Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 11/2013 của Bộ Công Thương tại Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh. Do đây là thời điểm cuối năm nên việc kích cầu, giải phóng hàng tồn kho được đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, những ngành có tốc độ tăng trưởng cao gồm: Chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 20,6%, sản xuất bia 14% , sản xuất hàng may sẵn tăng 50,9%…
Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, chỉ số tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11 tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012. Trong đó, một số ngành tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ số tồn kho lớn như: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 69,9%; sản xuất đồ uống tăng 20,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 20,3%; sản xuất giầy, dép tăng 2,1 lần…
Đặc biệt sản phẩm điện tử dân dụng tồn kho tăng 83,8%, mô tô, xe máy tăng 84%.
Bên cạnh mặt hàng có chỉ số tồn kho cao thì nhiều mặt hàng, chỉ số hàng tồn kho đã giảm đáng kể. Cụ thể: Sản xuất vải dệt thoi giảm 49,6%, xi măng giảm 50,3%, linh kiện điện tử giảm 66,2%…
Tồn kho trong sản xuất một số sản phẩm ước đến hết tháng 11/2013: Than tiêu chuẩn tồn hơn 6,47 triệu tấn; thép các loại gần 300 nghìn tấn; giấy khoảng 22,1 nghìn tấn; phân bón tồn 880 nghìn tấn.
Về nguyên nhân và giải pháp nhằm giải phóng hàng tồn kho đối với từng mặt hàng. Mặt hàng phân bón, ông Nguyễn Gia Tường – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất cho biết, 11 tháng đầu năm, tâp đoàn sản xuất khoảng 3,8 triệu tấn phân bón, tồn kho 880 nghìn tấn, so với đầu năm vượt tồn kho tăng 200 nghìn tấn.
Phân DAP tồn kho 60 nghìn tấn, đạm 100 nghìn tấn do phải cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu. Thậm chí, phân NPK đang tồn kho 300 ngàn tấn. Thêm nữa, dù nguồn cung thế giới giảm (Trung Quốc và Ai Cập đang khó khăn về cung khí đốt tự nhiên cho sản xuất phân bón) nhưng nguồn cung trong nước lại lớn hơn cầu.
Chất lượng phân bón cũng là nguyên nhân chính. Phân bón kém chất lượng, giá rẻ bán tràn lan khiến hàng do doanh nghiệp chân chính sản xuất tiêu thụ chậm. “Tập đoàn đã phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo tìm giải pháp chống nạn phân bón kém chất lượng. Tuy nhiên, đến nay việc quản lý cơ sở sản xuất chưa đạt như yêu cầu. Ai cũng có thể sản xuất phân bón giá rẻ, kém chất lượng với nhiều thương hiệu khác nhau. Ví dụ hàm lượng dinh dưỡng quy định 20% họ chỉ làm 2%”, ông Nguyễn Gia Tường bức xúc.
Để đẩy mạnh tiêu thụ, các doanh nghiệp ngành phân bón và hóa chất sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động (hội thảo đầu bờ, mô hình trình diễn kỹ thuật…) nhằm cung cấp thông tin giúp cho bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách cân đối và hợp lý.
Đối với hàng điện tử, các doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp kích cầu trực tiếp như: Giảm giá từ 20 – 30% kèm quà tặng hiện vật hoặc tiền mặt nhằm thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, nhận thấy khâu trung gian làm tăng chi phí đến 10% nên không ít doanh nghiệp đã không phân phối qua đại lý bán buôn mà chuyển hàng cho các nhà bán lẻ trực tiếp nhằm giảm giá sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh hoặc ấn định giá bán như nhau cho tất cả khách hàng dù mua nhiều hay mua ít.
Ngành sữa có chính sách khuyến khích sản xuất trong nước để người dân và đặc biệt là trẻ em có thể sử dụng sữa giá rẻ, phù hợp với thu nhập.
Nhìn chung, các doanh nghiệp đều hy vọng, những tháng cuối năm tốc độ tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, đồng thời đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trả nợ đơn hàng, nhất là ngành dệt may và giày dép sẽ giúp hàng tồn kho giảm mạnh.
Kết luận buổi giao ban trực tuyến, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2013, ngành Công Thương cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quà Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Tiếp tục đẩy nhanh giải pháp mở rộng thị trường, giải phóng hàng tồn kho, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng “sốt” giá. Vụ Thị trường trong nước phối hợp với doanh nghiệp, tập đoàn cung ứng đủ hàng cho người tiêu dùng trước và sau tết nguyên đán. Riêng về kiến nghị Tập đoàn Hóa chất về tăng cường quản lý chất lượng phân bón, đề nghị Cục QLTT phối hợp cùng doanh nghiệp tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn phân bón kém chất lượng.
2013-12-01 21:40:31
Nguồn: http://infotv.vn/kinh-doanh-dau-tu/thi-truong-tieu-dung/85049-doc-suc-giai-phong-hang-ton-kho