Tại Trung Quốc 2.500 năm trước, Khổng Tử từng đưa ra triết lý về người làm quan: phải có nhân, biết tu thân, có kiến thức và lời nói phải đi với hành động, rằng quan có lời nói đi đôi với hành động thì không mị dân, không nói những lời nói khoa trương, đạo đức giả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hành trình cách mạng của mình, từng nhiều lần nhấn mạnh đến tinh thần “nói đi đôi với làm”, coi đó là một nguyên tắc cơ bản trong làm việc. Từ năm 1927, trong cuốn “Đường kách mệnh”, Người nêu lên 23 điều phải có về tư cách một người cách mạng, trong đó điều thứ 10 là: “Nói thì phải làm”.
Từ cổ đến kim, từ Tây sang Đông, lý thuyết và thực tiễn đều nhấn mạnh rằng, chính khách, dù là ông vua thời phong kiến hay ông thị trưởng hiện đại được bầu bằng các lá phiếu, thì hành động là yêu cầu bắt buộc. Chính khách hành động vì những yêu cầu phát triển của quốc gia và lợi ích của nhân dân là điều được chờ đợi ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ thời điểm nào.
Vì lẽ đó, phát ngôn về hành động và cách thức hành động của bất cứ chính khách nào cũng luôn nhận được sự chú ý đặc biệt.
Phát biểu tại Quốc hội ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói rằng ông là “người hành động, không thích rườm rà, không muốn nói nhiều về những việc đã làm và những điều mình chưa làm”.
Thông điệp này, một lần nữa được ông nhắc lại trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/12, rằng “những gì cần nói thì sẽ nói, nói kịp thời, chính xác. Còn hành động thì không chỉ hành động cho mình mà là thực hiện chức trách trên cương vị được giao”.
Ông Nên được tiếng là một “người Nam Bộ” với sự quyết liệt trong điều hành khi còn làm Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh Tây Ninh. Cho dù, ai cũng biết, môi trường công việc ở tỉnh và ở Chính phủ là khác nhau. Trong khi chờ đợi hành động từ tân Bộ trưởng, quan điểm “bộ trưởng hành động” là điều cần được ghi nhận từ vị lãnh đạo mới này.
Lời hứa hành động
Điều đáng chú ý là trước ông Nên, nhiều bộ trưởng khác cũng đã đưa ra thông điệp “bộ trưởng hành động”.
Một ví dụ là Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Tháng 8/2007, từ vị trí Bí thư Lạng Sơn, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, vào thời điểm bộ này vừa hình thành từ hai bộ Thương mại và Công nghiệp, trở thành một “siêu bộ”.
Có bằng tiến sỹ kinh tế, từng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hà Tây rồi Bí thư Lạng Sơn, ông Hoàng được kỳ vọng là một nhân tố mới trong “đội hình” Chính phủ. Bản thân ông, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ sau khi được bổ nhiệm, đã nói rằng “để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước luôn đòi hỏi một bộ trưởng phải hành động”.
“Cá nhân tôi xin nói sẽ cố gắng hết sức, sẽ bắt nhịp công việc và sẽ điều hành Bộ Công thương hoạt động hiệu quả. Tôi sẽ là bộ trưởng hành động”, ông Hoàng nói.
Tuy nhiên, nhìn từ phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, có thể thấy sau gần hai nhiệm kỳ Bộ trưởng, những công việc chính của ngành công thương vẫn cứ diễn ra “đều đều”, các vấn đề căn bản nhất của ngành công thương, từ điện, than, dầu khí đến thương mại trong và ngoài nước vẫn chưa thấy điểm nhấn nào đặc biệt.
Cũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, những phát biểu của ông Hoàng về quy hoạch thủy điện cũng đã làm thất vọng nhiều đại biểu, thậm chí có đại biểu đã lên tiếng đòi xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng.
Ông Hoàng không phải bộ trưởng duy nhất đưa ra thông điệp “bộ trưởng hành động”. Một bộ trưởng khác, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong buổi lễ bàn giao công việc với người tiền nhiệm, cũng từng tuyên bố muốn là một “bộ trưởng hành động”.
Không thuộc diện “hai nhiệm kỳ” như các ông Vũ Huy Hoàng và Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng từng đưa ra thông điệp hành động khi mới nhận chức, nhưng nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm đi đôi với quyền điều hành.
“Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”, ông Thăng nói vào thời điểm đó.
Tinh thần hành động đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng thể hiện khá quyết liệt trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, thể hiện qua hàng loạt quyết định điều hành quyết liệt, thậm chí khá sốc. Nhiều người hiện xem những bộ trưởng “dám nói, dám làm” như ông Thăng là cần thiết để xốc lại những guồng máy công việc đã nhiều năm quen với tình trạng “sống chậm”.
Nhưng có lẽ những lực cản vô hình còn nằm ở đâu đó đã và đang ngăn cản mong muốn “hành động” của nhiều bộ trưởng, dẫn tới cách hành xử thiên về an toàn thay cho hiệu quả. Câu chuyện về “chính khách hành động”, chính vì thế, vẫn sẽ còn mang những màu sắc khác nhau trong nhiều năm nữa.
VnEconomy
2013-12-03 23:23:24
Nguồn: http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/bo-truong-va-chuyen-noi-la-lam-2013120414001670020ca33.chn