Nội dung nổi bật:
- “Toàn cầu hóa” có thể có từ thời nguyên thủy khi con người mang hàng hóa từ bộ lạc này sang bộ lạc khác trao đổi, ấy là theo cách nhìn của Adam Smith.
- Khi Columbus tìm ra Châu Mỹ, ông không biết mình sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống tiền tệ Châu Âu. Nhờ nguồn bạc gần như vô tận từ Châu Mỹ tuôn về Châu Âu mà xu hướng giảm phát suốt hơn 200 năm chấm dứt, mở ra giai đoạn “cách mạng giá” dài 150 năm, trong đó giá cả tại Châu Âu tăng gấp 5-6 lần.
- Dù nghĩ toàn cầu hóa “tốt” hay “xấu”, thì đó cũng là chuyện đương nhiên trong lịch sử nhân loại
Toàn cầu hóa là thuật ngữ “hot” suốt hai thập kỷ qua. Sự giao lưu cả về tri thức, thương mại và vốn tăng trưởng đột ngột nhờ những tiến bộ công nghệ như internet hay tàu chở container khiến ai ai cũng chú ý tới “toàn cầu hóa”.
Một số người cho rằng toàn cầu hóa là tốt. Theo nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Amartya Sen, toàn cầu hóa giúp thế giới giàu lên cả về khoa học và văn hóa, và làm lợi cho tất cả mọi người về mặt kinh tế. Liên Hợp Quốc còn dự đoán rằng toàn cầu hóa sẽ xóa bỏ đói nghèo trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, một số người lại nghĩ khác. Các học giả vốn công kích học thuyết thị trường tự do như Joseph Stiglitz và Ha – Joon Chang phê phán toàn cầu hóa vì nó kéo dài thay vì kéo giảm sự bất bình đẳng toàn cầu.
“… nguyên nhân sâu sa dẫn đến phát triển kinh tế là do các thị trường hợp nhất theo thời gian.” |
Tuy nhiên, những nhà lịch sử kinh tế cho rằng rất khó để trả lời câu hỏi toàn cầu hóa có lại hay có hại. Theo quan điểm của họ, câu trả lời phụ thuộc vào khi nào bạn cho là quá trình toàn cầu hóa bắt đầu. Toàn cầu hóa bắt đầu từ 20, 200 thậm chí 2000 năm trước đây, có quan trọng không? Câu trả lời là: không thể kết luận rằng một thay đổi có tốt không trong khi không xác định được sự thay đổi đó đã diễn ra được bao lâu.
Từ thời nguyên thủy?
Dù bản thân Adam Smith chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “Toàn cầu hóa” nhưng thuật ngữ này lại là chủ đề quan trọng trong tác phẩm Wealth of Nations (Sự giàu có có các quốc gia). Trong tác phẩm của mình, ông giải thích nguyên nhân sâu sa dẫn đến sự phát triển kinh tế là do các thị trường hợp nhất theo thời gian.
Sự phân chia lao động thúc đẩy doanh thu tăng trưởng. Chuyên môn hóa lao động mở rộng thương mại và dần dần kết nối các động đồng từ các vùng tách biệt trên thế giới. Phân chia lao động nguyên thủy chỉ là giữa người đi săn và người hái lượm. Sau đó hình thành các hình thái làng xã, mạng lưới buôn bán cũng được mở rộng và sự chuyên môn hóa cũng sâu rộng hơn.
Cuối cùng, mỗi người chuyên sâu phụ trách một công việc: người làm cung tên, thợ mộc xây nhà, thợ may để may quần áo. Họ mang các sản phẩm mình làm trao đổi lấy thức ăn từ những người thợ săn hay những người hái lượm. Từ đó, các làng xã, các thành phố, các nước, các lục địa bắt đầu trao đổi những hàng hóa họ có lợi thế thương mại để lấy những hàng hóa họ không có lợi thế. Thị trường ngày càng hợp nhất, sự chuyên môn hóa lao động và thương mại đều phát triển.
Hay từ thời Columbus tìm ra Châu Mỹ?
Quá trình mà Smith miêu tả trong tác phẩm của mình khá giống với quá trình toàn cầu hóa thời kỳ đầu dù có nó bị hạn chế bởi khu vực địa lý so với cách hiểu ngày nay.
“Việc phát hiện ra các mỏ kim loại quý tại châu Mỹ vào thế kỷ 16 đã àm giảm giá trị của vàng và bạc ở Châu Âu, chỉ còn bằng 1/3 so với trước đó” |
Smith đã đưa ra một ví dụ cụ thể khi ông trình bày về sự hợp nhất thị trường giữa các châu lục: Châu Âu và Châu Mỹ. Việc những thương nhân Châu Âu phát hiện ra người Châu Mỹ bản địa đã giúp thúc đẩy một sự phân chia lao động mới giữa hai châu lục này. Ví dụ được ông đưa ra là, những người châu Mỹ chuyên môn hóa trong việc săn bắn, sau đó họ trao đổi da động vật để lấy chăn, lửa – vũ khí và rượu từ những thương nhân Châu Âu.
Một số nhà lịch sử kinh tế hiện đại không đồng ý với quan điểm của Smith về việc Christopher Columbus phát hiện ra Châu Mỹ vào năm 1492 đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa.
Trong một bài báo 2002, Kevin O’Rourke và Jeffrey Williamson lập luận rằng toàn cầu hóa chỉ thực sự bắt đầu vào thế kỷ 19 khi chi phí vận tải giảm khiến giá của hàng hóa ở châu Âu và châu Mỹ dần dần được cân bằng. Columbus tìm ra Châu Mỹ hay Vasco de Gama phát hiện ra con đường tới châu Á qua Mũi Hảo Vọng chỉ có tác động rất nhỏ đến giá hàng hóa.
Nhưng có một thị trường quan trọng mà hai ông O’Rourke và Williamson bỏ sót trong phân tích: đó là thị trường bạc. Do tiền tệ châu Âu chủ yếu dựa vào giá trị của bạc nên bất kỳ sự thay đổi nào trong giá bạc có thể ảnh hưởng tới giá hàng hóa ở Châu Âu. Smith cho rằng đó là một trong những thay đổi kinh tế lớn nhất nhờ có việc tìm ra châu Mỹ.
“Việc phát hiện ra các mỏ kim loại quý tại châu Mỹ vào thế kỷ 16 đã làm giảm giá trị của vàng và bạc ở Châu Âu, chỉ còn bằng 1/3 so với trước đó. Bởi vì chi phí lao động rẻ, nên chúng dễ dàng được vận chuyển sang Châu Âu”.
“Tình trạng giá leo thang chỉ chấm dứt vào khoảng năm 1650 khi giá tiền đúc bạc Châu Âu thấp đến nỗi nhập khẩu bạc từ Châu Mỹ chẳng lời lãi gì nữa.” |
Sau năm 1500, đế chế Tây Ba Nha và Bồ Đào Nha đã chuyển 15.000 tấn bạc từ Bolivia và Mexico sang Châu Âu làm đảo ngược xu hướng giá giảm trong thời kỳ Trung cổ, và làm giá hàng hóa tăng lên đáng kể từ 6 đến 7 lần trong hơn 150 năm sau (xem biểu đồ).
Ảnh hưởng của cuộc cách mạng giá – theo cách gọi của những học giả kinh tế thời đó, đã làm thay đổi bộ mặt Châu Âu.. Và nếu bạc từ Châu Âu xuất sang Trung Quốc và Ấn Độ không đột ngột tăng trong thời kỳ đó, lạm phát Châu Âu chắc sẽ còn tồi tệ hơn thế. Tình trạng giá leo thang chỉ chấm dứt vào khoảng năm 1650 khi giá tiền đúc bạc Châu Âu thấp đến nỗi nhập khẩu bạc từ Châu Mỹ chẳng lời lãi gì nữa.
Biến động trên thị trường bạc thời tiền cận đại chỉ là một ví dụ của “Toàn cầu hóa”.
Xem thêm: Lịch sử đế vương của ngành đường thế giới
Có dừng được không
Toàn cầu hóa không phải là một quá trình xuyên suốt. Có bằng chứng cho thấy nó đình trệ trong nhiều giai đoạn như thời Trung Cổ, thế kỷ XVII, và khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến trong thế kỷ XX. Và có một số bằng chứng cho thấy toàn cầu hóa đã lùi lại từ sau khủng hoáng kinh tế 2007.
Nhưng rõ ràng là toàn cầu hóa không chỉ đơn giản là một quá trình bắt đầu trong hai thập kỷ qua hoặc thậm chí hai thế kỷ trước. Nó kéo dài hàng ngàn năm, bắt đầu từ thời kỳ nguyên thủy săn bắn hái lượm, và cuối cùng phát triển thành những xã hội kết nối với nhau trên toàn cầu như hôm nay.
Cho dù bạn nghĩ rằng toàn cầu hóa có “tốt” hay không, nó dường như là một nhân tố thiết yếu trong lịch sử kinh tế nhân loại.
Xem thêm: Visa trên 3 tháng là được mua đất tại Việt Nam?
Thùy Đỗ
Theo Trí Thức Trẻ/The Economist