(Thời báo Kinh Doanh) – Chìa ra bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), doanh nghiệp (DN) dễ dàng được đối tác tin tưởng bán hàng trả chậm. Theo đó, ngân hàng cam kết sẽ trả nợ thay nếu DN mua hàng không thanh toán đầy đủ tiền. Cam kết là thế, nhưng thực tế lại không dễ đòi được tiền của ngân hàng!
Bảo lãnh thanh toán được sử dụng phổ biến trong các giao dịch mua bán hàng hóa của DN. Thay vì cho vay, ngân hàng phát hành bảo lãnh cam kết thanh toán tiền hàng cho người bán nếu thỏa mãn các điều kiện đưa ra trong thư bảo lãnh. Khi ấy, DN được bảo lãnh sẽ phải ký giấy nhận nợ, hoàn trả tiền cho ngân hàng.
Chờ… “xác minh thông tin”!
Hơn 1 năm trôi qua, Công ty CP Trường Phú (Hải Dương) vẫn chưa thể đòi được tiền bán lô hàng dây đồng trị giá hơn 25 tỷ đồng của đối tác – Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Thiên Phú (Hà Nội). Do đối tác không thanh toán, Công ty Trường Phú đã yêu cầu MB chi nhánh Hoàn Kiếm – là nơi phát hành 2 bảo lãnh thanh toán cho giao dịch này, phải trả nợ thay. Sau nhiều lần làm việc, phía ngân hàng vẫn chưa đồng ý thanh toán bảo lãnh.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, năm 2011, Công ty Trường Phú (bên bán) và Công ty Thiên Phú (bên mua) đã ký Hợp đồng số 035/2011/HĐKT/TGP-TP xác lập giao dịch mua lô hàng dây đồng. Đến năm 2012, 2 công ty mới ký tiếp 2 phụ lục liên quan đến Hợp đồng số 035 (ngày 2/4 và 2/5). Trên cơ sở hợp đồng và phụ lục này, cùng ngày 9/4/2012, MB chi nhánh Hoàn Kiếm đã phát hành 2 thư bảo lãnh thanh toán cho Công ty Trường Phú. Trong đó, phía ngân hàng cam kết sẽ thanh toán số tiền mua hàng phải trả của Công ty Thiên Phú, nếu DN này không thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền nợ khi đến hạn. Tổng trị giá 2 bảo lãnh tối đa là 26 tỷ đồng.
Công ty CP Trường Phú đang “dài cổ” chờ ngân hàng thanh toán bảo lãnh
Theo Công ty Trường Phú, trong thời gian từ tháng 8/2011 – 5/2012, MB chi nhánh Hoàn Kiếm đã phát hành 9 thư bảo lãnh thanh toán đối với các giao dịch mua hàng của Công ty Thiên Phú. Nhưng cả 9 lần, Công ty Trường Phú gửi yêu cầu đề nghị ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, mà “Không lần nào ông Nguyễn Quang Hiện (Giám đốc MB Hoàn Kiếm) có văn bản trả lời chúng tôi theo quy định, cũng chưa bao giờ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong thời hạn quy định của pháp luật”- đơn của Công ty Trường Phú nêu.
Được biết, trong nhiều buổi làm việc giữa hai bên, phía hội sở ngân hàng yêu cầu Công ty Trường Phú bổ sung thêm văn bản xác nhận về việc Công ty Thiên Phú đã đặt mua nhiều loại dây đồng có kích cỡ khác với loại dây quy định (2,6mm). Và ngân hàng cho biết cần phải xác minh lại thông tin liên quan đến lô hàng và công nợ của DN, do đó, chưa có cơ sở để trả tiền bảo lãnh.
Tuy nhiên, theo Công ty Trường Phú, DN đã cung cấp cho ngân hàng đầy đủ hồ sơ liên quan đến lô hàng, cũng như các biên bản xác nhận công nợ của 2 DN. Những yêu cầu của ngân hàng đã khiến lãnh đạo công ty nổi giận, gửi văn bản với đầy lời lẽ nặng nề, cho rằng MB chi nhánh Hoàn Kiếm “ứng xử không trung thực, lật lọng, thoái thác trách nhiệm, cố ý gây thiệt hại cho chúng tôi…”.
Ai hưởng lợi từ bảo lãnh?
Trong thông cáo phát đi mới đây, phía MB cho rằng bảo lãnh mà MB chi nhánh Hoàn Kiếm phát hành là loại bảo lãnh thanh toán theo hợp đồng kinh tế số 035. Hợp đồng này quy định chủng loại dây đồng có kích cỡ 2,6mm. Nhưng các biên bản bàn giao hàng, hóa đơn VAT… lại thể hiện có nhiều chủng loại dây đồng khác nhau (1,78mm, 2,2mm, 2,5mm). Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp 3 bên để xác nhận lại các nội dung chưa thống nhất, nhưng đại diện Công ty Thiên Phú vắng mặt. Do vậy, MB yêu cầu Công ty Trường Phú phải bổ sung thêm xác nhận của Công ty Thiên Phú đồng ý mua các loại dây đồng khác quy định. Nhưng không rõ vì lý do gì, Công ty Thiên Phú không xác nhận việc này (!?).
Phía MB cho hay: đã gửi hồ sơ sang Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để làm rõ vụ việc, nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên liên quan. Trong lúc chờ đợi ngân hàng xác minh, cơ quan điều tra vào cuộc, khoản nợ hơn 25 tỷ đồng của Công ty Trường Phú chưa biết đến khi nào mới thu hồi được. Số tiền này, nếu chỉ tính theo lãi suất huy động là 14%/năm (năm 2012), DN đã chịu thiệt gần 300 triệu đồng/tháng. Công ty Trường Phú cho rằng giữa lúc DN khó khăn, vốn thiếu trầm trọng thì phía ngân hàng lại chiếm dụng vốn của mình.
Chưa bàn đến đúng sai của nội dung vụ tranh chấp bảo lãnh này, nhưng theo Công ty Trường Phú, chỉ riêng việc MB chi nhánh Hoàn Kiếm không có phản hồi các yêu cầu thanh toán bảo lãnh tới 9 lần đã cho thấy thái độ hợp tác của chi nhánh này “có vấn đề”. Hay có điều gì khuất tất trong các lô hàng mà MB đồng ý bảo lãnh khiến cho ngân hàng tìm cách “câu giờ”, chưa trả tiền cho DN?
Thu Hằng