hoàn toàn thoải mái, tôi không nhìn thấy bất cứ điều gì gây sốc trong ống kính. Chúng tôi đang ở Châu Phi mà.
Sau đó, tôi đọc trên các mạng xã hội rằng bà Michelle Obama trông có vẻ khó chịu khi chồng mình tươi cười chụp ảnh ngả ngớn với nữ Thủ tướng Đan Mạch. Nhưng những bức ảnh cũng có thể nói dối. Trên thực tế, chỉ vài giây trước đó, đệ nhất phu nhân còn cười đùa với những người xung quanh mình, kể cả ông Cameron và bà Schmidt. Tôi chỉ vô tình chụp đúng khoảnh khắc bà Obama với cái nhìn nghiêm nghị mà thôi.
Tôi chụp những bức ảnh này hoàn toàn tự nhiên, không hề suy nghĩ về những tác động mà chúng có thể gây ra. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo thế giới cũng chỉ hành động như những người bình thường, như tôi, như bạn. Tôi không nghĩ rằng ai đó có thể lạnh lùng trong suốt buổi lễ khi hàng chục nghìn người khác hò reo trên sân vận động.
Đối với tôi, hành động tự chụp ảnh cho nhau của các nhà lãnh đạo này là điều hoàn toàn tự nhiên. Tôi thấy không có gì phải phàn nàn về điều đó và có lẽ tôi cũng đã làm như thế nếu ở vị trí của họ.
Nhóm phóng viên của AFP làm việc cật lực để cố gắng truyền tải được tình cảm của người dân Nam Phi trong buổi lễ tiễn đưa một người mà họ coi là cha. Chúng tôi đưa lên khoảng 500 bức ảnh, cố gắng khắc họa cảm xúc thật của họ, song dường như những bức ảnh nói trên đã làm lu mờ tất cả công việc tập thể của chúng tôi.
Không khí lễ hội trong tang lễ Nelson Mandela.
Thực ra, việc nhìn thấy các nhà lãnh đạo với tư cách là những người thường là điều khá thú vị, bởi chúng ta hầu hết đều nhìn thấy họ trong những tình huống được kiểm soát chặt chẽ. Có lẽ, những bức ảnh “tự sướng” nói trên chẳng có gì to tát nếu như báo chí được phép tiếp cận nhiều hơn giới lãnh đạo cao cấp và có thể đưa tin về họ như những người bình thường, giống như chúng ta.
Tôi cũng thú nhận rằng phản ứng của công chúng khiến tôi có chút buồn, chúng tôi bị ám ảnh bởi những chuyện tầm phào hằng ngày thay vì những gì có ý nghĩa thực sự quan trọng.
Theo Vân Anh
Lao động