Các loài linh miêu tuyết có đặc điểm chung là đuôi ngắn, bàn chân to để đi trên tuyết, thường có một búi lông đen trên chỏm tai và khoanh bờm phía dưới cổ.
Chúng sinh sống trong các khu rừng nằm ở độ cao lớn với các loại cây bụi, cỏ và lau sậy rậm rạm và thường chọn nơi nghỉ ngơi trong các khe hở của núi đá hay dưới các rìa đá. Chúng thường sống đơn độc, mặc dù đôi khi người ta cũng thấy các nhóm nhỏ linh miêu đi săn cùng nhau.
Mặc dù linh miêu tuyết chỉ đi săn trên mặt đất nhưng chúng leo trèo và bơi lội khá tốt. Chúng kết đôi vào mùa đông, và sinh ra từ 2-4 linh miêu con trong một năm.
Loài mèo này ăn các loại động vật khác nhau, thông thường là chim, thú nhỏ, cá, cừu hay dê, nhưng cũng có khi là các loài to lớn như tuần lộc, hoẵng, sơn dương. Món ăn ưa thích nhất của chúng là thỏ hoang dã.
Mặc dù có thân hình to lớn, nhưng linh miêu thường lẩn tránh con người. Rất hiếm trường hợp chúng tấn công con người, dù là chỉ phòng vệ.
Là một loài mèo đẹp và mạnh mẽ, linh miêu tuyết đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm hội họa. Tiếc rằng do bị săn bắt để lấy lông, chúng đã rơi vào tình trạng nguy cấp ở nhiều khu vực sinh sống.
Linh miêu Á-Âu (lynx lynx) đã từng bị coi là tuyệt chủng trong tự nhiên tại Slovenia và Croatia kể từ đầu thế kỷ 20, nhưng dự án bảo tồn khởi động năm 1973 đã thu được thành công.
Hiện nay, linh miêu Á-Âu có thể tìm thấy tại khu vực Alps thuộc Slovenia và các khu vực Gorski Kotar, Velebit của Croatia. Tại hai nước này, linh miêu là loài đang nguy cấp và được luật pháp bảo vệ. Kể từ thập niên 1990, đã có nhiều cố gắng phục hồi và phát triển linh miêu Á-Âu tại Đức.
Loài cực kỳ nguy cấp là linh miêu Iberia sống tại miền nam Tây Ban Nha và trước đây còn có ở miền đông Bồ Đào Nha. Các nhà khoa học chỉ còn ghi nhận được 80 cá thể linh miêu Iberia hoang dã còn tồn tại trên toàn thế giới.
Khai quật khảo cổ học ở bán đảo Iberia (cực Tây Nam châu Âu) cho thấy, loài linh miêu vốn tồn tại phổ biến ở quần đảo này. Các bộ lạc tại đảo coi linh miêu là quái vật với sức mạnh siêu nhiên, có khả năng liên kết với thế giới bên kia.
Đầu thế kỷ 20, chúng còn phổ biến ở Tây Ban Nha, với số lượng ước khoảng 100 ngàn cá thể, sống trên diện tích khoảng 60.000km2. Tuy nhiên, đến năm 1960, số lượng linh miêu Iberia tụt xuống còn 10 ngàn cá thể và chúng có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2000 khi chỉ còn 36 cá thể. Phải có sự nỗ lực vào cuộc của các nhà khoa học, loài linh miêu Iberia mới tăng lên 80 cá thể như hiện tại.
Sự suy giảm khủng khiếp là do việc săn bắn lấy lông. Sự tàn phá môi trường, mở rộng nông nghiệp, cũng khiến loài vật này suy giảm. Ngoài ra, sự suy giảm thỏ, là thức ăn chính của linh miêu, cũng khiến chúng bên bờ vực tuyệt chủng.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ lưỡng tập quán và thấy rằng, 80-100% thức ăn trong suốt cuộc đời của chúng là thỏ.