10 năm sau khi Roman Abramovich tiếp quản Chelsea, các CLB châu Âu vẫn là mục tiêu mà các nhà tài phiệt nước ngoài theo đuổi, từ ông trùm châu Á, Hoàng thân Ả rập tới các doanh nhân Mỹ…
Xu hướng này tập trung tại Premier League, nơi luật pháp chào đón những nhà đầu tư tiềm năng và nhiều CLB xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Tính đến thời điểm hiện tại, 11 trong tổng số 20 CLB Premier League đang thuộc sở hữu của ông chủ ở bên kia đại dương. Ngoài Anh, các nhà đầu tư cũng chú ý đến các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là Pháp. Tại đây, CLB không bị đè nặng bởi những khoản nợ khổng lồ như ở Tây Ban Nha hay bị bảo vệ bằng pháp luật- ngăn ngừa các nhà đầu tư tư nhân sở hữu nhiều hơn 49% cổ phần của CLB – như ở Đức.
Bởi thế, trong những năm qua, tại đây đã xảy ra nhiều vụ tiếp quản rùm beng. Thương vụ gây chú ý nhất là PSG được mua lại bởi Qatar Investment Authority năm 2011 và tỷ phú Nga Dimitry Rybolovlev nắm quyền kiểm soát của Monaco vào tháng 12 năm đó.
Túi tiền của giới chủ giàu có tác động ngay lập tức tới thị trường. Việc đầu tiên mà các chủ sở hữu mới làm là rút hầu bao để mua về các ngôi sao đắt giá trên thị trường chuyển nhượng. Bằng cách này, họ không chỉ cải thiện năng lực của đội bóng trên sân cỏ mà còn tăng thanh danh của bản thân mình, cũng như tiếng tăm của CLB.
Việc ông chủ nước ngoài sở hữu đội bóng tại châu Âu không còn là chuyện lạ như thời Roman Abramovich mua lại Chelsea.
Nhưng ở góc độ kinh tế học, nó gây ra lạm phát và sự mất cân bằng đối với những CLB thuộc sở hữu của ông chủ ít tiền hơn. Điều này đã được Trung tâm Luật và Kinh tế của Thể thao (CDES) ở Limoges, Pháp lưu ý và mới đây họ đã gửi báo cáo liên Liên minh châu Âu với mong muốn điều chỉnh hệ thống chuyển giao trong bóng đá.
Việc làm đầu tiên của các ông chủ mới thường là chi tiền giúp CLB xóa nợ. Khi Thohir tiếp quản Inter Milan, ông cũng hứa sẽ giúp đội bóng này giảm nợ. Ở bề nổi, đó là dấu hiệu đáng mừng cho CLB và fan của họ. Nhưng sâu xa hơn, sự thiếu căn ke trong quản lý nợ và hoang phí tiền bạc mua sắm, sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của quốc gia sở tại.
Trong báo cáo của mình, CDES đã lưu ý rằng, lạm phát lớn nhất xảy ra sau khi Abramovich đến Chelsea vào năm 2003, Man City được mua bởi Abu Dhabi United Group sau đó 5 năm, và PSG cùng Monaco cạnh tranh để phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng.
FFP có phải giải pháp tối ưu?
Trường hợp của Monaco là một ví dụ hoàn hảo. CLB Công quốc đánh dấu sự trở lại với giải đấu cao nhất tại Pháp bằng cách chi tiêu 167 triệu euro trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Sau đó, tỷ phú người Nga, Suleiman Kerimov, biến một Anzhi Makhachkala nhỏ bé thành đối thủ đáng gờm trên đấu trường châu Âu chỉ bằng cách chi tiền. Mới đây, tỷ phú Malaysia Vincent Tan tiếp quản Cardiff City và mang lại những thay đổi không được fan ủng hộ.
“Có nhiều loại đầu tư khác nhau” – Frederic Bolotny, một nhà tư vấn về kinh tế thể thao cho biết. Theo ông Bolotny có nhiều nhà đầu tư tìm lợi ích gián tiếp, chẳng hạn là chính trị, thông qua đầu tư thể thao. Một số khác thì với mục đích hợp lý hơn như Abramovich tại Chelsea hoặc Rybolovlev tại Monaco – tìm kiếm sự tôn trọng thay vì số tiền mà họ kiếm được từ đội bóng.
Chẳng phải trường hợp nhà đầu tư nào cũng tìm đến với bóng đá vì mục đích tiền bạc như nhà Glazer ở Man United. Bởi sự bất quan tâm tới tiền bạc của các ông chủ, lo ngại tới tổng quan nền kinh tế càng đáng lo hơn.
UEFA đang dần thiết lập Luật công bằng tài chính (FFP) trong nỗ lực nhằm ngăn chặn các CLB tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Theo lý thuyết thì FFP sẽ ra đời để ngăn chặn những trường hợp chi tiêu không hợp lý như ở trên. Thế nhưng liệu đây có phải là giải pháp tối ưu?
UEFA sẽ làm thế nào vẫn còn phải chờ đợi. Nhưng nếu họ thành công trong việc đưa bóng đá châu Âu trở lại với nền tảng tài chính lành mạnh, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có tiếp tục thể hiện sự quan tâm tới các đội bóng trên lục địa già? Đó là câu hỏi đang làm đau đầu các chuyên gia tài chính kinh tế thể thao.