Sếp vào tù, nhân viên run rẩy cho vay
Sunday, November 17, 2013 21:51
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nội dung nổi bật:
- Hàng loạt sếp ngành ngân hàng vào tù đã phần nào bộc lộ “mảng tối” trong lĩnh vực này. nghề tín dụng chẳng “lung linh” như những gì mọi người vẫn hằng mường tượng về nó. Vất vả, luôn tiềm ẩn rủi ro.
- Sở dĩ tội phạm ngân hàng “nở rộ” là do quản trị rủi ro và quản lý con người tại những ngân hàng trên yếu. Phát triển quá nóng nên nhân viên ngân hàng dù sau khi được tuyển dụng đã được ngân hàng đào tạo nhưng vẫn thiếu kiến thức, không nắm chắc thủ tục quy trình.
- Cứ 10 vụ án tham nhũng thì tới 9 vụ liên quan tới ngành ngân hàng. Khó có bộ hồ sơ vay tín dụng nào chuẩn 100%, đạt được 80-90% đã là tốt lắm rồi. Nhưng chỉ cần 1% sai thì cán bộ tín dụng có thể bị truy tố trách nhiệm hoặc ngồi tù nếu sự việc nghiêm trọng.
Sa chân là lĩnh án
Con số 20 lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng phải “vô khám” từ đầu tháng 9 tới nay đang gây rúng động dư luận.
Gần đây nhất là vụ bắt giữ hàng loạt Giám đốc chi nhánh, Phó giám đốc chi nhánh, Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng, cán bộ tín dụng… của NHTMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Sóc Trăng do sai phạm trong quan hệ cho vay với doanh nghiệp “đại gia” một thời – Công ty CP Thủy sản Phương Nam…
Cũng bởi rất dễ sa chân mà nhiều cán bộ tín dụng đành ngậm ngùi nghỉ việc hoặc chuyển sang làm lĩnh vực khác.
Chị Phương từng giữ vị trí trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng ngoại tại Hà Nội tâm sự, sau hai năm làm tại vị trí này, phải đối diện với những tình huống “sống dở chết dở” chị đành xin nghỉ, ra kinh doanh riêng.
“Nhiều doanh nghiệp là khách hàng quen của sếp, không cho vay cũng dở mà cho vay thì chết. Gặp những tình huống này nhiều lúc đành châm chước cho hồ sơ của họ, doanh nghiệp vay tiền rồi kinh doanh tốt không sao, chứ rơi vào doanh nghiệp cầm tiền vay rồi làm ăn thua lỗ, nợ vay biến thành nợ xấu thì cán bộ tín dụng cũng sẽ lãnh đủ”- chị Phương chia sẻ.
Phụ trách mảng tín dụng doanh nghiệp một thời gian chị Phương nhận ra, rằng nghề tín dụng chẳng “lung linh” như những gì mọi người vẫn hằng mường tượng về nó. Vất vả, luôn tiềm ẩn rủi ro là những gì chị Phương đúc kết được sau một thời gian làm nghề.
Rủi ro luôn rình rập nên dễ hiểu khi ở một NHTM lớn (nằm trong top 4 NHTM lớn nhất hiện nay) có sự luân chuyển liên tục vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng.
Cứ 10 vụ án tham nhũng thì 9 vụ liên quan tới ngành ngân hàng
Đã từng nhiều năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, không ngạc nhiên về hiện tượng trên.
Ông cho rằng, đây là vị trí “nóng” nhất trong ngành ngân hàng, ai “đứng mũi chịu sào” vị trí này đều là những người có thần kinh thép trong bối cảnh hiện nay. Không hẳn là do vị lãnh đạo quản lý yếu kém khiến bộ phận không đạt doanh số, chỉ tiêu mà nhiều trường hợp họ tự nguyện xin được điều chuyển vị trí làm việc.
Sở dĩ tội phạm ngân hàng “nở rộ” và làm nóng ran các mặt báo thời gian qua một phần là do quản trị rủi ro và quản lý con người tại những ngân hàng trên yếu. Phát triển quá nóng nên nhân viên ngân hàng dù sau khi được tuyển dụng đã được ngân hàng đào tạo nhưng vẫn thiếu kiến thức, không nắm chắc thủ tục quy trình.
Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, NHNN đã chuyển 19 hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để xử lý.
Bên cạnh nỗi lo về nợ xấu “khủng”, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… thì tội phạm ngân hàng đang nổi lên như là những “ung nhọt” cần được “diệt” triệt để ngành ngân hàng lấy lại hình ảnh bấy lâu đã xấu đi ít nhiều trong mắt công chúng.
Không ngạc nhiên khi hay tin thêm một vài lãnh đạo ngân hàng bị bắt vì cho vay sai nguyên tắc với những doanh nghiệp đại gia một thời, luật sư Trương Thanh Đức còn đưa ra con số giật mình, cứ 10 vụ án tham nhũng thì tới 9 vụ liên quan tới ngành ngân hàng.
“Toàn bộ cán bộ ngân hàng dính đến cho vay, giao dịch đều có thể phạm tội. Tín dụng là lĩnh vực dễ “dính đòn” nhất”- luật sư Đức nói. Khó có bộ hồ sơ vay tín dụng nào chuẩn 100%, đạt được 80-90% đã là tốt lắm rồi. Nhưng chỉ cần 1% sai thì cán bộ tín dụng có thể bị truy tố trách nhiệm hoặc ngồi tù nếu sự việc nghiêm trọng.
Theo Infonet
2013-11-17 20:49:41
Nguồn: http://cafef.vn/trang-chu/sep-vao-tu-nhan-vien-run-ray-cho-vay-2013111809513915719ca60.chn