(Làm Mẹ) – Mười sáu năm qua, hễ đến ngày mùng 3 tháng 10 âm lịch, cửa biển Khánh Hội lại nghi ngút khói hương. Đám cúng cơm tập thể cho những ngư dân xấu số khiến ai cũng mủi lòng… Chuyện kẻ ở, người đi đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi mỗi lần đặt chân đến nơi này.
Nửa dòng họ nằm lại với biển
Thắp chưa xong nén nhang, ông Trần Văn Húa (tự Năm Húa, 78 tuổi, ngụ ấp 7, xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau) đã sụt sùi: “Nếu thằng Trần Văn Việt còn sống thì nay cũng đã 47 tuổi rồi, Trần Minh Trí 24 tuổi và Trần Chí Tâm 22 tuổi”. Trên bàn thờ đặt giữa nhà, ông Năm chỉ vào ba tấm hình của ba người con trai nằm lại với biển. So với những gia đình khác, ông Năm Húa mất mát nặng nề nhất sau bão. “Một nửa dòng họ của tôi đã nằm lại giữa lòng đại dương. Tôi có ba người con trai, một thằng rể và đứa cháu ngoại không tìm thấy xác”.
Các nạn nhân bão Linda được đưa vào bờ |
Ông Năm tâm sự, cả đời ông quen sống ở biển. Hồi mới lẫm chẫm bước đi, ông đã biết theo cha lựa từng con cá, con tôm bán cho thương lái. Lớn lên ở xứ biển rồi nối nghiệp tổ tiên, chẳng ai bảo ai nhưng con cháu ông Năm đều gắn bó với nghề này. Những ngày tàu cập bến, cả nhà vui như Tết. Tài sản của gia đình gom góp đóng được hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Biển hào phóng cho ông bao nhiêu thì nay lại lấy của gia đình ông bấy nhiêu. Ông nhớ lại: “Khi nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão vào cửa biển Tây Nam, tôi như người mất hồn, chỉ biết thắp nhang cầu trời phù hộ cho con cháu thoát nạn”. Nào ngờ đó lại là những nén nhang tiễn đưa lần cuối. Hai chiếc tàu không tìm thấy xác. Con đầu của ông Năm là anh Trần Văn Việt chết, để lại ba đứa con trong đó cô con gái út chưa ra đời.
Ông Năm Húa bên di ảnh ba người con trai |
Anh Tám Cò – con ông Năm Húa, người may mắn thoát chết trong cơn bão số 5 – không giấu được xúc động: “Mấy anh mất, các cháu bơ vơ. Tội nghiệp cha tui phải chạy vạy lo đủ thứ. Chị Lan, vợ anh Việt, đi làm mướn nuôi con. Chị Trần Thị Quý, vợ anh Danh, đầu tắt mặt tối hốt cỏ thuê, vá lưới kiếm gạo đắp đổi qua ngày”. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông Năm Húa vẫn phải gắng gượng vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc mưu sinh giữa trùng khơi. Ông gạt nước mắt tìm đến các cơ quan chức năng làm thủ tục vay tiền xin đóng mới tàu. Ngày khánh thành tàu Chí Tâm, ai cũng rơi nước mắt vì chẳng lời chúc tụng, không có hoa, chỉ có tiếng khóc, nén hương nguyện cầu của người sống sót. Ông Năm thắp nén tâm nhang lên bàn thờ của ba đứa con khấn: “Tàu Chí Tâm lại ra khơi. Cha lấy tên con đặt để anh em trên tàu luôn nhớ các con”. Mấy năm qua, nghề đi biển bữa đói bữa no nhưng ông Năm vẫn trào dâng niềm xúc động khi nghe tiếng máy chạy lúc vào con nước…
Anh Tám Cò vẫn giữ nghề đi biển truyền thống |
Và những nấm mồ không xác
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1982), người dân ở cửa biển Khánh Hội, cho biết: “Sau bão, nhiều gia đình có người thân mất tích không tìm được xác, ngày ngày họ vẫn ra cửa biển chờ chồng. Khi đã hết hy vọng, họ đem cái quần cụt còn vướng mùi nắng biển của chồng bỏ vào chiếc quan tài đem chôn”. Trong căn nhà cũ kỹ chẳng có gì đáng giá, chị Lê Thị Mỹ Dung (SN 1978) kể lại nỗi đau đời mình. Lớn lên ở cửa biển Khánh Hội, chị làm nghề vá lưới thuê. Những lúc tàu cập bến, anh Võ Minh Thành từ miền Trung vào lập nghiệp lại đến thăm. Hai mảnh đời nghèo gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ. Ngày đám cưới anh chị chỉ có vài người bạn đi biển của anh Thành đến uống rượu mừng. Người dân địa phương cám cảnh cho anh chị mượn mảnh đất cất nhà.
Những nấm mồ không xác |
Chị Dung nói trong nước mắt: “Ngày hay tui có thai, ảnh mừng lắm. Tui nhớ như in ngày 22-9-1997 ấy, hai vợ chồng đang cuốc đất cho ông Tư thì mấy người bạn điện thoại rủ đi biển, tui can thì ảnh nói đi chuyến này về sẽ nghỉ kiếm tiền lo cho tui sinh nở. Hai giờ chiều ngày 3-10-1997, tui đang lui cui sau bếp nấu nồi cơm chờ chồng về thì hàng xóm cho hay bão đổ bộ vào đất liền. Tui vừa chạy qua nhà né bão thì căn nhà đổ sập. Sinh nở xong, ngày nào tui cũng lội bộ bảy cây số ra cửa biển chờ ảnh nhưng có gặp đâu”. Hiểu được nỗi mất mát của chị Dung, hàng xóm người cho lá, người cho cây… cùng nhau dựng cho chị và đứa con còn đỏ hỏn căn nhà che mưa tránh nắng. Nhiều lúc quẫn trí, chị định quyên sinh nhưng nghe tiếng con khóc thét vì đói sữa, chị lại gạt nước mắt ngậm ngùi, làm thuê mọi việc nuôi con nên người.
Người dân đổ xô ra cửa biển ngóng tin tức người thân |
Đến dự đám giỗ với người dân cửa biển Khánh Hội, ai cũng mủi lòng. Chị Lê Hồng Việt, chồng chết để lại chín đứa con. Cảm thông nỗi cơ cực của mẹ, hai đứa nhỏ chưa đủ tuổi cũng phải theo ghe nối nghiệp cha. Chuyện người thân của họ nằm lại với biển không bút mực nào diễn tả hết. Bà Trương Thị Lài mất bốn người con ruột, đứa cháu nội cùng ba chiếc ghe; bà Huỳnh Thị Kiểm mất một chiếc, ba người con, hai rể cùng hai mươi ngư phủ; bà Quách Thị Huệ mất ba người con, hai rể, hai đứa cháu ngoại và sáu chiếc ghe… Nhiều nấm mồ không có xác, chỉ còn hiện vật của người xấu số. Nỗi đau quá lớn nhưng họ vẫn phải gắng gượng, gạt nước mắt để tiếp tục việc mưu sinh ở nơi một thời nhuốm màu tang tóc.
2013-11-22 03:00:39
Nguồn: http://phunutoday.vn/lam-me/bao-bien:-nen-noi-dau-trong-bong-hinh-con-tre-ky-2-35818.html