(Chia sẻ) – Còn đại uý Ba Khanh sau khi chia tay giáo sư Hiếu, quay về phòng làm việc, cũng chẳng khả quan hơn. Thời gian cứ trôi qua vùn vụt mà việc tìm hiểu về cái chết của vị khách phòng 709 vẫn không nhích được tí nào…
Những dữ liệu liên quan đến nhân thân của Dương Phong, do công an TP. Hồ Chí Minh cung cấp, cũng chẳng làm loé lên, dù lờ mờ, một tia sáng nào hết…
Bỗng Lâm Hùng ào vào phòng, giọng vỡ ra như một cậu bé vừa dậy thì:
- Ơ-rê-ka! (Tìm thấy rồi!)
Ba Khanh ngạc nhiên:
- Tìm thấy tài liệu quý hiếm để viết phóng sự à?
- Ối, chuyện nhỏ. Cậu biết Mi Trang chứ?
Ba Khanh càng ngơ ngác:
- Biết…
Lâm Hùng khoát tay vẻ coi thường:
- Cậu chỉ biết cô ấy là con gái rượu của giáo sư Hiếu, nhưng phát hiện sinh tử nhất về Mi Trang, thì… bảo đảm, dê-rô trong bộ nhớ của viên quan ba an ninh táo bón!
Ba Khanh phì cười trước lối bông phèng của bạn:
- Tìm ra châu Mỹ à?
Lâm Hùng ghé sát tai Ba Khanh thì thầm. Viên đại uý trố mắt:
- Dỡn, cha nội.
Lâm Hùng khăng khăng:
- Không, tin tôi đi, trực giác của tôi ghê gớm hơn cậu tưởng nhiều. Nhất định phải có một mối liên hệ nhân quả nào đó trong vụ này…
Ba Khanh nghiêm nét mặt, giọng dịu lại nhưng không thiếu vẻ quyết đoán:
- Tôi tin cậu. Cậu hãy quay về Sài Gòn, đến thăm luật sư Vĩnh…- Viên đại uý hạ thấp giọng. Khéo léo gợi chuyện và quan trọng nhất, làm ơn đừng có ba hoa về những gì tôi và cậu đã trải qua tại đây.
Lâm Hùng giơ hai tay lên trời, đầu hàng:
- Báo cáo ngài đại uý, tôi đã hoàn thành sứ mạng của ngài giao cho tôi. Và bây giờ, xin tạm biệt ngài, tôi sẽ trở về thiên chức mà vì nó, ông Hoàng Nhân Thế trả lương cho tôi, một phóng viên cơ động.
Ba Khanh bình thản đáp:
- Tôi không nghĩ cậu lại là một gã đàn ông nửa vời đến như vậy?
- Sao, chẳng phải tôi đã mang về cho đại uý những câu thơ bí hiểm thuộc trường phái siêu thực, trong căn phòng 709? Cái gì của Xê-da trả lại cho Xê-da. Cậu cứ tiếp tục công việc phá án của cậu. Tôi về chỗ cũ của tôi bên Đoan. Làm thám tử mệt óc đau tim lắm.Thôi, xin chào.
Lâm Hùng quầy quả giả bộ bước ra khỏi phòng. Đại uý Ba Khanh nghiêm giọng cảnh cáo:
- Chí ít thì cậu cũng nên nhớ đến nghĩa vụ công dân chứ?
- A ha thưa ngài đại uý, nghĩa vụ công dân của tôi phải được thể hiện ở những bài phóng sự hai nghìn chữ kia. Còn cái vụ thám tử nghiệp dư chẳng qua cũng chỉ là… Sao, đại uý chẳng nên cau có với tôi như vậy. Cho đến giờ tôi vẫn chưa bị khiển trách là thiếu tinh thần công dân, mặc dù ông Tổng biên tập Hoàng Nhân Thế của tôi là một viên phán quan lạnh lẽo nhất của chủ nghĩa ái quốc vô bờ bến.
- Tất nhiên cậu không có lỗi gì, ngoài mỗi cái việc say rượu và vào lầm phòng đúng lúc Dương Phong vỡ tim mà chết… Và bởi thế, tôi mới kêu gọi ý thức công dân trong cậu. Thôi, ngồi uống đi, hãy nghe tôi nói đây…
- Có thể Dương Phong liên quan đến một cái gì đó mà có lẽ là rất quí. Đúng không nào? Đúng, nhưng vật gì mới được chứ? Kho vàng dưới đáy biển? Tài liệu mật? Hoặc một vật gì đấy?
Đại uý Ba Khanh mỉm cười gật đầu:
- Có thể, nào suy luận tiếp đi, tôi thấy năng khiếu trinh thám của cậu mỗi lúc một phát triển.
- Thôi bố, cho nhau đi tàu bay giấy làm gì. Cũng sẽ chẳng có một cơ quan tình báo ngoại quốc nào, cử hẳn một nhóm sát thủ sang đây, chỉ để tổ chức ám sát một phóng viên quèn, một nhà văn viết sáu cuốn tiểu thuyết mà không cây bút phê bình nào thèm điểm vài dòng trên báo chí? Nói thật nhé, cậu hài hước không kém gì cụ Sac-lô đâu!
Vẫn giữ nguyên nét mặt tỉnh queo, Ba Khanh đáp:
- Tôi không nói ngoa đâu. Thưa ngài công dân Lâm Hùng khả kính, ngài hãy quay về TP. Hồ Chí Minh, trước hết nộp cho Tổng biên tập của ngài, bài phóng sự 2.000 chữ. Sau đó, về nhà, hàn huyên với vị hiền thê của ngài. Và buổi tối cùng ngày, hai vợ chồng ngài sẽ đến thăm gia đình luật sư Vĩnh… Hiển nhiên, trước tiên sẽ tán chuyện thời tiết, thăm hỏi sức khoẻ, tình hình cung cấp tem phiếu. Và cuối cùng, làm ra vẻ tình cờ, hỏi về những người hiện diện trên bức hình đó…
Lâm Hùng chỉ biết đờ đẫn ngồi im. Tuy vậy, không một chút miễn cưỡng, anh thích thú, thầm đánh giá cao một chuyến đi thực tế dồi dào chất liệu “trinh thám”. Hèn nào, lần trước mình viết “Mật mã đêm mầu hồng” mới lạt lẽo, vô duyên đến thế.
Ba Khanh hộ tống vị kí giả ra sân bay với những sứ mệnh kể trên, sau đó, viên đại uý tạt qua chỗ kĩ sư Toàn…
Công việc tiến hành mĩ mãn, vượt tiến độ qui định cho một ngày, kĩ sư Toàn quyết định tự thưởng cho mình nửa giờ cuối cùng, trốn vào một căn phòng kín đáo chuyên dùng để chứa các dụng cụ thí nghiệm, khoá trái cửa và thả hồn mơ mộng, nhớ nhung người tình, đọc đi đọc lại bức thư của Mi Trang. Nàng viết sẵn bức thư này trước khi leo lên chuyến tàu lửa ra Bắc. Và nàng chỉ trao cho anh trên sân ga, khi đoàn tàu hú còi và chuẩn bị chuyển bánh…
“Gondolier”-người chèo du thuyền của em!
Chỉ cần hẫng đi một khoảnh khắc không được nhìn thấy anh, lập tức em hoảng sợ tự hỏi, đã có chuyện gì không lành xảy ra với anh và ba? Anh có hiểu tâm trạng này của em không, Toàn? Hãy nhớ là em yêu anh khủng khiếp, yêu và sợ hãi nếu anh không nhớ đến em. Đừng quên em nhé, em van anh đấy.
Không có anh và ba, cuộc sống đối với em chỉ còn là địa ngục. Em yêu và nhớ anh đến nỗi, càng mường tượng, ngoài kia, Hà Nội đã vào hè, phượng vĩ nở hoa như thắp lửa giữa sân trường anh khoa, nghe dàn nhạc ve sầu hoà tấu, chắc em càng nôn nao nhớ đến thành phố tươi trẻ, thấm đẫm tình yêu tụi mình. Em cứ hình dung ngày trở về, đôi ta sẽ ra khơi trên chiếc du thuyền Hạnh Phúc. Anh sẽ ngả xuống ngực em, nghe em hát “Chiếc bi-ki-ni nhỏ nhắn”. Chắc không hay bằng giọng ca của “Nữ hoàng Ai Cập Đa-li-đa”. Nhưng đăm đuối, nồng nàn thì chỉ riêng anh, kẻ chèo du thuyền- Thượng đế nắm giữ linh hồn em, cảm nhận được, không nhờ thính giác, mà nhờ cái mộng ước tan nhoà làm một trong nhau…”.