Một bộ Bia và Liễn đá hiện được bảo quản trong bảo tàng Bắc Ninh, được phát hiện năm 2012. (Ảnh: anninhthudo.vn)
Bia đá vừa được tìm thấy là loại bia nhọn, có hình dáng đặc biệt, không giống bất cứ tấm bia nào đã tìm thấy trước đó. Kết cấu bia gồm hai phần: thân bia và đế bia. Thân bia được tạo bởi một phiến đá lớn, phần trán bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác. Đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật. Có thể do chịu chấn động mạnh của bom đạn thời chiến tranh, tấm bia bị vỡ làm đôi. Nếu bia vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu, kích thước phần thân bia có chiều cao gần 2 mét, chiều rộng gần 1 mét, bề dày 15cm; phần đế bia dài 1,36 mét, rộng 1 mét, cao 30cm.
Do có niên đại sớm nên tấm bia bị cũ và rỗ nhiều. Hiện nay, ở cả 2 mặt bia còn khoảng 300 chữ có thể đọc được. Mỗi mặt lại được viết theo một lối chữ khác nhau. Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên (314) còn khoảng 120 chữ được viết theo phong cách Lệ thư; mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên (450) còn khoảng 150 chữ được viết theo phong cách Khải thư. Nét chữ ở cả 2 mặt đều được khắc sâu và rõ nét.
Trước đó, năm 2012, cũng tại Bắc Ninh tấm bia tháp xá lợi có niên đại 601 (được coi là tấm bia cổ nhất Việt Nam đến thời điểm đó) đã được phát hiện. Tấm bia đó là Di sản văn hoá vật thể độc đáo ghi khắc về chùa Thiền Chúng, địa danh huyện Long Biên vùng đất Giao Châu, góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên cũng như tên chùa Thiền Chúng xuất hiện duới thời Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VII. Qua đó, giúp chúng ta nghiên cứu tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử phật giáo Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý.
2013-12-03 00:48:04
Nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/khao-co-hoc/50680_Phat-hien-tam-bia-da-co-nhat-Viet-Nam.aspx