Ông Uông Chu Lưu đã trả lời báo chí bên hành lang QH ngay sau khi dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được thông qua.
Về vai trò của Đảng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, Phó Chủ tịch QH nói: Điều 4 vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Các bản Hiến pháp trước chưa nói rõ trách nhiệm của Đảng, lần sửa đổi này đã đưa vào và nhấn mạnh sự gắn bó mật thiết với nhân dân là sức sống của Đảng, Đảng phải phục vụ, chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
“Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội qua các quyết định của mình, nếu quyết định không đúng, ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
XEM PHÓ CHỦ TỊCH QH UÔNG CHU LƯU TRẢ LỜI PHỎNG VẤN:
Bản Hiến pháp này cũng chính là một quá trình thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng và chịu sự lãnh đạo của Đảng về mục tiêu, quan điểm, định hướng. “Đảng đã gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng bản HP này, để như Chủ tịch UB sửa đổi Hiến pháp nói: Đây là bản Hiến pháp kết tinh ý Đảng lòng dân”.
Đối với các quy định trong HP về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, ông Uông Chu Lưu nhận định: “Các quyền về tự do, dân chủ, lập hội, biểu tình, đã được quy định không chỉ trong HP lần này mà ở cả các bản HP trước. Để triển khai thì tới đây phải ban hành luật, quy định rõ điều kiện, thủ tục, trình tự để công dân thực hiện các quyền hiến định đó”.
Về thể chế kinh tế, Phó Chủ tịch QH chỉ ra ngay chương III, điều 51 đã khẳng định nhất quán mục tiêu, mô hình kinh tế của nhà nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
“Điểm quan trọng là chương này cũng nói rõ các thành phần kinh tế đều được nhà nước bảo hộ, nhà nước không quốc hữu hóa các tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, kinh doanh. Đây là một thông điệp rất quan trọng”, ông Uông Chu Lưu nói. “Hiến pháp cũng khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, các chủ thể, kể cả cá nhân đều được nhà nước tôn trọng, bảo đảm, là quyền thiêng liêng của họ”.
Về việc triển khai chủ trương lớn kiểm soát quyền lực, Phó Chủ tịch QH dẫn điều 2 Hiến pháp ghi rõ quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, có hiệu lực hiệu quả.
“Ta không đưa được Hội đồng Hiến pháp vào ngay bây giờ nhưng trong các chương điều khác cũng đã thể hiện nguyên tắc đó: quyền lập pháp thuộc về QH, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về cơ quan xét xử là tòa án, phân định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Chính sự phân công đó cũng là để tạo điều kiện cho việc kiểm soát quyền lực”, ông Uông Chu Lưu phân tích.
Theo Chung Hoàng -Thu Lý – Xuân Quý
Vietnamnet
2013-11-28 01:30:24
Nguồn: http://cafef.vn/trang-chu/dang-chiu-trach-nhiem-truoc-dan-2013112814112854310ca112.chn