Tại Việt Nam, theo công bố của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường năm 2012 là 5,7% trong khi năm 2002 tỷ lệ này chỉ khoảng 2,7% dân số. Đây là mức gia tăng đáng báo động vì trong vòng 10 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng gấp đôi.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh cao trong khu vực châu Á là do sự thay đổi trong tăng trưởng kinh tế, kéo theo nhiều thay đổi xã hội. Những thay đổi về lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng, thói quen lười vận động của người dân đã dẫn tới việc số người mắc bệnh này ngày càng tăng cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Theo ước tính của Liên đoàn đái tháo đường thế giới IDF, từ nay đến năm 2030, số người Việt Nam có triệu chứng rối loạn chuyển hóa glucose, một dạng tiền đái tháo đường, sẽ lên đến con số 8 triệu người. Tuy nhiên, hơn 60% trong số đó không biết mình bị bệnh. Hậu quả là việc kiểm soát, điều trị muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người mắc đái tháo đường sẽ gặp phải các triệu chứng gây ra do đường trong máu tăng cao như: khát nước, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, mờ mắt, mệt mỏi, yếu sức… Các triệu chứng này thường gặp ở người đái tháo đường týp 1. Thậm chí, nhiều người tiểu đường còn không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc xét nghiệm thăm khám các bệnh khác như cao huyết áp, chuẩn bị mổ mắt, vết thương lâu lành, ngứa, đau khớp, tê chân… Do vậy, người trên 45 tuổi nên thử đường huyết định kỳ.
Thạc sĩ Diệp Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. |
Các yếu tố gây đái tháo đường týp 2 gồm: thừa cân, béo phì; có lối sống ít vận động, không tập thể dục; yếu tố di truyền như cha mẹ, anh chị em ruột bị đái tháo đường; tăng huyết áp, bệnh mạch vành; tăng mỡ máu; tiền sử sản khoa như sinh con to, sẩy thai nhiều lần; bệnh buồng trứng đa nang hay đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, rối loạn dung nạp đường, người trên 45 tuổi…
Cứ 10 người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì 6 người đã biến chứng nặng như loét bàn chân, suy thận… Ngoài ra, bệnh nếu không được kiểm soát tốt còn dẫn đến hàng loạt biến chứng như mù lòa, tổn thương thần kinh, nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ cao gấp 2-4 lần người bình thường…
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về bệnh đái tháo đường cũng như cách phòng tránh và kiểm soát căn bệnh này, vào lúc 9h30 ngày 12/11, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết – Khoa Y – Đại học Y Dược TP HCM và Thạc sĩ, bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Diệp Thị Thanh Bình, Giảng viên chính – Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM sẽ chia sẻ các kiến thức mới nhất về cách phòng ngừa, kiểm soát và điều trị bệnh.
Độc giả quan tâm về bệnh đái tháo đường, gửi câu hỏi về suckhoe@vnexpress.net hoặc tại đây.
Phương Thảo
2013-11-14 19:00:06
Nguồn: http://suckhoevadoisong.org/tu-van-truc-tuyen-phong-ngua-va-kiem-soat-dai-thao-duong/