Trong khi tàu sân bay USS George Washington cùng 8 tàu hải quân nữa đến Philippines để tham gia cứu trợ sau siêu bão Haiyan, Trung Quốc mới tuyên bố viện trợ tiền mặt và vật tư cho quốc đảo.
Binh sĩ Mỹ phối hợp cùng quân đội Philippines vận chuyển người dân ra khỏi khu vực bị nạn. Ảnh: AFP
Sau siêu bão Haiyan, Mỹ điều động 9 tàu hải quân đến Philippines hỗ trợ công tác cứu nạn, trong khi một cường quốc khu vực là Trung Quốc chỉ đưa ra sự trợ giúp bằng tiền mặt và hàng hóa. Giới quan sát cho rằng tranh chấp chủ quyền biển đảo có thể là một yếu tố trong việc cân nhắc cứu trợ. Nhưng ngay cả khi quan hệ Bắc Kinh – Manila sóng yên biển lặng, quân đội Trung Quốc cũng chưa thể chứng tỏ khả năng thực hiện các chương trình cứu trợ quy mô tại nước ngoài như Mỹ, Nhật hay Australia.
“Họ không có cơ sở vật chất, thiết bị và kỹ năng như quân đội Mỹ, Australia, Nhật và Thái Lan”, Financial Times dẫn lời ông Timothy Keating, nguyên tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ.
Mỹ có hàng thập kỷ giúp đỡ đồng minh và các nước tại khu vực Thái Bình Dương trong công tác ứng phó thiên tai, trong đó có thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004 hay động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011.
Ông James Stavridis, hiệu trưởng trường Fletcher thuộc đại học Tufts (Mỹ), cho biết Mỹ tập trung nhiều vào các chương trình hợp tác cứu trợ trong những năm gần đây. “Chúng ta tham gia các chương trình này trong suốt hơn 10 năm qua, nhưng nay càng chú trọng hơn nữa”, Stavridis, nguyên là tư lệnh Bộ chỉ huy miền nam nước Mỹ, nói.
Hoạt động cứu trợ Philippines của Mỹ lần này mang tên Chiến dịch Damayan. Hàng nghìn binh sĩ, tàu, trực thăng và máy bay được huy động, nhằm cứu giúp người dân bị nạn. Nhật Bản cũng điều động 1.000 binh sĩ thuộc lực lượng tự vệ tham gia công tác cứu trợ.
Tàu sân bay USS George Washington chở theo 5.000 binh sĩ Mỹ, thả neo ngoài khơi phía đông đảo Samar, là căn cứ tập kết cho các lực lượng cứu trợ. Đây cũng là điểm đáp cánh tiếp nhận hàng cho các máy bay trực thăng cứu nạn.
Tướng Paul Kennedy, chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ cho biết, đây là lần cứu trợ nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay.
Sự hiện diện của tàu USS George Washington được cho là sẽ tăng gấp ba lần số lượng máy bay trực thăng tham gia cứu trợ hiện tại và cung cấp hàng trăm nghìn lít nước sạch mỗi ngày.
Theo ông William Fallon, nguyên tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, khi vụ sóng thần tại Ấn Độ Dương xảy ra vào năm 2004, quân đội Trung Quốc hầu như không có khả năng ứng phó với thảm họa tự nhiên ở phạm vi quốc tế. Từ đó đến nay, quân đội nước này đã có những tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn một khoảng cách xa mới đạt tầm như Mỹ.
“Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển nguồn nhân lực và khả năng cứu trợ thiên tai, bao gồm đóng các tàu bệnh viện, cũng như các đội cứu trợ quốc tế”, ông Ian Storey, chuyên gia vấn đề Biển Đông thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho biết. “Tuy nhiên, nước này hiện nay vẫn chưa thể bì kịp được với Mỹ”.
Năm 2009, Trung Quốc hạ thủy tàu bệnh viện đầu tiên, mang tên Hòa Bình. Tàu này sau đó được điều đến vịnh Aden thuộc khu vực biển Arab, nơi hải quân nước này tham gia vào các hoạt động chống cướp biển quốc tế.
Mỹ tái lập ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình dương
Binh sĩ Mỹ và Philippines chất hàng cứu trợ cho thành phố Tacloban lên một máy bay tại căn cứ quân sự ở Manila. Ảnh: AFP
Hành động cứu trợ nhân đạo của Mỹ sau siêu bão Haiyan nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia này tại khu vực Thái Bình Dương. Việc tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương nằm trong khuôn khổ kế hoạch quay lại châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Ông Keating cho biết, Chiến dịch Damayan có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc nâng cao sức mạnh mềm của Mỹ. Trong khi đó, phản ứng của Bắc Kinh hiện được cho là chịu ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ với Manila. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định, Trung Quốc không muốn triển khai lực lượng hải quân tham gia cứu trợ còn bởi các lý do địa chính trị.
“Trung Quốc cũng hiểu rằng hoạt động cứu trợ thiên tai và sứ mệnh nhân đạo có lợi cho việc nâng cao quyền lực mềm và hình tượng quốc tế, cũng như kỹ năng triển khai quân đội từ xa. Nhưng mỗi lần quân đội Trung Quốc có hành động gì, dư luận phương Tây đều nghi ngờ về động cơ thực sự đằng sau”, ông Gary Li, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc IHS Maritime, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn toàn cầu, bình luận.
Hai vị cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đều cho rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi nếu như hành động tích cực hơn. “Đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để hai bên làm việc cùng nhau”, ông Fallon cho biết.
Mặc dù khoản viện trợ của Trung Quốc gây nhiều tranh cãi, giáo sư Tô Hạo thuộc Học viện Ngoại giao vẫn cho rằng, nước này nên được ghi nhận bởi đã gác lại tranh chấp với Philippines.
Theo Vnexpress