Thức ăn chủ yếu của khỉ Marmoset là côn trùng, lá cây, trái cây chín. Ngoài tự nhiên, khỉ lùn sống trong rừng nhiệt đới Amazon, các nước Nam Mỹ với từng bầy nhỏ gồm 5-6 con trong đó có 1 con đực đầu đàn và 1 con cái chuyên sinh sản. Trong moi trường nuôi nhốt, khỉ Marmoset vẫn giữ thói quen dữ tợn khi bước vào thời kỳ giao phối, và chúng có thể trở nên nguy hiểm khi tấn công cả chủ nuôi.
Từng gây sốt trên các diễn đàn mua bán sinh vật cảnh, giá mỗi con khỉ Marmoset có chiều dài khoảng 6cm tại Việt Nam khoảng 1.300 USD đến 2.300 USD vào năm 2008, và tăng chóng mặt sau đó một năm. Đến năm 2010, một con khỉ Marmoset quảng cáo là “đã thuần” còn được rao bán với giá từ 7.500 USD đến 10.000 USD.
Tuy nhiên, theo nhiều cửa hàng chuyên cung cấp thú cưng tại Hà Nội, khỉ Marmoset dù được săn đón trên thị trường nhưng do số lượng quá ít, loài thú cưng này không thể trở nên phổ biến và nhanh chóng giảm sức hút.
Đến nay, hầu như thông tin mua bán loài khỉ lùn này đã không còn. Thậm chí, phần đông những người nuôi thú cưng chia sẻ, họ chỉ nhìn thấy hình ảnh của Marmoset trên các tạp chí về sinh vật độc lạ thế giới, chứ rất hiếm khi thấy một chú khỉ tương tự trong môi trường nuôi nhốt.
Marmoset giao tiếp bằng nhiều hình thức phức tạp bao gồm âm thanh, hóa chất tiết ra từ tuyến trên ngực, bộ phận sinh dục hoặc các tín hiệu cử chỉ. Các nhà nghiên cứu cũng từng phát hiện ra đặc tính độc đáo của loài khỉ Marmoset khi chúng có thể giao tiếp, phân chia lượt nói với nhau để tránh chen ngang, cướp lời.
Những buổi nói chuyện của khỉ Marmoset có thể kéo dài đến nửa tiếng, giữa những con thân quen và cả xa lạ. Đặc tính này ở loài khỉ đậm chất “buôn dưa lê” kiểu con người, khiến chúng càng được ưa thích vì hoạt ngôn, thân thiện và hòa đồng.
Không giống như ếch Pacman, dù có chung bi kịch đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng, loài linh trưởng này không được khuyến khích trở thành vật cảnh để tái tạo đàn. Thực tế, dáng vẻ nhỏ bé của chúng khiến khả năng tồn tại ngoài tự nhiên vốn đã thấp, nay lại bị chính việc con người săn bắt, mua bán động vật hoang dã để làm thú cưng còn làm số lượng loài động vật sụt giảm mạnh hơn nhiều.
Theo Tri thức