Ăn thực phẩm giàu sắt, choline, axit folic, I ốt…giúp ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, và giúp bé thông minh, nhanh nhạy hơn.
Các mẹ có biết rằng, khoảng thời gian quan trọng nhất để bé yêu nhà mình phát triển trí não không phải là sau khi sinh, hay trong giai đoạn thiếu niên mà là ngay từ trong bụng mẹ? Theo các kết quả nghiên cứu, có đến 70% sự phát triển não trẻ xảy ra khi bé còn là bào thai, và 20 tuần lễ đầu tiên được xem là “thời điểm vàng” để mẹ giúp bé hoàn thiện cả chất và lượng tế bào thần kinh não bằng việc dung nạp những loại thực phẩm chứa các vi chất thiết yếu nhất cho não bộ.
Sau đây là danh sách các vi chất rất cần thiết để bé thông minh, lanh lẹ ngay từ trong bụng mẹ mà bạn nên bổ sung suốt thời gian mang thai, đặc biệt vào những tháng đầu và cuối kỳ bầu bí.
Axit folic
Sữa, đậu phụ, rau có lá màu xanh đậm v.v… là nguồn cung axit folic tuyệt vời cho mẹ và bé để ngăn ngừa các khuyết tật thần kinh (hình minh họa)
Axit folic (còn gọi là folate hay folacin), là một trong những vitamin nhóm B rất cần thiết trong việc sản xuất các tế bào mới, bao gồm cả hồng cầu. Không bổ sung đầy đủ axit folic trước và trong thai kỳ có thể gây ra nhiều khuyết tật liên quan đến rối loạn ống dây thần kinh như bệnh nứt đốt sống dễ khiến trẻ sinh ra bị ốm yếu tàn tật nghiêm trọng, bệnh quái tượng không não hoặc bé sinh ra bị thiếu 1 phần não (não kém phát triển nghiêm trọng), não úng thủy v.v…Theo Cục Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), axit folic thậm chí còn giúp phòng tránh các dị tật về môi như hở hàm ếch, sứt môi, dị tật ở tim, ống tiểu và chân tay ở trẻ sơ sinh.
Để đảm bảo cung cấp đủ axit folic cho thai nhi phát triển, chị em thường được khuyên nên uống bổ sung axit folic khoảng từ 400 – 800 mrg mỗi ngày trước khi thụ thai tối thiểu 3 tháng và trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài việc dùng thuốc viên, mẹ bầu còn có thể tăng hấp thu axit folic qua việc tiêu thụ các thực phẩm giàu vi chất này như gan, nội tạng động vật, thịt gia cầm, ngũ cốc (vừng, lạc), các loại rau có lá màu xanh đậm như rau dền, rau muống, rau Bina, rau ngót, củ cải, bông cải xanh, nấm, đậu Hà Lan, đậu nành, bánh mì bằng bột mì nguyên chất, bắp, cà rốt, cà chua, chuối, cam, chanh, bưởi v.v…
Các mẹ cũng nên lưu ý là những loại thực phẩm đóng hộp thường làm mất khoảng từ 50% – 90% axit folic, hoặc trong quá trình nấu nướng, vi chất này có thể bị mất đi bởi tác động của sức nóng. Vì vậy, mẹ bầu cần ăn nhiều thực phẩm có chứa axit folic càng gần với hình thức tự nhiên của chúng càng tốt, hoặc nên chế biến từ thực phẩm tươi sống. Với các món rau, không nên ngâm quá lâu trong nước hay nấu chín kỹ. Bên cạnh đó, để hấp thu axit folic tốt nhất, mẹ bầu nên uống thuốc giữa 2 bữa ăn, hoặc uống chung với nước cam, nước trái cây, tránh dùng chung với trà, cà phê, rượu v.v….
Choline
Choline, vi chất quan trọng bậc nhất trong việc phát triển trí tuệ thai nhi, được tìm thấy nhiều trong lòng đỏ trứng (hình minh họa)
Là hợp chất hữu cơ tan được trong nước, thuộc các loại vitamin nhóm B, choline được xem như loại dưỡng chất quan trọng giúp phát triển cấu trúc não, tủy sống, chức năng bộ nhớ ở thai nhi và trẻ nhỏ. Đây cũng là loại vi chất đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh, cần thiết cho việc hoàn thiện dây thần kinh, tim mạch, chức năng não và sự phát triển tế bào thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bà bầu có chế độ ăn ít choline có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, tăng gấp đôi nguy cơ sinh con bị tật thần kinh như tật não úng thủy, nứt đốt sống v.v…
Nhu cầu choline của thai nhi sẽ tăng rất nhanh vào 3 tháng cuối thai kỳ do trong thời điểm này, não và tủy của thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất, và bé sẽ “lấy đi” 1 lượng lớn choline dự trữ từ mẹ thông qua nhau thai. Do đó, bổ sung choline trong suốt thời gian mang thai và tam cá nguyệt thứ 3 là rất quan trọng với mẹ và bé. Các nguồn thực phẩm giàu choline gồm lòng đỏ trứng, thịt nạc, gan, súp lơ, đậu phộng, đậu nành, rau củ, nước ép hoa quả, mầm lúa mì, tôm, cá hồi, rau chân vịt v.v.v…với hàm lượng được khuyến cáo là khoảng 450 – 550 mg/ ngày.
Vitamin B12
Rất cần thiết cho sự phát triển của não và hệ thần kinh thai nhi, vitamin B12 có nhiều trong các loại thịt, cá, sò biển, trứng gia cầm, sữa, các chế phẩm từ sữa, nội tạng động vật (gan, thận), ếch, đậu nành, v.v…. Đây là vi chất thiết yếu tạo DNA vật liệu di truyền trong tế bào, duy trì tình trạng khỏe mạnh ở tế bào thần kinh và hồng cầu, cũng như giữ vai trò then chốt trong phát triển hồng cầu. Vitamin B12 còn có mối quan hệ mật thiết với việc hấp thu axit folic ở mẹ, bằng cách tác động đáng kể lên quá trình chuyển hóa axit folic để cơ thể có thể sử dụng được dưỡng chất này. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung vitamin B12 trước và trong thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Sắt
Do cơ thể kém hấp thu sắt, nên ngoài việc ăn uống thực phẩm nhiều sắt, mẹ bầu nên dùng bổ sung thêm viên sắt theo chỉ định của bác sĩ sản khoa (hình minh họa)
Cũng như choline hay axit folic, vitamin B12, một chế độ ăn uống thiếu sắt trước và trong khi mang thai có thể làm cho mẹ bầu phải đối diện với nguy cơ bé bị dị tật ống thần kinh, dẫn đến tật nứt đốt sống, não úng thủy, thai vô sọ v.v… và ảnh hưởng lên đến quá trình phát triển của thai nhi. Thông thường, phụ nữ cần 18 mg sắt mỗi ngày, nhưng khi mang thai, nhu cầu này tăng lên đến 27 mg.
Tuy nhiên, lượng sắt dự trữ trong cơ thể chị em thường thấp vì bị mất máu các kỳ kinh nguyệt, còn thấp hơn nữa đối với những chị em đã mang thai nhiều lần do sắt bị mất qua những lần sinh trước, kèm với việc cơ thể hấp thu sắt khá kém so với các vi chất khác. Do đó, khi mang bầu, bên cạnh thói quen thường xuyên ăn các thực phẩm giàu chất sắt như cật (heo, bò), cá, lòng đỏ trứng, thịt bò, cừu, bột ngô, mơ, đậu xanh, đậu đen, hàu, rau có lá xanh thẫm, chuối, nho v.v…, chị em nên uống bổ sung thêm viên sắt theo đúng chỉ định của bác sĩ sản khoa. Mẹ bầu cũng lưu ý khi dùng viên thuốc bổ sung sắt, nên uống khoảng 1 tiếng trước khi ăn và không dùng chung với canxi bổ sung hay các loại axit amin khác vì chúng làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.
I ốt
Canh rong biển vừa ngon vừa cung cấp đầy đủ hàm lượng I ốt quan trọng cho mẹ bầu để đảm bảo sự phát triển toàn diện não bộ thai nhi (hình minh họa)
Thường khi mang thai, mẹ bầu luôn chú ý bổ sung nhiều dưỡng chất như canxi, sắt, axit folic, các vitamin v.v… để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của thai nhi, nhưng lại ít quan tâm đến vai trò của I ốt, thậm chí không hiểu được tác động quan trọng của vi chất này đến sự hoàn thiện trí tuệ ở bé. Các mẹ nên biết rằng, khi mang thai cơ thể cần hấp thu thêm 50% I ốt để đáp ứng nhu cầu hormone tuyến giáp cho mẹ và bé. Thiếu I ốt có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí não của bé trong bụng mẹ, thậm chí là sau khi sinh. Nghiêm trọng hơn, các bé có thể gặp hội chứng thiếu I ốt nghiêm trọng, làm trẻ sinh ra bị chậm phát triển trí tuệ. Theo giáo sư Eastman, khoa Nội tiết Đại học Sydney, Úc, những trường hợp mẹ tiêu thụ không đủ I ốt trong thai kỳ có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ xuống 10 – 15 điểm, ảnh hưởng khả năng nghe và dẫn đến nhiều chứng bệnh khác nhau. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý bổ sung I ốt trước và trong khi mang thai, với lượng I ốt từ 100 – 200 ug/ ngày. Ngoài ra, cần thêm các loại thực phẩm giàu I ốt vào chế độ ăn hàng ngày như sữa, muối bổ sung I ốt, rong biển, hải sản, rau cần, rau chân vịt, cải thảo, trứng gà v.v…
Omega 3
Là 1 loại axit béo chưa bão hòa, omega 3 vô cùng cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi. Nhóm axit béo omega 3 gồm 3 loại: axit eicosapentaenoic (EPA), docosahexaenoic acid(DHA) và axit alpha linolenic (ALA), trong đó DHA đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển trí não cho bé, nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ. Vào giai đoạn này, thai nhi cần omega 3 để hình thành đến 70% não bộ và hệ thần kinh.
Dù rất giàu omega 3 có lợi cho hệ thần kinh thai nhi, nhưng mẹ bầu không được sử dụng tùy tiện dầu gan cá mà phải tuân thủ theo đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ (hình minh họa)
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những bé dưới 7 tuổi có mẹ bổ sung đầy đủ omega 3 trong thai kỳ sẽ có hành vi tốt hơn sau khi sinh, có khả năng tập trung cao và thị lực tốt hơn những bé không được bổ sung omega 3 đầy đủ, nhờ sự trợ giúp của DHA trong quá trình phát triển não bộ, hệ thần kinh và hình thành võng mạc ở trẻ. Các bé được cung cấp omega 3 cũng đạt nhịp độ phát triển nhanh hơn 2 tháng so với những bé khác. Vì những lợi ích vượt trội này mà mẹ bầu nên bổ sung omega 3 qua chế độ ăn uống của mình trong suốt thời kỳ thai nghén, với các loại thực phẩm rất giàu axit béo này như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá cơm, cá trích, gan cá thu, vừng, đậu nành, đậu phụ, các loại hạt: hướng dương, hạnh nhân, điều, bí …, quả óc chó, v.v…. Ngoài ra, cũng nên bổ sung omega 3 dạng viên dầu cá theo liều lượng được khuyến nghị từ bác sĩ sản khoa.
2013-11-21 23:25:05
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/duong-chat-so-1-cho-con-thong-minh-c85a159701.html