ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: chaobuoisang.net
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Ông Lê Tiến Anh, Trưởng Ban kiểm soát VPF: ‘Cần xem lại tiêu chí chọn Chủ tịch VFF’
Wednesday, October 2, 2013 3:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Dù Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) rút lui khỏi địa hạt bóng đá, bầu Tiến Anh vẫn còn nguyên tâm huyết với bóng đá nước nhà. Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có cuộc trò chuyện cùng Thethaovanhoa.vn, mổ xẻ về VPF, VFF cũng như bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp nước nhà trước mùa giải mới.

* Đến lúc này, ông có tiếc không khi Khatoco Khánh Hòa rút lui khỏi sân chơi chuyên nghiệp?

- Nhiều người đến lúc này vẫn nghĩ tôi đang tâm bỏ bóng đá giữa chừng. Nhưng Chính phủ có nghị định việc doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư ra ngoài ngành đăng ký là không thể cưỡng. Phía Bộ Tài chính cũng có quy định việc dùng tiền Nhà nước đầu tư đúng mục đích. Khatoco vốn 100% nhà nước, lại dùng tiền Nhà nước đầu tư cho bóng đá là trái quy định đã đề ra.

Trong cương vị  Phó Tổng Giám đốc Khatoco, tôi buộc phải tuân thủ quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra. Dù sao tôi cũng làm bóng đá từ năm 1989, khi đội bóng công ty mới ở dạng phong trào. Đổ biết bao nhiêu tiền cho đội bóng phải bỏ ngang như thế cũng coi như mất luôn đứa con tinh thần của mình. Thấy tiếc lắm khi Khatoco Khánh Hòa không được doanh nghiệp trong tỉnh tiếp nhận, phải chuyến giao cho phía Ximăng Vicem Hải Phòng. Nhưng thời thế phải vậy chứ không còn cách nào khác.

* Cuộc họp tổng kết mùa giải 2013, nhiều đội bóng cho rằng VPF chưa hoạt động tốt trong công tác tổ chức – điều hành giải đấu?

- Nói VPF không làm tốt nhiệm vụ là chưa chính xác. Hoàn cảnh, môi trường bóng đá Việt Nam vốn đã như thế, trong lúc VPF cũng ra đời khá vội vàng. Trong 2 năm qua, những vấn đề nổi cộm của công tác tổ chức lại không thuộc hoàn toàn VPF. Như chuyện trọng tài vốn thuộc thẩm quyền Ban Trọng tài của VFF, còn VPF đơn thuần công ty tổ chức giải đấu. Muốn nâng cao chất lượng trọng tài là việc VFF, chứ VPF chỉ thay đổi về chính sách, chế độ hay cách ly trọng tài ra xa các đội bóng thôi. Sai sót từ trọng tài rồi đổ trách nhiệm lên VPF là không đúng.

Ông Lê Tiến Anh, Trưởng Ban kiểm soát VPF: Cần xem lại tiêu chí chọn Chủ tịch VFF

Hay xét tư cách các đội có đủ điều kiện tham dự giải chuyên nghiệp cũng không phải quyền của VPF. Các đội bóng đăng ký đều qua VFF, chính Liên đoàn bóng đá Việt Nam là nơi quản lý trực tiếp chứ không phải VPF có thể quyết định. Rồi án phạt chưa nghiệm, kiểu “dĩ hòa vi quý” cũng từ Ban Kỷ luật, Ban Khiếu nại thuộc VFF. Rồi Quy chế, điều lệ giải cũng phải theo VFF. Rõ ràng vai trò điều tiết, chỉ đạo VFF với các đơn vị chức năng mới quyết định chất lượng tổ chức – điều hành giải đấu chứ không cuả riêng VPF.

* Nhưng rõ ràng VPF cũng có hạn chế trong bộ máy quản lý của mình?

- Như tôi đã nói, VPF ra đời vội vã, quá nhanh, lại liên tiếp gặp sự cố. Như việc bầu Kiên vốn nắm mảng tài trợ lại gặp sự cố khiến VPF bị ảnh hưởng không ít. Ai cũng biết VPF ra đời cũng chú trọng khai thác mảng tài trợ. Nay người trực tiếp phụ trách mảng ấy không thể đảm đương công việc lập tức kéo theo những mắt xích còn lại có vấn đề.

Rồi bản thân nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn cũng tác động không nhỏ đến quá trình hoạt động. Các ông bầu, đội bóng tham dự giải là thành viên lại không chịu nộp tiền, mới nộp được một nửa thì làm sao bộ máy hoạt động đồng nhất. Chính tôi thấy VPF cũng làm việc chưa đến nơi đến chốn thật sự. Rõ ràng về mặt chức năng nhiệm vụ, VPF chưa đáp ứng được mong mỏi mà xã hội kỳ vọng.

* Phía bầu Đệ lại cho rằng VPF chưa rõ ràng trong vấn đề tài chính 2 năm qua?

- Đứng góc độ Trưởng Ban kiểm soát VPF, tôi là người chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động tài chính của Hội đồng quản trị VPF, kiểm tra tài sản, tài chính được thành viên VPF sử dụng đúng mục đích hay không. Không có chuyện lãnh đạo VPF dùng tiền của công ty mà còn phải tự bỏ tiền túi. Kể cả lúc họp hành, thuê khách sạn, vé máy bay, tôi hay các thành viên trong VPF đều tự bỏ tiền túi ra chi trả chứ không lấy một đồng. Kể cả lúc VPF gặp khó khăn, chúng tôi còn tự bỏ tiền túi ra để hỗ trợ, chứ không có chuyện nhập nhằng, gian lận tiền bạc gì ở đây cả.

* Việc VFF vẫn chưa thể tiến hành Đại hội VFF nhiệm kỳ 7 theo ông có cấn cá gì?

- Tôi nghĩ rằng lâu nay chúng ta chưa nhất quán ai là Chủ tịch VFF và những tiêu chí nào cụ thể để bầu chọn. Còn như ở Khatoco  hoàn toàn khác. Chúng tôi có quy định rõ tiêu chí về bằng cấp, năng lực, chính sách, cách sử dụng nguồn thi tuyển, đào tạo… ra sao mới được làm chủ tịch. Còn hiện nay, chúng ta không có hướng đi cụ thể cho chức vụ cao nhất VFF. Chưa tìm được nguồn nhân sự thì có tổ chức Đại hội cũng chỉ là hình thức, nên việc tạm hoãn là tất nhiên.

Khi đã bầu bán phải có hai ứng viên trở lên chứ không thể là một. Không thể mãi theo quy tắc khóa trước giới thiệu nhân sự khóa sau, hoặc cơ quan chủ quản giới thiệu ứng viên cho VFF. Như Đại hội VFF nhiệm kỳ 6 cũng chỉ có 1 ứng viên ra ứng cử chức Chủ tịch VFF, thì bỏ phiếu chỉ mang tính tín nhiệm chứ không thể gọi là “so bó đũa, chọn cột cờ được”. Tôi nghĩ đến lúc phải xem xét tiêu chí bầu chọn nghiêm túc cho vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7.

* Còn bức tranh u ám giải chuyên nghiệp Việt Nam lúc này, phải chăng chúng ta đang trả giá quá đắt cho cách làm kiểu ăn xổi?

- Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phát triển không có sự tích lũy nội lực, về chất nên bung bét là dễ hiểu. Thực chất có bao nhiêu câu lạc bộ đủ chuẩn chuyên nghiệp đâu. Chúng ta có thói quen là tỉnh nào cũng mong có đội đá V-League, trong lúc tiềm lực kinh tế có hạn. Đến lúc không có nguồn cầu thủ phải đi “cướp” của nhau, tạo bức tranh chuyển nhượng vô lối, nội bộ các đội luôn bất ổn. Tôi nghĩ làm gì một đội bóng chi tiêu đến 60-70 tỷ/năm, một con số quá lãng phí thật sự.

* Vậy ông dự đoán ra sao về mùa giải 2014 tới đây?

- Tôi nghĩ chỉ có 2-3 đội bóng rút lui do thiếu tiền bạc. Hoặc do ông bầu thấy việc đầu tư bóng đá để quảng cáo hình ảnh không còn hiệu quả nên rút lui. Nhưng đa phần những ông bầu bỏ bóng đá không phải hết tiền. Trái lại họ còn rất giàu có để chơi bóng đá nhiều năm. Song họ chán nản, nhức đầu vì bối cảnh bóng đá loạn lạc hiện tại nên lần lượt rút lui thôi. Đấy là bản chất chứ không phải lạm phát, hết tiền khiến các ông bầu bỏ giải.

Rút kinh nghiệm vấn đề ấy, lãnh đạo VPF nhất quán ý kiến mùa 2014 có bao nhiêu đội thì chơi bấy nhiêu. Việc quan trọng nhất là tái cấu trúc toàn diện nền bóng đá nước nhà. VPF cần làm việc nghiêm túc, quyết liệt, trong lúc VFF, Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật, Ban Khiếu nại lẫn Ban Tư vấn đạo đức và các ban chức năng khác của VFF phải cùng đi bên cạnh, chứ không hoạt động tác biệt, độc lập được.

Các đội bóng cũng từ bỏ thói quen cũ để tạo sân chơi sạch thật sự. Còn nếu cứ kiểu cung cách như thời gian qua, bóng đá thiếu sự chỉn chu, chuyên nghiệp, còn nhiều ông bầu bỏ bóng đá hơn nữa. Các ông bầu không thiếu tiền hay tâm huyết, họ chỉ cần môi trường trong sạch để chơi bóng đá thật sự mà thôi.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Thể Thao Văn Hoá

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.